Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB (MBS)

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB (MBS)

Ngân hàng số hóa để giữ ưu thế cạnh tranh, tăng trưởng đột phá

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngành tài chính - ngân hàng Việt Nam là ngành tiên phong chuyển đổi số và việc áp dụng công nghệ số hóa đã và đang liên tục đem lại những cải tiến đột phá trong cung cấp các sản phẩm - dịch vụ ngân hàng, nâng cao khả năng tiếp cận của người dân.

Những chỉ số lý tưởng

Để thúc đẩy chuyển đổi số và hướng đến mục tiêu cụ thể, ngày 11/5/2021, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ra Quyết định số 810/QĐ-NHNN về phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo chiến lược này, đến năm 2025, có tối thiểu 50% các nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng có thể thực hiện hoàn toàn trên môi trường số, tối thiểu 50% người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử và tối thiểu 70% số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện thông qua các kênh số (kênh tiếp xúc giữa khách hàng với ngân hàng có kết nối mạng internet).

Chiến lược cũng đặt kỳ vọng tối thiểu 60% tổ chức tín dụng có tỷ trọng doanh thu từ kênh số đạt trên 30%; tối thiểu 50% quyết định giải ngân, cho vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng của khách hàng cá nhân được thực hiện theo hướng số hóa, tự động và tối thiểu 70% hồ sơ công việc tại tổ chức tín dụng được xử lý và lưu trữ trên môi trường số.

Trong 3 năm qua, hầu hết ngân hàng đều thúc đẩy nhanh chuyển đổi số để giữ ưu thế cạnh tranh, tăng trưởng đột phá và đạt được những thành quả đáng khích lệ. Theo thống kê NHNN, tính đến cuối năm 2022, ngành ngân hàng đã đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng cho hoạt động chuyển đổi số, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia ứng dụng ngân hàng số hàng đầu (tỷ lệ tăng trưởng 40% về thanh toán số trong 3-4 năm qua).

Đến nay, các ngân hàng, trung gian thanh toán được kết nối liên thông, với thời gian giao dịch tính bằng giây. Giá trị giao dịch qua ngân hàng trung bình lên tới 900.000 tỷ đồng (tương đương hơn 40 tỷ USD) với khoảng hơn 8 triệu giao dịch/ngày. Đã có trên 70% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng. Có tới 96% ngân hàng và tổ chức tín dụng đã và đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số, có 92% ngân hàng đã phát triển dịch vụ ứng dụng internet banking và mobile banking.

Trong 5 tháng đầu năm 2023, nhìn chung, giao dịch không dùng tiền mặt tăng 52,4% về số lượng so với cùng kỳ năm trước; qua kênh internet tăng 75,5% về số lượng và 1,8% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 64,3% và 7,7%; qua phương thức QR code tăng tương ứng 151,1% và 30,4%; qua POS tăng tương ứng 30,4% và 27,3%; qua ATM giảm 4,6% về số lượng và 6,4% về giá trị. Những con số này phản ánh xu hướng dịch chuyển mạnh mẽ sang thanh toán điện tử, thanh toán không tiền mặt của người tiêu dùng Việt Nam.

Công tác chuyển đổi số cũng hỗ trợ các ngân hàng tối ưu hóa quy trình vận hành, tiết kiệm chi phí hoạt động và nhân lực. Điều này mang lại thành quả khi tỷ lệ chi phí hoạt động trên tổng thu nhập (CIR) của các ngân hàng thương mại Việt Nam đã giảm đáng kể từ mức 50-60% trong giai đoạn 2015-2020 xuống mức 30-40% trong những năm gần đây. Đây cũng được xem là chỉ số lý tưởng trong hoạt động ngân hàng trên thế giới.

Nền tảng số đã vận hành trên diện rộng, đặc biệt trong lĩnh vực trọng yếu như tài chính - ngân hàng

Nền tảng số đã vận hành trên diện rộng, đặc biệt trong lĩnh vực trọng yếu như tài chính - ngân hàng

Các xu hướng chính

Xu hướng tự động hóa quy trình (robotics process automation - RPA) trong việc xử lý các khoản vay. Theo VietinBank, ngân hàng này đã ứng dụng RPA vào quy trình cho vay cầm cố sổ tiết kiệm với lượng hồ sơ tự động xử lý khoảng 3.000 hồ sơ/tháng, giúp tiết kiệm 65% thời gian tác nghiệp. BIDV cũng triển khai tự động hóa trong giai đoạn 2019-2021, giúp tăng tốc độ xử lý file hạch toán lên 5 lần, giảm thiểu số nhân sự tác nghiệp tại chi nhánh cũng như trên toàn hệ thống, số tiền làm lợi 2 tỷ đồng/năm.

Ngân hàng cung ứng dịch vụ (Bank as a Service - BaaS) được biết đến là một mô hình cho phép các đối tác thứ ba kết nối với hệ thống của ngân hàng thông qua API để cung cấp trực tiếp các dịch vụ tài chính - ngân hàng tới khách hàng trên hệ thống ứng dụng/nền tảng của đối tác đó.

Ví dụ, khách hàng có thể nạp/rút tiền, mở tiền gửi tiết kiệm trên ví điện tử; thanh toán bằng thẻ ATM trên các sàn thương mại điện tử, thậm chí được chi trả lương trực tiếp trên hệ thống quản trị của chính công ty mình làm việc... MBBank là một trong những ngân hàng đã kết nối dịch vụ BaaS đến doanh nghiệp từ đa dạng các lĩnh vực như tài chính, logistics, chứng khoán… thông qua hơn 600 bộ APIs - được cho là ngân hàng sở hữu lượng API đa dạng nhất.

Tài chính nhúng (Embeded Finance) là việc tích hợp các dịch vụ - sản phẩm tài chính trong các doanh nghiệp phi tài chính, vì vậy các công ty không hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tài chính có thể độc lập cung cấp các giải pháp tài chính gắn liền với các sản phẩm hoặc dịch vụ của họ. Chẳng hạn, một doanh nghiệp bán lẻ hàng điện tử có thể cung cấp cho khách hàng các sản phẩm cho vay, trả góp với các tổ chức tín dụng liên kết…

Công ty tư vấn kỹ thuật số Publicis Sapient (Mỹ) dự báo tốc độ tăng trưởng hàng năm trong doanh thu từ dịch vụ tài chính nhúng của ngân hàng toàn cầu từ năm 2021 đến năm 2025 là 41% (tương đương 160 tỷ USD), cho thấy xu hướng này dự kiến sẽ tăng lên trong tương lai.

Ở Việt Nam, tài chính nhúng đang là sân chơi của các tổ chức tài chính tiêu dùng như FE Credit, Home Credit, Lotte Finance… hay các công ty tài chính công nghệ (Fintech) như Atome (Singapore), Kredivo (Indonesia)… Song, không sớm thì muộn, các ngân hàng thương mại sẽ không bỏ ngỏ sân chơi tiềm năng này.

Để không trong “tầm ngắm lớn” của các cuộc tấn công

Tính đến cuối năm 2022, ngành ngân hàng đã đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng cho hoạt động chuyển đổi số, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia ứng dụng ngân hàng số hàng đầu.

Không còn là trào lưu, mà nền tảng số đã vận hành trên diện rộng, đặc biệt trong lĩnh vực trọng yếu như tài chính - ngân hàng, nên cần phải được trang bị khả năng chống chọi hiệu quả những vụ tấn công của tội phạm công nghệ với cường độ mạnh, tần suất cao và ngày càng tinh vi. Với đặc trưng cơ bản của nền tảng số là dùng chung, số lượng người dùng lớn, sinh ra dữ liệu lớn, bao gồm dữ liệu cá nhân và dữ liệu các tổ chức, do đó các lỗ hổng bảo mật luôn là mục tiêu hàng đầu của tội phạm mạng.

Kết quả khảo sát từ hơn 1.700 nhà lãnh đạo công nghệ thông tin trên toàn thế giới và trong nhiều ngành công nghiệp của Công ty Phát triển phần mềm Red Hat (Mỹ) cho thấy, xu hướng chính trong năm 2023 và các năm tiếp theo là vấn đề bảo mật. Theo đó, bảo mật được xác định là ưu tiên hàng đầu trong các lĩnh vực và ở hầu hết các ngành công nghiệp trong việc phân bổ nguồn vốn công nghệ thông tin, với 44% số người được hỏi xác nhận họ sẽ ưu tiên đầu tư vào bảo mật, kế đến là cơ sở hạ tầng điện toán đám mây (36%) và quản lý công nghệ thông tin/điện toán đám mây (35%).

Báo cáo của Red Hat cũng cho thấy, mặc dù không có nhiều thay đổi trong hành trình chuyển đổi số của các tổ chức, doanh nghiệp so với năm 2021, nhưng hai ưu tiên hàng đầu trong chuyển đổi số đã có sự thay đổi đáng kể. Theo đó, năm 2022, vấn đề bảo mật đã vươn lên vị trí dẫn đầu trong chi tiêu của các tổ chức, doanh nghiệp với tỷ lệ đầu tư 20%, tăng 3 điểm phần trăm so với năm 2021, trong khi đổi mới sáng tạo giảm 5 điểm phần trăm về mức 19%.

Theo thống kê của các công ty bảo mật lớn như Kaspersky, Trustwave, TrendMicro…, hơn 80% các cuộc tấn công là nhắm vào dữ liệu và thông tin quan trọng của tổ chức, doanh nghiệp. Các tin tặc đã chuyển dần từ mục đích phá hoại sang mục đích tài chính, trong đó các tổ chức tài chính, ngân hàng nằm trong “tầm ngắm lớn” của các cuộc tấn công.

Những dữ liệu trên cho thấy, xây dựng một hệ thống an ninh thông tin, hệ thống “phòng thủ” hiệu quả cho toàn bộ chiến lược và hoạt động của các tổ chức tài chính, ngân hàng nhằm ở ngoài các mối nguy hiểm, các cuộc tấn công từ bên ngoài là vấn đề tối quan trọng. Thông tin, dữ liệu cần được bảo mật tối ưu nhất, từ đó tạo nền tảng vững chắc cho quá trình phát triển, cập nhật công nghệ hiện đại, bắt kịp xu hướng mới, đem lại sự cải tiến, giảm chi phí và rút ngắn thời gian tiếp cận thị trường.

Tin bài liên quan