Vì sao mặn mà với ngân hàng số?
Tại Toạ đàm “Ngân hàng số thúc đẩy phát triển những hệ sinh thái đặc thù”, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế chia sẻ một khảo sát với 60 lãnh đạo ngân hàng tại 41 quốc gia trên thế giới cho biết, áp lực đầu tiên và quan trọng nhất của một ngân hàng đó là kỳ vọng, nhu cầu của khách hàng.
“Hình thành các hệ sinh thái phục vụ khách hàng, phát triển sâu sản phẩm theo hành trình khách hàng và chiến lược lấy khách hàng làm trung tâm. Tất cả công việc này nhằm mang đến cho khách hàng những trải nghiệm mới - trải nghiệm vượt trội, bằng cách thay đổi phương thức giao tiếp giữa khách hàng và ngân hàng”, TS. Lực nói.
Ngoài ra, còn có các áp lực như xu thế phát triển công nghệ thông tin rất mạnh mẽ thời gian qua, áp lực từ môi trường quản lý, tái cơ cấu, cùng với việc xuất phát từ nhu cầu nội tại của mỗi ngân hàng, sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt FinTech, BigTech, áp lực liên quan đến chi phí, doanh thu và áp lực đến từ môi trường kinh doanh, kinh tế vĩ mô.
“Rõ ràng, ngân hàng số không phải là trào lưu”, ông Lực nhấn mạnh.
TS. Cấn Văn Lực trao đổi tại Tọa đàm
Trong khi đó, ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc cao cấp phát triển kinh doanh dịch vụ ngân hàng số VPBank đề cập đến 3 làn sóng phát triển ngành ngân hàng thời gian qua.
Cụ thể, làn sóng đầu tiên từ cuối thập niên 1990, đầu thập niên 2000 khi chuyển sang mô hình ngân hàng 2 cấp, các NHTM, cổ phần, tư nhân đã rất năng động. Năm 2002, Vietcombank lần đầu đưa ra công nghệ thẻ ATM. Một số ngân hàng quốc doanh có 2 hệ thống độc lập. Năm 2005 Ngân hàng Thế giới (Word Bank) tài trợ cho Việt Nam khoảng 5 triệu USD phát triển core banking…
Tới làn sóng thứ hai đã có sự vào cuộc của NHNN được triển khai từ 2008. Cách đây vài năm, chuyển tiền liên ngân hàng phải mất vài ngày, nhưng đến thời điểm hiện nay, thời gian chuyển khoản được rút xuống gần như ngay lập tức.
Làn sóng thứ ba là bùng nổ Internet banking, Mobile banking - tiền đề quan trọng cho ngân hàng số.
“Ngân hàng số là con đường phát triển tất yếu của các ngân hàng”, ông Thắng nói.
Đi mãi cũng thành đường
TS. Lực cho rằng, tiến trình số hóa ngân hàng thường có 3 cấp độ.
Cấp độ thứ nhất là chỉ số hóa bộ phận kinh doanh (front-end only). Đây là bước tiếp cận đơn giản nhất khi ngân hàng chỉ tập trung vào số hóa các giải pháp tương tác với khách hàng (thông qua website, app...).
Theo đó, ngân hàng sẽ xây dựng các ứng dụng trên internet, điện thoại di động để thu hút khách hàng nhưng các bộ phận khác như back-office, cách thức quản lý và văn hóa doanh nghiệp... vẫn không thay đổi.
Số hóa ở cấp độ này có ưu điểm là thực hiện nhanh, phù hợp cho các ngân hàng chưa tương tác tốt với khách hàng. Tuy nhiên, với đa số ngân hàng, đây không phải là giải pháp số hóa phù hợp nhất. Tiến trình này diễn ra khá nhanh, có thể từ 1-2 năm.
Cập độ thứ hai là số hóa dần dần. Ngân hàng sẽ số hóa bộ phận front office và bước một tiến xa hơn so với giải pháp front-end only là dần dần số hóa toàn bộ cơ sở hạ tầng của ngân hàng, bao gồm bộ phận cả bộ phận hỗ trợ (middle office) và tác nghiệp (back-office).
Nhược điểm lớn nhất của giải pháp này là thời gian thực hiện lâu hơn vì số hóa được thực hiện từ từ cho từng bộ phận. Tuy nhiên, nó lại phù hợp với ngân hàng yêu cầu số hóa theo một lộ trình nhất định.
Số hóa theo cấp độ này giúp gia tăng trải nghiệm của khách hàng hơn so với cấp độ front-end only vì có sự nâng cấp về hạ tầng và tổ chức.
“Với cấp độ này, các ngân hàng có thể tự tiến hành số hóa hoặc thuê đơn vị bên ngoài. Nhân viên từ các bộ phận tác nghiệp giản đơn trước đây sẽ được chuyển sang các bộ phận đem lại giá trị gia tăng cao hơn. Tiến trình này diễn ra khá lâu, có thể từ 2-4 năm”, ông Lực nói.
Cấp độ thứ ba là ngân hàng số thuần túy. Ngân hàng sẽ mua hay thành lập một ngân hàng số hoàn toàn mới để số hóa toàn bộ hoạt động của mình, từ bộ phận khách hàng cho tới bộ phận tác nghiệp.
Cấp độ chuyển đổi này tốn ít chi phí hơn, dễ dàng thích ứng với các điều kiện thay đổi của môi trường kinh doanh (nhờ kiến trúc số hóa mở, ứng dụng điện toán đám mây...). Tuy nhiên, giải pháp này không phải phù hợp cho mọi ngân hàng, vì mỗi ngân hàng có năng lực lõi khác nhau (core capabilities), có thể chưa phù hợp cho chuyển đổi số toàn bộ.
Theo đó, ngân hàng có thể lựa chọn kết hợp số hóa theo cấp độ cuốn chiếu (Wrap and digitize) và thành lập ngân hàng số hóa thuần túy. Điều này cho phép khách hàng chuyển dịch dần dần từ ngân hàng truyền thống sang ngân hàng số.
Trong khi đó, ông Trần Hoài Nam, Giám đốc Ngân hàng số TPBank nhận định, ngân hàng số được cấu thành bởi ngân hàng và số, giúp phục vụ tất cả các mong muốn giao dịch trên kênh số để khách hàng không bị giới hạn bởi không gian, thời gian và có thể giao dịch trong một khoảng thời gian ngắn nhất có thể.
Với TPBank, ngân hàng số là một mô hình kinh doanh ngân hàng, bao gồm 4 trụ cột là sản phẩm mới, cách thức bán, kênh tiếp cận, cơ chế vận hành, phục vụ khách hàng và cơ chế kiểm soát rủi ro. Tất cả đều được trợ giúp bởi các nền tảng công nghệ mới.
“Và tương lai của ngân hàng số đến đâu? Tôi cho rằng, chúng ta đi mãi cũng sẽ thành đường”, ông Nam nói.