Bên cạnh chỉ tiêu được giao, ngân hàng muốn cho vay nhiều hơn thì phải đẩy mạnh xử lý nợ, tạo dự địa cho vay mới.

Bên cạnh chỉ tiêu được giao, ngân hàng muốn cho vay nhiều hơn thì phải đẩy mạnh xử lý nợ, tạo dự địa cho vay mới.

Ngân hàng ráo riết xử lý nợ để thêm dư địa cho vay

(ĐTCK) Xử lý nợ xấu là nhiệm vụ vẫn được các ngân hàng thực hiện thường xuyên, nhưng gần đây việc này được ráo riết đẩy mạnh nhằm nới thêm “room” tăng trưởng tín dụng vốn đã tiệm cận hạn mức cho phép…

Chủ động tự xử lý nợ

Ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank cho biết, Ngân hàng đã áp dụng trực tiếp hầu hết các biện pháp xử lý nợ theo Nghị quyết 42 của Quốc hội như áp dụng cơ chế miễn giảm lãi đối với khách hàng có thời gian hoàn trả nợ sớm 962 tỷ đồng lãi để thu hồi nợ 2.240 tỷ đồng;

Áp dụng quyền thu giữ tài sản bảo đảm đối với 431 tài sản của 262 khách hàng với giá trị tài sản là 2.091 tỷ đồng; áp dụng thủ tục rút gọn tại toà: thực hiện tại 2 chi nhánh là Tây Ninh, Tiền Giang của 9 khách hàng với 10 tài sản, giá trị tài sản 1,9 tỷ đồng.

Đồng thời, Agribank phối hợp với Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) chuyển các khoản nợ đã bán thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt sang bán theo giá trị thị trường và phối hợp đấu giá khoản nợ đối với 2 khách hàng là 363,9 tỷ đồng;

Ký hợp đồng nguyên tắc với VAMC mua bán 3 khoản nợ, giá bán dự kiến 353,6 tỷ đồng; tiến hành xử lý tài sản đảm bảo là dự án bất động sản, dư nợ 352 tỷ đồng; xử lý 2 tài sản khác giá trị tài sản 565 tỷ đồng.

Kết quả xử lý, thu hồi nợ xấu theo Nghị quyết 42 (từ ngày 15/8/2017 đến 31/7/2018), được ông Khánh cho biết, đạt 57.922 tỷ đồng, chiếm 35%/tổng số nợ xử lý, thu hồi;

Thu nợ đã bán cho VAMC 5.036 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 12% nợ đã bán (39.907 tỷ đồng)…

“Đến thời điểm 31/7/2018, nợ xấu của Agribank theo Nghị quyết 42 còn lại là 120.490 tỷ đồng, giảm 21.000 tỷ đồng (giảm 15%); trong đó nợ xấu nội bảng 16.652 tỷ đồng, giảm 2.115 tỷ đồng (giảm 11%); nợ cơ cấu 21.277 tỷ đồng, giảm 14.785 tỷ đồng (giảm 41%); nợ bán cho VAMC là 19.977 tỷ đồng, giảm 19.930 tỷ đồng (giảm 50%)”, ông Khánh thông tin.

Xét trên bình diện toàn thị trường, ông Nguyễn Văn Du, Phó chánh thanh tra giám sát, Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính từ năm 2012 đến hết tháng 6 vừa qua, toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý được hơn 785.000 tỷ đồng nợ xấu.

Trong đó, tính riêng nợ xấu xử lý theo Nghị quyết 42 trong vòng 1 năm qua đã đạt trên 138.290 tỷ đồng, chưa bao gồm 61.040 tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng. Nếu tính trong nửa đầu năm 2018, ngành ngân hàng đã xử lý 58.000 tỷ đồng nợ xấu, trong đó chủ yếu là nợ tự xử lý. 

Tiếp tục ráo riết xử lý nợ

Website của Agribank có riêng một chuyên mục dành cho “Thông tin phát mại”, thu giữ, đấu giá tài sản đảm bảo và thời gian qua, chuyên mục này khá dày đặc thông tin.

Ví dụ như, Agribank Chi nhánh Hồng Hà thông báo bán đấu giá tài sản đảm bảo vào ngày 27/9/2018 để xử lý tài sản đảm bảo, thu hồi nợ xấu của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Tân Hồng.

Agribank Chi nhánh Vĩnh Phúc II cũng vừa thông báo bán đấu giá 3 tài sản đảm bảo vào ngày 27/9/2018 để thu hồi nợ xấu cho khoản vay của Công ty TNHH Khánh Linh.

Agribank Chi nhánh Hà Tây liên tục thông báo bán đấu giá tài sản đảm bảo, cụ thể vào ngày 20/9/2018 nhằm xử lý thu hồi nợ xấu của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thương mại và xây dựng Ngọc Khánh và ngày 1/10/2018 là 2 tài sản bảo đảm được thế chấp nhằm đảm bảo cho khoản vay của Công ty TNHH Sản xuất đồ gỗ cao cấp xuất khẩu Đức Tín.

Được biết, Sacombank sẽ có đợt đấu giá lớn với 11 bất động sản khu vực TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu vào ngày 27/9, mức giá khởi điểm là 10.040 tỷ đồng.

Trong số những lô bất động sản được rao bán lần này có nhiều khu đất giá trị tại trung tâm TP.HCM như lô số 61-63A Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 1) có diện tích 800 m2, giá khởi điểm lên tới 811 tỷ đồng.

Hay lô đất 270 m2 tại quận 3 có giá khởi điểm 227 triệu đồng/m2; lô đất tại dự án 391-393-395-397 Trần Hưng Đạo, quận 1 có giá gần 265 triệu đồng/m2…

VietinBank chi nhánh TP. Hà Nội đã thông báo bán khoản nợ có tài sản bảo đảm của Công ty cổ phần Thương mại NEM để xử lý thu hồi nợ vay.

Cụ thể, dư nợ của NEM tính đến ngày 22/8/2018 là 110,8 tỷ đồng, trong đó nợ gốc gần 61 tỷ đồng, nợ lãi trong hạn 35,3 tỷ đồng và nợ lãi quá hạn 14,6 tỷ đồng.

Đồng thời, VietinBank Chi nhánh Ba Đình rao bán khoản nợ hơn 66 tỷ đồng của Công ty cổ phần Sông Đáy - Hồng Hà Dầu Khí và VietinBank Chi nhánh Thủ Đức rao bán đấu giá khoản nợ hơn 21,5 tỷ đồng của Địa ốc Gia Phú…

Trên website của các ngân hàng như LienVietPostBank, SCB… cũng liên tục công bố thông tin tổ chức bán đấu giá tài sản bảo đảm hay thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý thu hồi nợ quá hạn.

Hay như thông báo gần đây từ VAMC cho biết, toàn bộ khoản nợ của Công ty cổ phần Thuận Thảo Nam Sài Gòn và 95 khách hàng cá nhân tại BIDV - Chi nhánh Phú Tài sẽ được đưa ra đấu giá để xử lý với giá trị khởi điểm của khoản nợ này là 1.208 tỷ đồng.

“Dự kiến, trong quý IV/2018, Agribank tiếp tục phối hợp để chuyển nợ bán cho VAMC theo giá thị trường với 14 khoản nợ, tổng dư nợ là 1.681 tỷ đồng”, ông Khánh chia sẻ.

Mở “room” cho tăng trưởng tín dụng

Bình luận về động thái các ngân hàng ráo riết xử lý nợ, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là nỗ lực của các ngân hàng nói riêng và hệ thống nói chung trong việc đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ nợ xấu từ mức khoảng 6,6% hiện nay xuống dưới 3% một cách thực chất đến năm 2020.

Bên cạnh chỉ tiêu được giao, tổ chức tín dụng muốn cho vay nhiều hơn thì chính họ phải đẩy mạnh xử lý được nợ xấu nhiều hơn, tạo được nguồn tái tạo cũng như tự tạo được dư địa cho mình.

 - Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng

Đây cũng là mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển hệ thống ngân hàng mà Chính phủ vừa phê duyệt.

“Các ngân hàng đang '1 đập thu 2 mạng', nghĩa là xử lý nợ xấu nhằm tránh thiệt hại, vừa tạo room cho tín dụng, cho vay mới”, TS. Hiếu nói.

Bà Nguyễn Thị Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc LienVietPostBank cho biết, chỉ tiêu tín dụng của ngân hàng sẽ không đứng yên, mà phụ thuộc việc thu hồi nợ như thế nào…

“Nếu nói ngân hàng không thể cho vay do kín room là không đúng khi một số khoản nợ lớn sẽ đến hạn trong nửa cuối năm. Ngân hàng sẽ vẫn còn dư địa để cấp mới tín dụng”, bà Sơn cho biết.

Chỉ thị số 04 của NHNN về việc tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành ngân hàng 6 tháng cuối năm 2018, với định hướng kiểm soát chặt tăng trưởng tín dụng đã nêu rõ:

“Kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng và chất lượng tín dụng của toàn hệ thống cũng như từng tổ chức tín dụng theo đúng mục tiêu, định hướng đề ra; không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (trừ trường hợp đặc biệt, như một số ngân hàng thương mại tham gia tái cơ cấu trong năm 2018 đối với các tổ chức tín dụng yếu kém)”.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng nêu rõ quan điểm: “Bên cạnh chỉ tiêu được giao, tổ chức tín dụng muốn cho vay nhiều hơn thì chính họ phải đẩy mạnh xử lý được nợ xấu nhiều hơn, tạo được nguồn tái tạo cũng như tự tạo được dư địa cho mình”.

Tin bài liên quan