Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cảnh báo rủi ro bong bóng "tài sản xanh"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) đã cảnh báo về nguy cơ bong bóng ngày càng tăng trên các thị trường tập trung vào các tài sản thân thiện với môi trường.
Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cảnh báo rủi ro bong bóng "tài sản xanh"

Việc gia tăng cấp bách để hạn chế sự nóng lên toàn cầu và giải quyết các vấn đề khác như bất bình đẳng về chủng tộc và xã hội đã khiến nhu cầu đầu tư vào các tài sản có liên quan tới Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) bùng nổ và trở nên phổ biến trong những năm gần đây.

Một số ước tính chỉ ra rằng nhu cầu đầu tư tập trung vào ESG đã tăng lên 35.000 tỷ USD và hiện chiếm hơn 1/3 tổng số tài sản được quản lý chuyên nghiệp bởi các ngân hàng và quỹ đầu tư.

Trong đó, chỉ riêng các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) và các quỹ tương hỗ đầu tư vào các tài sản có liên quan tới ESG hoặc đầu tư có trách nhiệm với xã hội (SRI) cho thấy mức tăng trưởng nhanh hơn gấp 10 lần so với các tài sản đầu tư truyền thống khác và lên khoảng 2 nghìn tỷ USD. Điều này được chứng minh qua các tài sản như năng lượng sạch, cổ phiếu ô tô điện và trái phiếu xanh đã tăng vọt trong những năm gần đây.

“Có những dấu hiệu cho thấy việc định giá tài sản của ESG đã tăng quá cao”, BIS cho biết.

Claudio Borio, người đứng đầu bộ phận kinh tế và tiền tệ của BIS đã gọi đó là rủi ro "bong bóng xanh", nhấn mạnh sự gia tăng đầu tư vào các quỹ ETF và quỹ tương hỗ có thể so sánh với thị trường chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp (MBS) trong thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Giá các tài sản thân thiện với môi trường đã giảm nhẹ trong năm nay nhưng vẫn đang ở mức rất cao. Giá cổ phiếu xe điện Tesla đã tăng 750% trong cơn sốt năm ngoái và tăng 16.000% trong thập kỷ qua.

Chiến lược gia Borio cho biết, các nhà chức trách cần phải nhận thức được rủi ro mà nhu cầu của nhà đầu tư có thể có sự thay đổi lớn như vậy, đồng thời so sánh với thời kỳ bùng nổ chứng khoán internet vào đầu những năm 2000 và bùng nổ đường sắt vào những năm 1800.

Tuy nhiên, lượng “trái phiếu xanh” nắm giữ hiện tại được ước tính chiếm khoảng 1% tổng danh mục đầu tư trái phiếu của cả các công ty bảo hiểm Mỹ và các ngân hàng châu Âu nên khả năng sẽ không thể gây ra rủi ro hệ thống.

Báo cáo của BIS cũng tập trung vào sự gia tăng lạm phát toàn cầu hiện nay với sự thúc đẩy bởi chi phí năng lượng và tiền lương tăng cao khi các nền kinh tế thế giới mở cửa trở lại hậu Covid-19.

Chiến lược gia Borio cho biết quan điểm của BIS vẫn cho rằng sự gia tăng lạm phát sẽ chỉ là tạm thời mặc dù lạm phát đã tăng nhanh hơn dự kiến ​​ban đầu.

“Chúng ta đã thấy về những hạn chế từ phía nguồn cung và một số áp lực có thể kéo dài hơn một chút so với dự đoán ban đầu, nhưng quan điểm về cơ bản vẫn không thay đổi”, chiến lược gia Borio cho biết.

Tin bài liên quan