Rủi ro trong nhận thế chấp hàng hóa luôn thường trực. Dù ngân hàng đã thuê công ty bảo vệ, nhưng việc hàng hóa “bỗng dưng bốc hơi”, hoặc tinh vi hơn là các đối tượng làm giả hàng hóa để “qua mặt” ngân hàng.
Vụ án Nguyễn Mạnh Hùng (sinh năm 1973, trú tại phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, Hà Nội, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Mạnh Hùng) chiếm đoạt hơn 31 tỷ đồng tiếp tục là bài học đối với các ngân hàng về việc thẩm định, quản lý tài sản thế chấp.
Theo cáo trạng, năm 2003, Nguyễn Mạnh Hùng thành lập Công ty TNHH Cơ khí Mạnh Hùng (Công ty Mạnh Hùng) theo mô hình thuê nhân công thị trường, hoạt động không có kế toán trưởng, thủ kho, thủ quỹ.
Đến năm 2010, Hùng thành lập thêm 2 pháp nhân là Công ty TNHH Cơ kim khí Việt Nam (do Đào Thị Liên, sinh năm 1974 làm Giám đốc) và Công ty cổ phần Chế tạo thiết bị môi trường Việt Nam (do Nguyễn Thị Thanh Xuân, sinh năm 1981, em gái Hùng làm Chủ tịch HĐQT). Thực chất, 2 công ty này không có người góp vốn, không hoạt động, cũng không có hàng hóa. Mọi hoạt động ký kết hợp đồng kinh tế đều do Hùng đứng ra điều hành và quản lý con dấu.
Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, Hùng lập hồ sơ vay 3 ngân hàng gồm Ngân hàng B (trụ trở tại Hà Nội) và 2 ngân hàng cổ phần có trụ sở tại TP. HCM.
Để được cấp hạn mức tín dụng và vay vốn, Công ty Mạnh Hùng đã dùng tài sản thế chấp là bất động sản của bên thứ ba và tài sản hình thành từ vốn vay là thép không gỉ (inox) dạng cuộn nguyên đai, nguyên kiện (mới 100%).
Các hợp đồng kinh tế mua bán inox giữa Công ty Mạnh Hùng và Công ty Cơ kim khí Việt Nam và Công ty Chế tạo thiết bị môi trường Việt Nam do Hùng tự soạn thảo. Bị cáo Hùng cũng chỉ đạo Liên và Xuân ký khống trên các hóa đơn mua bán hàng.
Để có hàng hóa làm tài sản thế chấp, Hùng thuê nhân công lao động thời vụ làm ra 90 cục bê tông có hình dạng giống các cuộn thép. Bên trong là bê tông đúc, bên ngoài được bọc thép đóng đai, đóng kiện y như thật. Hùng tự in tem xuất nhập khẩu có ghi thông số và dán lên các cục bê tông giả thép không gỉ, chứa ở kho của Công ty Mạnh Hùng thể hiện việc nhập hàng.
Sau khi kiểm tra hàng hóa, các ngân hàng giải ngân vào các công ty thụ hưởng (bên bán) là Công ty Cơ kim khí Việt Nam và Công ty Chế tạo thiết bị môi trường Việt Nam. Số tiền này Hùng rút ra để sử dụng mục đích cá nhân.
Với thủ đoạn trên, trong giai đoạn 2010-2012, các ngân hàng đã giải ngân cho Hùng tổng số tiền hơn 31 tỷ đồng.
Cụ thể, ngày 6/4/2010, Công ty Mạnh Hùng ký hợp đồng với Ngân hàng B., tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất của bên thứ ba, giá trị 8,2 tỷ đồng. Công ty Mạnh Hùng bổ sung tài sản bảo đảm là thép không gỉ. Để bảo vệ kho hàng hóa này, ngân hàng ký hợp đồng thuê Công ty cổ phần Dịch vụ bảo vệ 24/7.
Việc thế chấp diễn ra trong thời gian khá dài và cán bộ ngân hàng đã thẩm định hàng hóa, nhưng vẫn không phát hiện inox là bê tông.
Từ ngày 23/9/2011 đến ngày 5/3/2012, Nguyễn Mạnh Hùng tiếp tục dùng thủ đoạn này, tạo ra 47 cục bê tông giả thép inox, đem thế chấp để vay và chiếm đoạt 19,9 tỷ đồng của Ngân hàng.
Ngày 3/3/2013, Ngân hàng B. nhận được thông báo từ công ty bảo vệ phát hiện số cuộn thép trong kho không còn, chỉ còn lại 5 cuộn nhỏ và nhiều ống bê tông giống cuộn inox, không có bao bì. Ngân hàng lập tức trình báo công an. Phát hiện nhận tài sản giả, 2 ngân hàng còn lại cũng có đơn lên cơ quan điều tra.
Bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng khai nhận, năm 2010, do sản xuất kinh doanh sút kém, công ty không có vốn sản xuất, để đáo hạn, tất toán các khoản vay, đồng thời nhận ra cán bộ tín dụng không mở bao bì các cuộn thép, chỉ kiểm tra bằng mắt thường, đối chiếu trên hóa đơn và chứng từ, nên nảy sinh ý định lừa đảo.
Hai bị cáo Nguyễn Thị Thanh Xuân và Đào Thị Liên giữ vai trò giúp sức cho Hùng. Đối với các cán bộ ngân hàng, do được xác định không có sai phạm trong việc kiểm tra tài sản thế chấp, nên cơ quan điều tra không đề cập xử lý hình sự.
Hiện vụ án vẫn đang trong quá trình xét xử, dự kiến kết quả sẽ được đưa ra vào giữa tuần này.