MB lên kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 40% trong năm nay, lên gần 39.000 tỷ đồng

MB lên kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 40% trong năm nay, lên gần 39.000 tỷ đồng

Ngân hàng tăng vốn, dồn dập nhưng không dồn cục

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các kế hoạch phát hành tăng vốn nhiều nghìn tỷ đồng của khối ngân hàng đang dần rõ ràng hơn. Điều may mắn cho thị trường chứng khoán là các đợt hành sẽ không dồn vào một thời điểm.

Chia cổ tức bằng cổ phiếu và gọi vốn mới

Hội đồng quản trị TPBank vừa thông qua Nghị quyết về việc triển khai phương án tăng vốn điều lệ dưới hình thức chào bán riêng lẻ. Phương án này đã được đại hội cổ đông thường niên 2021 của Ngân hàng thông qua.

Theo đó, TPBank sẽ chào bán 100 triệu cổ phần (tương đương 1.000 tỷ đồng) để tăng vốn từ hơn 10.716 tỷ đồng lên trên 11.716 tỷ đồng. Kế hoạch này sẽ được Ngân hàng triển khai trong 2021 sau khi được cơ quan quản lý chấp thuận. Số cổ phần này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và 1 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

MB lên kế hoạch tăng 40% vốn điều lệ trong năm nay, theo 3 phần. Phần 1, Ngân hàng sẽ phát hành cổ phiếu trả cổ tức theo tỷ lệ 35% để nâng vốn điều lệ từ 28.000 tỷ đồng lên 38.600 tỷ đồng. Phần 2, MB sẽ tăng vốn thêm 700 tỷ đồng thông qua bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược và các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp khác, đáp ứng tiêu chí lựa chọn của Ngân hàng. Phần 3, Ngân hàng phát hành 19,24 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ, nhân viên.

Theo MB, việc tăng vốn điều lệ là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao năng lực tài chính, năng lực hoạt động và khả năng cạnh tranh của Ngân hàng. Ngày 3/6/2021, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho MB tăng vốn điều lệ thêm gần 9.800 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận sau thuế lũy kế (theo phần 1 của phương án tăng vốn).

Trong khi đó, mặc dù vừa tăng vốn thêm hơn 3.000 tỷ đồng trong năm 2020 thông qua phát hành riêng lẻ cho đối tác ngoại Aozora Bank đến từ Nhật Bản và phát hành cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 25%, OCB tiếp tục lên kế hoạch tăng vốn mới trong năm nay.

Cụ thể, Ngân hàng đã trình cổ đông kế hoạch tăng vốn từ 10.959 tỷ đồng lên 14.449 tỷ đồng, tương đương tăng 32% thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành cổ phiếu ESOP và phát hành riêng lẻ. Trong đó, Ngân hàng dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 25%, tương đương phát hành gần 274 triệu cổ phiếu cho cổ đông...

Theo ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị OCB, việc tăng vốn nhằm nâng cao năng lực tài chính, nâng cao sức cạnh tranh cho Ngân hàng.

OCB vừa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho tăng vốn thêm 1.740 tỷ đồng bằng chia cổ tức.

Có thể thấy, năm nay, các ngân hàng lên kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ rất cao, phổ biến từ 20 - 40%. Đơn cử, MSB chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30%, dự kiến nâng vốn điều lệ từ 11.750 tỷ đồng lên 15.275 tỷ đồng.

ACB cũng vừa triển khai kế hoạch chia cổ tức 2020 bằng cổ phiếu tỷ lệ 25%, nâng vốn điều lệ từ 21.615 tỷ đồng lên 27.019 tỷ đồng. Cuối tháng 5/2021, VIB công bố kế hoạch thực hiện chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông 40%, tăng vốn điều lệ lên trên 15.500 tỷ đồng sau khi nhận được văn bản chấp thuận từ Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước...

Các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ cũng chạy đua tăng vốn trong năm nay như Nam A Bank, Bản Việt, VietBank lần lượt tăng vốn lên hơn 8.500 tỷ đồng, trên 5.000 tỷ đồng và mức 4.777 tỷ đồng thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông và phát hành cổ phiếu ESOP.

Gia cố bộ đệm thanh khoản để ứng phó rủi ro

Theo Nghị định 121/2020 sửa đổi bổ sung Nghị định 91/2005 về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sửa dụng vốn, tài sản của doanh nghiệp được Chính phủ ban hành hồi tháng 10/2020, Chính phủ cho phép dùng ngân sách nhà nước để bổ sung vốn cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước trên 50% trở lên. Đồng thời, Nghị định 121/2020 đã giúp tạo ra hành lang pháp lý cho việc tăng vốn mạnh mẽ của các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước giữ tỷ lệ chi phối trong thời gian tới.

Các nhà băng có vốn nhà nước đã tự tin đưa ra kế hoạch tăng vốn năm nay khi nút thắt pháp lý đã được nới lỏng.

BIDV đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ thêm 8.304 tỷ đồng, lên 48.524 tỷ đồng trong năm nay, tương đương tăng 20,6% thông qua phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu. Theo đó, nhà băng này sẽ phát hành 207,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 (tỷ lệ 5,2%), phát hành 281,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 (tỷ lệ 7%). Thời gian thực hiện dự kiến trong quý III và quý IV/2021.

Tương tự, Hội đồng quản trị VietinBank thông qua phương án phát hành gần 1,1 tỷ cổ phiếu trả cổ tức hai năm 2017 và 2018, tỷ lệ hơn 29%. Nguồn vốn thực hiện từ lợi nhuận sau thuế trích lập các quỹ năm 2017, 2018 và phần lợi nhuận sau thuế còn lại của năm 2019 sau trích lập các quỹ, chi trả cổ tức bằng tiền mặt. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý III và IV/2021. Sau khi hoàn thành, vốn điều lệ của Ngân hàng dự kiến tăng thêm 10.824 tỷ đồng, nâng mức vốn điều lệ từ 37.234 tỷ đồng lên 48.058 tỷ đồng.

Tăng vốn sẽ tăng bộ đệm thanh khoản giúp ngân hàng ứng phó tốt hơn với rủi ro dịch bệnh hiện nay.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính

Mới đây, VietinBank chính thức được Chính phủ phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn Nhà nước gần 7.000 tỷ đồng.

Nhìn nhận về quyết định cấp vốn cho VietinBank, giới chuyên môn cho rằng, tăng vốn giúp VietinBank tiếp tục nâng cao năng lực quản trị, năng lực tài chính. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường nhiều biến động bất thường thì tăng vốn điều lệ sẽ góp phần tăng sức chịu đựng của VietinBank, giúp Ngân hàng gia tăng huy động vốn, mở rộng tín dụng.

Cổ đông Vietcombank cũng đã thông qua kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ từ 37.000 tỷ đồng lên hơn 50.000 tỷ đồng trong năm nay. Phương án tăng vốn điều lệ của nhà băng này được chia thành 2 cấu phần: Thứ nhất, Vietcombank dự kiến phát hành hơn 1 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 27,6% từ lợi nhuận còn lại năm 2019 sau khi chia cổ tức 8%; Thứ hai, phát hành cổ phiếu riêng lẻ quy mô tối đa 6,5% vốn điều lệ tại thời điểm chào bán. Đối tượng chào bán là nhà đầu tư tổ chức có tiềm lực tài chính, có thể gồm một hoặc một số cổ đông hiện hữu.

Trong đợt chào bán riêng lẻ, Vietcombank dự kiến phát hành cho đối tác chiến lược Mizuho (Nhật Bản) tối thiểu 46 triệu cổ phiếu để giữ tỷ lệ sở hữu ít nhất 15% và phát hành thêm cho nhà đầu tư khác. Theo kế hoạch, thời gian thực hiện cấu phần 1 là trong năm 2021, còn cấu phần 2 sẽ được thực hiện trong năm 2021 và tiếp tục trong năm 2022.

Hệ số CAR của nhiều ngân hàng đang ở mức an toàn, nhưng theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, “tăng vốn sẽ tăng bộ đệm thanh khoản giúp ngân hàng ứng phó tốt hơn với rủi ro dịch bệnh hiện nay”. Vì vậy, việc tăng vốn cho ngân hàng là điều cần thiết, nhất là với những ngân hàng có vốn nhà nước.

Thực tế cho thấy, với vốn điều lệ các ngân hàng nhà nước hiện nay, hệ số an toàn vốn khá nhỏ so với các ngân hàng thương mại cổ phần và các ngân hàng trong khu vực. Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, vấn đề quan tâm lớn hiện nay là tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước.

Theo bà Hồng, “nếu không được bổ sung vốn điều lệ, nhóm này sẽ hạn chế khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, thu hẹp thị phần, khó hiện thực hóa chỉ tiêu có ít nhất một đến 2 ngân hàng thương mại nằm trong Top 100 ngân hàng lớn nhất về tổng tài sản khu vực châu Á theo chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng 2030 được Chính phủ phê duyệt”.

Tin bài liên quan