Các hãng hàng không đang thiếu hụt dòng tiền, cần “trợ thở” khẩn cấp, nếu không sẽ “chết lâm sàng” vì mất thanh khoản.
Hàng không tư nhân xếp hàng chờ giải cứu
Trong Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 vừa được Chính phủ ban hành, một trong những nội dung đáng lưu ý là đề nghị Ngân hàng Nhà nước, ngay trong tháng 9/2021, phải chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan xem xét, quyết định theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định các cơ chế về hỗ trợ tín dụng giúp các hãng hàng không giải quyết thanh khoản, đảm bảo nguồn lực để duy trì và phát triển.
TS. Bùi Doãn Nề, Tổng thư ký Hiệp hội Hàng không Việt Nam cho hay, năm 2020, doanh thu của các hãng hàng không đã giảm tới 50%, nhưng năm 2021 còn thê thảm hơn, đặc biệt là vận chuyển khách quốc tế giảm tới 98%. Trong khi doanh thu sụt giảm nặng nề, các hãng hàng không vẫn phải chi hơn 100 tỷ đồng/ngày tiền thuê và bảo dưỡng máy bay, đảm bảo máy bay luôn trong tình trạng sẵn sàng cất cánh, chi trả lương cho nhân viên, phi công..., khiến nhiều hãng bay âm dòng tiền, thanh khoản suy giảm.
Trong bối cảnh này, ông Nề cho biết, ngành hàng không rất mừng vì Chính phủ đã lắng nghe doanh nghiệp; Hiệp hội đang rất mong các giải pháp hỗ trợ dòng tiền sớm được ban hành để các hãng bay có cơ hội phục hồi, phát triển.
Được biết, Hiệp hội Hàng không Việt Nam đã đề xuất Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế tái cấp vốn 5.000 - 6.000 tỷ đồng cho các hãng hàng không khác, căn cứ theo quy mô, thị phần, vai trò, đóng góp cụ thể của từng hãng. Bên cạnh đó, Hiệp hội đề nghị dành cho các hãng hàng không vay gói tín dụng khoảng 25.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất 4%/năm, thời hạn từ 3-5 năm.
Việc Chính phủ chỉ đạo đưa ra cơ chế hỗ trợ tín dụng cho các hãng hàng không được các chuyên gia kinh tế đồng tình. Sau 4 đợt dịch, doanh nghiệp hàng không đang thiếu hụt dòng tiền, cần “trợ thở” khẩn cấp, nếu không sẽ “chết lâm sàng” vì mất thanh khoản. Hiện nợ quá hạn và nợ đến hạn phải trả của các hãng bay lên tới gần 40.000 tỷ đồng, riêng Vietnam Airlines đã âm vốn chủ sở hữu. Trong khi đó, nhiều khả năng, đến cuối năm sau hoặc đầu năm 2023, ngành hàng không mới có thể hồi phục.
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, hàng không là lĩnh vực có tính lan tỏa rất lớn đến nền kinh tế, giữ vai trò không thể thiếu trong việc duy trì chuỗi cung ứng, phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. Vì vậy, việc đưa ra cơ chế tín dụng để giải cứu thanh khoản cho ngành là rất cấp thiết. Trên thế giới, các nước đã tung ra hàng trăm tỷ USD giải cứu ngành này trong gần 2 năm qua.
Tuy nhiên, sự hỗ trợ ngành hàng không tại Việt Nam còn hạn chế. Nhiều giải pháp được các nước triển khai, nhưng Việt Nam chưa áp dụng, như cho phép kết chuyển lỗ từ hoạt động kinh doanh năm 2020-2021 sang các năm sau, tăng hạn mức vận chuyển, cho vay hỗ trợ thanh khoản (mới thực hiện cho Vietnam Airlines)...
Ngân hàng không thiếu tiền, chỉ thiếu cơ chế
Cơ chế tín dụng với các hãng hàng không đang được Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan nghiên cứu, song về đề xuất cho vay tái cấp vốn với lãi suất thấp, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, trước hết, Quốc hội phải ban hành một nghị quyết giống như Nghị quyết tái cấp vốn cho Vietnam Airlines trước đây.
Theo tính toán của TS. Cấn Văn Lực, dựa vào yếu tố thị phần, việc Chính phủ tái cấp vốn cho các hãng hàng không tư nhân (Vietjet, Bamboo Airways…) khoảng 4.000 tỷ đồng là hợp lý. Với mức cho vay tái cấp vốn này và thời gian cho vay 3 năm (vay tối đa 12 tháng, được gia hạn tối đa 2 lần) thì tổng ngân sách hỗ trợ khoảng 480 tỷ đồng - mức có thể chấp nhận được.
Tuy vậy, nguồn lực từ cho vay tái cấp vốn của Chính phủ là có hạn trong khi nhu cầu vay của các hãng bay lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, quan trọng nhất là phải có cơ chế tín dụng để ngân hàng và các hãng hàng không thỏa thuận với nhau về điều kiện vay vốn.
Theo TS. Cấn Văn Lực, đề xuất của các hãng bay về việc ngân hàng cho vay 25.000 tỷ đồng lãi suất 3-4%/năm, kéo dài trong 3-5 năm là bất khả thi, bởi nếu cho vay với lãi suất này, ngân hàng sẽ thua lỗ.
TS. Nguyễn Quốc Hùng chỉ ra một thực tế là, nhu vay vốn của các hãng hàng không hiện rất lớn, song ngân hàng không thể cho vay, dù các hãng bay vẫn có tài sản đảm bảo. Lý do là theo Luật Các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp muốn vay vốn, phải chứng minh được phương án kinh doanh, nguồn trả nợ. Trong bối cảnh mọi đường bay gần như đóng băng, việc này là không thể.
“Lãi suất hiện không phải là vấn đề lớn nhất. Vấn đề quan trọng nhất là làm sao tháo gỡ được cơ chế để các hãng hàng không có thể vay vốn. Các tổ chức tín dụng không thiếu vốn, chỉ thiếu room. Sửa hành lang pháp lý để doanh nghiệp hàng không có thể tiếp cận vốn là vấn đề quan trọng nhất hiện nay”, ông Hùng nói.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho hay, với Thông tư 14/2021/TT-NHNN vừa được ban hành, các hãng hàng không đã được gỡ khó với các khoản vay trước ngày 1/8/2021. Tuy nhiên, ngân hàng vẫn chưa dám cho các hãng hàng không vay mới. Chỉ khi Quốc hội, Chính phủ “bật đèn xanh”, ban hành quy định cho phép ngân hàng thương mại cho các hãng hàng không vay vốn lưu động, mà không cần phương án sản xuất - kinh doanh, thì ngân hàng mới dám cho vay.
Dù tán thành việc Chính phủ “cấp cứu” tín dụng cho hàng không, song các chuyên gia cho rằng, để tạo cơ sở cho Chính phủ đưa ra cơ chế giải cứu tín dụng, các hãng hàng không phải đưa ra phương án phục hồi và cam kết cụ thể để chứng minh mình xứng đáng được hỗ trợ, như cam kết giữ nhân viên, khi phục hồi sẽ sử dụng nhiên liệu thân thiện môi trường…
Nếu hãng hàng không đang bị thua lỗ, chưa có phương án kinh doanh khả thi, thì theo Luật Các tổ chức tín dụng, các ngân hàng không được cho vay. Vì vậy, để hỗ trợ các hãng hàng không, Quốc hội cần ban hành Nghị quyết cho phép tổ chức tín dụng được cho vay đối với đối tượng khách hàng như vậy.
Riêng về lãi suất, nếu yêu cầu Chính phủ cho vay tái cấp vốn 100% thì không khả thi, vì ngân sách hạn chế, lại phải chi rất nhiều cho phòng, chống dịch bệnh và hỗ trợ các đối tượng khác. Vì vậy, lãi suất nên để ngân hàng và các hãng hàng không thỏa thuận với nhau. Vấn đề quan trọng nhất là phải tháo gỡ về cơ chế.
- TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia