Ngân hàng duy trì dự báo tăng trường GDP của Việt Nam sẽ đạt 10,8% trong quý III/2022 và 3,9% trong quý VI/2022, đưa tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,7%.
Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered chia sẻ: "Sự phục hồi dự kiến sẽ diễn ra mạnh mẽ trong nửa cuối năm, nhất là khi Việt Nam đã mở cửa du lịch trở lại sau 2 năm đóng cửa. Tuy nhiên, giá dầu thế giới gia tăng cũng có thể gây ra những tác động tiêu cực cho nền kinh tế".
Theo Ngân hàng Standard Chartered, tăng trưởng doanh số bán lẻ dự kiến tăng 60,2% so với cùng kỳ trong tháng 8 so với mức 42,6% trong tháng 7. Tăng trưởng sản xuất công nghiệp, xuất khẩu và nhập khẩu dự kiến sẽ tăng lần lượt 15,2%, 15% và 15,2% so với mức 8,9%, 3,4% và 11,2% trong tháng 7. Việt Nam có thể sẽ ghi nhận mức thâm hụt thương mại 1,4 tỷ USD trong tháng 8. Hàng điện tử tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất.
Theo các chuyên gia của Standard Chartered, lạm phát tháng 8 đạt 3% so với cùng kỳ so với mức 3,2% trong tháng 7. Lạm phát hiện vẫn trong tầm kiểm soát. Áp lực giá cả sẽ gia tăng trong nửa cuối năm 2022 và năm 2023. Bên cạnh các yếu tố nguồn cung, áp lực từ phía nguồn cầu cũng đang mạnh lên.
Ngân hàng Standard Chartered kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục cảnh giác với các rủi ro về bất ổn tài chính. Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ giữ nguyên hạn mức tăng trưởng tín dụng 14% trong năm nay mặc dù có những ý kiến cho rằng cần nới room tín dụng để giảm tắc nghẽn nguồn vốn vào thị trường bất động sản.
Các ngân hàng có thể phải đối mặt với rủi ro lớn hơn về thanh khoản khi tín dụng vào lĩnh vực bất động sản chiếm tỷ trọng lớn - 94% dư nợ tín dụng bất động sản có thời gian vay vốn từ 10 đến 25 năm, trong khi đó 80% nguồn vốn huy động của các ngân hàng là ngắn hạn.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay đạt 9,4% so với cuối năm 2021 và trong nửa đầu năm tăng 16,7% so với cùng kỳ. Dư nợ bất động sản chiếm 1/5 tổng tín dụng toàn hệ thống.