Yêu cầu khung pháp lý chặt chẽ
Tại Diễn đàn, ông Ryu Hang Ha, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc đã đưa ra kiến nghị liên quan đến thời hạn của những khoản vay. Được biết, theo quy định tại Điều 10 Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng, ban hành theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN của Thống đốc NHNN Việt Nam ngày 31/12/2001, thời hạn vay áp dụng cho cá nhân nước ngoài tại các tổ chức tín dụng sẽ không vượt quá thời hạn được phép sinh sống, hoạt động tại Việt Nam. Quy định này có thể được hiểu rằng, thời hạn vay áp dụng cho người nước ngoài bị hạn chế bởi thời hạn của thẻ tạm trú hoặc thời hạn visa.
Ông Ryu Hang Ha cho rằng, theo Luật Nhà ở năm 2014, cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam, được sở hữu nhà ở tại Việt Nam với thời hạn không quá 50 năm và có thể được gia hạn. Cá nhân nước ngoài đó có các quyền của chủ sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam, trong đó có quyền thế chấp nhà ở cho các ngân hàng, tổ chức tín dụng để vay vốn. Do vậy, thời hạn vay áp dụng cho các cá nhân nước ngoài không nên bị giới hạn bởi thời hạn của thẻ tạm trú hay visa như nêu trên.
“Chúng tôi kiến nghị thời hạn cho vay đối với các cá nhân nước ngoài nên căn cứ vào khả năng trả nợ hơn là căn cứ vào thời hạn của thẻ tạm trú và thời hạn của visa. Chẳng hạn, thời gian cho vay có thể được gia hạn cho đến thời điểm kết thúc thời hạn sở hữu nhà (ví dụ, 50 năm) nếu như nhà ở được sử dụng làm tài sản bảo đảm. Quy định này sẽ hỗ trợ cho việc phát triển ngành tài chính của Việt Nam”, ông Ryu Hang Ha nói.
"Chúng tôi đề nghị NHNN xây dựng khung pháp lý cho hoạt động quản lý dòng tiền để các ngân hàng trong nước và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam có thể cung cấp dịch vụ cho vay có bảo lãnh cho khách hàng" - ông Nirukt Sapu, Trưởng Nhóm công tác ngân hàng (BWG).
Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Nirukt Sapu, Trưởng Nhóm công tác ngân hàng (BWG) cho biết, vẫn còn những trở ngại trong việc phát triển các sản phẩm quản lý dòng tiền. Hiện nay, do chưa có khuôn khổ pháp lý cụ thể và hướng dẫn của NHNN về các sản phẩm như cho vay có bảo lãnh, khiến khách hàng, đặc biệt là các công ty đa quốc gia với nhiều công ty con và chi nhánh, không được tiếp cận với các công cụ quản lý thanh khoản hiệu quả. Tình trạng này có thể có tác động xấu đến khả năng cạnh tranh của hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng như tới việc thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
“Chúng tôi đề nghị NHNN xây dựng khung pháp lý cho hoạt động quản lý dòng tiền để các ngân hàng trong nước và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam có thể cung cấp dịch vụ này cho khách hàng”, ông Nirukt Sapu nói.
BWG cho biết, các công ty trong và ngoài nước tham gia vào các dự án lớn luôn có nhu cầu quản lý rủi ro ngoại hối, lãi suất và rủi ro hàng hóa một cách hiệu quả. BWG đề xuất NHNN tiếp tục phát triển khung pháp lý trong lĩnh vực này, đặc biệt là cơ chế cho phép thực hiện thanh toán ròng khi xảy ra sự kiện vi phạm để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN có thể phòng ngừa rủi ro phát sinh với chi phí thấp.
Đối với việc phát triển ngân hàng điện tử và các dịch vụ ngân hàng trên Internet, thực tế hiện nay cho thấy, Việt Nam đang trải nghiệm công nghệ vượt trội không chỉ trong lĩnh vực kinh doanh mà còn trong mọi khía cạnh của đời sống và xã hội. Đặc biệt, việc cải tiến công nghệ trong các lĩnh vực tài chính, hay còn gọi là “fintech”, đã gia tăng rõ rệt trong những năm gần đây. Sự ra đời của các sản phẩm và giải pháp fintech nội địa như ví điện tử, dịch vụ cho vay ngang hàng (peer to peer lending), gây quỹ cộng đồng (crowd funding) đã đặt ra yêu cầu về quan hệ đối tác vững chắc giữa các ngân hàng và các doanh nhân công nghệ (technopreneurs).
Ông Nirukt Sapu chia sẻ: “Việc thiết lập chính sách cụ thể và kịp thời là điều quan trọng để phát triển những điều kiện thuận lợi của thị trường và đem lại lợi ích cho người dân ở cả thành thị và nông thôn. Vì vậy, BWG khuyến khích và luôn sẵn sàng hỗ trợ NHNN trong việc ưu tiên phát triển ngân hàng điện tử và cải tiến công nghệ trong lĩnh vực tài chính”.
Đặc biệt, việc một số văn bản pháp luật được ban hành với thời gian có hiệu lực quá nhanh, theo ông Nirukt Sapu, khiến các ngân hàng gặp khó khăn do không có đủ thời gian chuẩn bị cho việc tuân thủ. Đơn cử, Thông tư 15/2015/TT-NHNN ban hành vào ngày 2/10/2015 có hiệu lực vào ngày 5/10/2015.
Việc triển khai thực hiện quy định pháp luật mới đòi hỏi các ngân hàng phải sửa đổi, hoàn thiện quy trình - sản phẩm, tiến hành đào tạo nhân viên, thông báo tới khách hàng về các thay đổi “Các bước này đòi hỏi thời gian hợp lý để triển khai, chúng tôi kính đề nghị thời hạn thi hành quy định pháp luật nên tối thiểu là 30 đến 45 ngày”, ông Nirukt Sapu khuyến nghị.
Ngoài ra, BWG đã cung cấp thông tin về các quy định hiện nay còn tồn tại một số điểm chưa rõ ràng, chưa mang tính thực tế, dẫn đến khó khăn cho việc triển khai thực hiện như yêu cầu về xác minh thông tin về những người có liên quan trong việc kiểm soát hạn mức tín dụng đối với một nhóm khách hàng và chỉ mở một tài khoản vốn đầu tư gián tiếp cho một nhà đầu tư…
Phản hồi của NHNN
Đại diện NHNN Việt Nam tại VBF 2016, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN đã phản hồi từng nhóm vấn đề.
Cụ thể, đối với khuyến nghị phát triển các sản phẩm mới như sản phẩm quản lý dòng tiền, sản phẩm tài chính trên nền tảng công nghệ, khuôn khổ quản lý rủi ro doanh nghiệp, ngân hàng đại lý. Theo bà Hồng, về nguyên tắc, NHNN ủng hộ quan điểm cần phát triển một thị trường tài chính với nhiều sản phẩm ngày càng có chất lượng cao, đem lại nhiều tiện ích và nâng cao hiệu quả hoạt động cho khách hàng và doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi một khuôn khổ quản lý phù hợp và đồng bộ, đảm bảo đạt được lợi ích, mục tiêu đề ra.
“Hiện NHNN đang nỗ lực phối hợp với các bên liên quan nhằm nghiên cứu hoàn thiện quy định pháp lý cho các hoạt động này và mong nhận được sự hợp tác tích cực của BWG”, bà Hồng nói.
Liên quan đến hiệu lực thi hành và các quy định về hoạt động ngân hàng do NHNN ban hành, đại diện NHNN chia sẻ, hiệu lực thi hành của các văn bản được quy định phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008. Tuy nhiên trên thực tế, một số quy định ra đời trong bối cảnh có yêu cầu bức thiết, cần sớm có quy định để quản lý, do vậy nhiều văn bản có hiệu lực trong thời gian ngắn sau khi được ban hành. Điều này đòi hỏi các bên cùng nhau nỗ lực, cố gắng thực hiện để đạt được mục tiêu chung.
Bà Hồng nhấn mạnh: “Trong nhiều năm qua, NHNN đã rất tích cực trong việc giải đáp các vướng mắc của BWG và các đối tác khác thông qua các diễn đàn, làm việc và trả lời bằng văn bản, trong đó nhiều vấn đề đã được giải quyết triệt để. Đối với những vấn đề hiện còn vướng mắc trong quá trình thực thi chính sách, NHNN luôn sẵn sàng lắng nghe ý kiến và kịp thời trao đổi, giải đáp, hướng dẫn khi có đề nghị của BWG”.
Đối với các vấn đề kỹ thuật khác, Phó Thống đốc Hồng nói: “Tôi được biết BWG đã nhiều lần trao đổi với NHNN, gần đây nhất là buổi làm việc ngày 24/11 và đã nhận được những chia sẻ, hướng dẫn của NHNN về các nội dung này. NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu những đóng góp của BWG làm cơ sở hoàn thiện ban hành các quy định liên quan phù hợp trong thời gian tới”.