Chấp nhận lỗ để chuyển nhượng tài sản…
Theo tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại TP. HCM, với hơn 5.000 tỷ đồng nợ xấu đã bán cho VAMC trong những năm qua, hàng năm, ngân hàng này đều có kế hoạch đẩy mạnh việc xử lý nợ để giảm gánh nặng dự phòng rủi ro. Bởi theo ông, ngân hàng không thể trông chờ vào các chính sách hỗ trợ trong việc xử lý nợ xấu, kể cả từ VAMC, mà trách nhiệm chính vẫn là của các nhà băng.
Vì thế, các ngân hàng phải tìm đủ mọi cách để giải quyết dần bài toán nợ xấu này, dù đầu ra là rất khó. Chính điều này khiến ngân hàng ông phải chấp nhận lỗ để chuyển nhượng lại một số tài sản đảm bảo là các bất động sản, cho dù thị trường nhà, đất đang dần ấm lên.
Thế nhưng, cũng theo vị tổng giám đốc trên, nếu không chấp nhận hy sinh về giá để chuyển nhượng, qua đó thu hồi nợ thì không chỉ dự phòng rủi ro tăng, mà khoản nợ xấu đó cũng không dễ thu hồi. Đó là chưa nói đến việc giảm lãi suất, mà còn bỏ luôn cả lãi dự thu. Nhờ đó, trong 2 quý giữa năm 2016, Ngân hàng đã giải quyết và thu hồi được hơn 2.000 tỷ đồng nợ xấu và phấn đấu đến cuối năm, tổng nợ xấu thu hồi được khoảng 3.000 tỷ đồng, từ đó kéo giảm hơn 10% dự phòng rủi ro.
Còn tại Eximbank, tuy tỷ lệ nợ xấu sau 9 tháng đầu năm vẫn chiếm 3,35% tổng dư nợ, nhưng cũng đã giảm đáng kể so với mức 5,3% tại thời điểm 30/6/2016, nên lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng đầu năm của Eximbank chỉ ghi nhận 202 tỷ đồng, giảm đến 70%.
Ngân hàng không thể trông chờ vào các chính sách hỗ trợ trong việc xử lý nợ xấu, kể cả từ VAMC, mà trách nhiệm chính vẫn là của các nhà băng.
Theo lý giải của ông Lê Văn Quyết, Tổng giám đốc Eximbank, nợ xấu tăng cao trong 2 quý đầu năm nay chủ yếu do một nhóm khách hàng lớn gặp khó khăn trong kinh doanh, khả năng trả nợ suy giảm, phải chuyển sang nhóm nợ cao hơn và việc Eximbank thực hiện chuyển nhóm nợ của những khách hàng có số nợ cao hơn tại các tổ chức tín dụng khác.
Việc phản ánh chính xác và kịp thời chất lượng tín dụng dẫn đến Eximbank phải tăng mạnh quỹ dự phòng rủi ro tín dụng theo quy định. Đây là nguyên nhân chính khiến Eximbank thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận 2016 từ hơn 800 tỷ đồng trước thuế, xuống còn 400 tỷ đồng.
Trước đó, Eximbank bán cho VAMC khoảng 6.000 tỷ đồng nợ xấu. Tuy nhiên, theo ông Quyết, từ đầu năm 2016 đến nay, Eximbank không có chủ trương và cũng chưa bán bất kỳ khoản nợ xấu nào cho VAMC. Ngược lại, công tác xử lý và thu hồi nợ trực tiếp, kể cả nợ đã bán cho VAMC, được Ngân hàng coi là nhiệm vụ hàng đầu trong năm 2016, nhất là trong quý còn lại của năm.
Chính việc đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu đã giúp cho chi phí dự phòng rủi ro của Eximbank trong quý III/2016 giảm 21%, về còn 261 tỷ đồng. Tuy nhiên, do chi phí dự phòng lũy kế vẫn ở mức cao, đã bào mòn lợi nhuận của Eximbank. Nợ xấu tăng đã cản trở việc Ngân hàng hạ lãi suất cho vay, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng.
Tại nhiều ngân hàng khác, tình trạng lợi nhuận bị ăn mòn do tăng chi phí dự phòng rủi ro cũng diễn ra. Chẳng hạn, VPBank đã dùng 3.959 tỷ đồng trích lập dự phòng rủi ro sau 9 tháng đầu năm nay, tăng 61% so với cùng kỳ năm trước, khiến lợi nhuận thuần của Ngân hàng “tóp’ đi phân nửa.
Mặc dù vậy, liệu các nhà băng có đẩy mạnh được việc xử lý nợ xấu trong quý IV này hay không vẫn là câu hỏi ngỏ, trong khi đề nghị dùng ngân sách hỗ trợ đã không nhận được đồng tình.
… vì khả năng trích dự phòng có hạn?
Một lưu ý khác về chất lượng nợ xấu hiện nay. Mặc dù nhiều ngân hàng công bố tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp, cách xa mốc an toàn 3%, nhưng con số tuyệt đối lại không hề giảm, thậm chí có trường hợp, nợ có khả năng mất vốn chiếm tỷ lệ chủ yếu trong số nợ xấu này.
Trong khi đó, thống kê từ báo cáo tài chính quý III/2016 của các ngân hàng đến thời điểm hiện tại cho thấy, nợ xấu các ngân hàng hầu hết đều tăng so với thời điểm đầu năm 2016, đặc biệt là nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5).
Cụ thể, xét về giá trị tuyệt đối, tổng số nợ xấu tính tại 13 ngân hàng là hơn 48.000 tỷ đồng, trong đó nợ nhóm 5 là hơn 27.300 tỷ đồng. Đơn cử, tại Vietcombank, nợ có khả năng mất vốn là 5.414 tỷ đồng, chiếm 70% tổng số nợ xấu là 7.757 tỷ đồng (đầu năm là 7.137 tỷ đồng).
TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng, tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng mặc dù đã được kéo về dưới 3% vào cuối năm 2015, nhưng không thể phủ nhận rằng, con số nợ xấu thực tế cao hơn mức này. Vì thế, lợi nhuận của ngân hàng chưa được cải thiện nhiều, mà chủ yếu dùng để trích lập dự phòng rủi ro.
Nếu phải quyết liệt xử lý nợ xấu theo cách buộc các ngân hàng phải trích dự phòng rủi ro đủ cho số nợ xấu, thì các ngân hàng sẽ mất vốn chủ sở hữu. Thậm chí, còn đẩy vốn chủ sở hữu tại một số ngân hàng xuống thấp hơn mức quy định là 3.000 tỷ đồng, hoặc âm vốn.