Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc dân (NCB) vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị trên toàn hệ thống tăng cường công tác bảo vệ, an ninh ngân hàng.
Theo đó, NCB yêu cầu các đơn vị bảo vệ, lực lượng an ninh có phương án bảo đảm an toàn cho tài sản vật chất của Ngân hàng, bao gồm các hoạt động kho quỹ, vận chuyển tiền; đảm bảo an ninh và chất lượng dịch vụ thẻ, phòng ngừa và kịp thời ngăn chặn những hành vi tiêu cực, trộm cắp, gây rối, phá hoại.
Công văn của NCB đã nhấn mạnh việc thực hiện công tác giao nhận, bảo quản, vận chuyển tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá phải đảm bảo tuân thủ quy định của Ngân hàng; vận chuyển tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ phải sử dụng xe chuyên dùng và các phương tiện kỹ thuật cần thiết cũng như đầy đủ các thành phần tham gia, bao gồm người điều khiển phương tiện, áp tải, bảo vệ; bố trí, sắp xếp không gian riêng biệt phục vụ cho hoạt động kiểm đếm, cất trữ tiền mặt, tài sản, đảm bảo đầy đủ các thiết bị an toàn, không có người qua lại. Ngoài ra, các chi nhánh, phòng giao dịch phải bố trí lực lượng an ninh túc trực thường xuyên trong các trường hợp kiểm đếm với số lượng lớn…
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo nhiều ngân hàng cho biết đã có những biện pháp kịp thời để đảm bảo an toàn của hệ thống, đặc biệt trong những ngày cuối năm, dịp Tết.
Tuy vậy, một lãnh đạo ngân hàng cao cấp cho rằng, cũng do cướp ngân hàng hiếm khi xảy ra ở Việt Nam khiến nhiều ngân hàng chủ quan, có phần lơi lỏng trong công tác an ninh. Các ngân hàng gần như không tổ chức huấn luyện cán bộ, nhân viên đối diện với những tình huống nguy hiểm như cướp có vũ trang.
Trong quy định vận hành của ngân hàng, cũng có điều khoản chung khi bị cướp sẽ phải sử dụng nút ấn báo động như thế nào, nhưng về cơ bản, quy định cụ thể trong toàn ngân hàng trong trường hợp bị cướp phải ứng xử chi tiết ra sao lại không có. Đặc biệt, nguyên tắc trước tiên là phải bảo vệ tính mạng của khách hàng rồi đến chính mình, chứ không phải là an toàn kho quỹ, nhưng rất ít ngân hàng đưa vào quy định, chứ chưa nói đến vấn đề tập huấn thường xuyên.
Vị lãnh đạo trên nhận định, ngân hàng cần có những quy định cụ thể, tiếp đó là phải có chương trình tập huấn tình huống cụ thể cho nhân viên thường xuyên bên cạnh việc nâng cao cơ sở vật chất đảm bảo an ninh tại các phòng giao dịch, chi nhánh.
Về phía cơ quan quản lý ngành ngân hàng, cuối tuần trước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có Công điện yêu cầu các ngân hàng tăng cường công tác an toàn kho quỹ, giao dịch tiền mặt nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và tài sản trong các khâu giao dịch, két quỹ, kho tiền…
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng triển khai thực hiện ngay một số công việc sau: kiểm tra, rà soát hệ thống thiết bị an toàn tại nơi giao dịch như hệ thống camera, các hệ thống báo động, nút ấn báo động tại trụ sở, quầy giao dịch và các khu vực khác có liên quan; kịp thời bổ sung, sửa chữa, thay thế, đảm bảo các hệ thống thiết bị hoạt động phát huy hiệu quả, đặc biệt là hệ thống camera quan sát khu vực giao dịch tiền mặt, khu vực trước cửa, sảnh trụ sở của đơn vị; rà soát việc thiết kế, bố trí quầy giao dịch, vách kính, cửa ra vào quầy giao dịch đảm bảo việc ngăn chặn khả năng cướp hoặc đột nhập quầy giao dịch.
Công điện của Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu nhân viên bảo vệ tại các điểm giao dịch ngân hàng không được rời vị trí trực và thực hiện đúng quy định khi thực thi nhiệm vụ; xây dựng phương án bảo vệ chống đột nhập, cướp tiền, tài sản dưới mọi hình thức; thường xuyên tổ chức diễn tập tình huống cho nhân viên và bảo vệ ngân hàng; tổ chức các hoạt động nghiệp vụ tại đơn vị như kiểm kê cuối ngày, vận chuyển tiền, tiếp quỹ đảm bảo an toàn, bí mật, tránh việc kẻ gian theo dõi quy luật hoạt động của ngân hàng để gây án…
Việc tăng cường công tác an ninh tại các điểm giao dịch ngân hàng đang được ngành ngân hàng tiến hành song song với việc phòng ngừa kẻ gian tấn công các tài khoản ngân hàng, khi mà các vụ mất tiền qua ATM, tài khoản tại nhiều ngân hàng diễn ra liên tục gần đây.