VPBank dự kiến chia cổ tức và chia thưởng cổ phiếu lên tới 80% trong năm nay

VPBank dự kiến chia cổ tức và chia thưởng cổ phiếu lên tới 80% trong năm nay

Ngân hàng tăng vốn chờ mở room tín dụng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc các ngân hàng cấp tập triển khai kế hoạch tăng vốn điều lệ được nhìn nhận nhằm đáp ứng điều kiện xét duyệt nới room tín dụng.

VPBank vừa gây chú ý trên thị trường với việc ra thông báo lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu theo tỷ lệ 80% trong năm 2021. Ngày đăng ký cuối cùng để lấy ý kiến cổ đông là 13/7/2021, ngày giao dịch không hưởng quyền là 12/7/2021.

Trước đó, MB cũng thông báo về việc thực hiện chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận sau thuế để lại lũy kế năm 2020. Ngày chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức bằng cổ phiếu là 13/7/2021. Theo phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức đã được đại hội cổ đông thông qua và các cơ quan quản lý chấp thuận, Ngân hàng sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 35%, tăng vốn điều lệ thêm 9.795 tỷ đồng lên hơn 38.600 tỷ đồng.

Trong một diễn biến khác, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho TPBank tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỷ đồng bằng phương án phát hành riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược. Năm nay, TPBank đặt kế hoạch 5.800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 32% so với thực hiện năm 2020.

Bên cạnh những ngân hàng đang lên kế hoạch thì nhiều nhà băng đã hoàn thành việc tăng vốn. Chẳng hạn, ngày 10/6/2021, VIB đã hoàn tất việc phát hành hơn 443,7 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông, tương đương tỷ lệ 40%, qua đó tăng vốn điều lệ từ 11.094 tỷ đồng lên 15.551 tỷ đồng.

SHB ngày 17/5 đã phát hành hơn 175 triệu cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 10%. Số cổ phiếu này đã chính thức được giao dịch từ ngày 16/6/2021. Vốn điều lệ của SHB sau khi chia cổ tức bằng cổ phiếu đã tăng lên 19.260 tỷ đồng. VietBank đã hoàn tất đợt phát hành hơn 58,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 14%, nâng vốn điều lệ lên gần 4.800 tỷ đồng. ACB đã phát hành hơn 540 triệu cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 25%, tăng vốn điều lệ lên hơn 27.000 tỷ đồng.

Một lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng Nhà nước cho biết, hầu hết kế hoạch tăng vốn của các ngân hàng gần đây đều thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu. Phương thức này bản chất không thay đổi quyền lợi của cổ đông, không có dòng tiền thêm vào, mà chỉ chuyển lợi nhuận thành vốn của ngân hàng.

Một trong những nguyên nhân chính của việc tăng vốn dồn dập được thị trường cho rằng có liên quan đến việc nới room tăng trưởng tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước đã giao chỉ tiêu hạn mức tín dụng lần đầu cho các ngân hàng trong hệ thống (Techcombank được cấp room tín dụng cao nhất với mức 12%; TPBank xếp sau đó với mức 11,5%. Vietcombank, MB, MSB có chung hạn mức tín dụng là 10,5% và ba ngân hàng quốc doanh còn lại là Agribank, BIDV, VietinBank và một số ngân hàng cổ phần khác được cấp room tín dụng từ 6,5 - 7,5%), nhưng chỉ trong 4 hoặc 5 tháng đầu năm, nhiều ngân hàng đã sử dụng hết hạn mức tín dụng này.

Tại MSB, tăng trưởng dư nợ cho vay của Ngân hàng đến hết quý I/2021 ước đạt 9,5%, trong khi room tín dụng được giao chỉ là hơn 10%.

MB, trong ba tháng đầu năm, đã đạt mức tăng trưởng tín dụng 8,6%, sát với hạn mức 10,5% được cấp đầu năm. Dự tính, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng trong năm 2021 có thể đạt 20%.

Hay tại Techcombank, tính đến 31/3/2021, tăng trưởng dư nợ cho vay đã ở mức 6,76% trong khi room tín dụng cho cả năm là 12%.

Tại đại hội cổ đông thường niên 2021, lãnh đạo TPBank cho biết, Ngân hàng đã đạt mức tăng trưởng tín dụng gần 7% trên hạn mức được giao cả năm là 11,5%. Ngân hàng kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ lên tới 26% trong năm 2021.

“Có hơn 10 tổ chức tín dụng đã nộp đơn xin nới room tín dụng và Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét trong thời gian tới”, thông tin được ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ chia sẻ tại buổi họp báo sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm của Ngân hàng Nhà nước. Tất nhiên, mức cấp hạn mức tín dụng giữa các ngân hàng khác nhau sẽ khác nhau, được Ngân hàng Nhà nước cân nhắc trên cơ sở xem xét nhiều yếu tố từ quy mô, chất lượng tài sản của từng tổ chức tín dụng.

Việc tăng vốn thành công sẽ giúp các ngân hàng nâng cao chỉ số an toàn tài chính, có thêm dư địa tăng trưởng tín dụng – mảng kinh doanh lõi của các ngân hàng.

Tin bài liên quan