Căn nhà số 317 - Trần Bình Trọng (phường 4, quận 5, TP.HCM).
Phán quyết sơ thẩm một đằng
Sự vụ bắt đầu từ năm… 1989, ông Hồng Tồn Tường và bà Hứa Kim Thạch bán căn nhà số 317 - Trần Bình Trọng (phường 4, quận 5, TP.HCM) cho ông Nguyễn Thành Công.
Tháng 1/1990, ông Nguyễn Thành Công thành lập Công ty tư doanh Bình Trọng kỹ thương (Bitroco). Bitroco liên kết làm ăn với Hợp tác xã tín dụng Bưu điện (HTX Bưu điện). Ông Công thế chấp nhà, ký khế ước vay tiền HTX Bưu điện.
Quá trình làm ăn, HTX Bưu điện cho rằng, ông Công nợ quá hạn, đề nghị UBND và Ban xử lý củng cố tín dụng quận 5 kê biên, phát mãi căn nhà trên để lấy tiền trả nợ.
Tháng 2/1991, bà Trịnh Tú Toàn mua căn nhà của ông Công. Số tiền bán nhà (875 triệu đồng) được Ban thu hồi nợ quận 5 dùng để trả các khoản nợ mà ông Công đang nợ các chủ nợ, gồm: HTX Bưu điện, HTX Nguyễn Trãi, Sài Gòn công thương ngân hàng - Chi nhánh Tân Bình…
Căn nhà sau đó được bà Toàn chuyển nhượng cho Công ty Hải Đường (năm 2008). Công ty Hải Đường chuyển nhượng cho ông Quách Chánh Sang (năm 2009); ông Sang chuyển nhượng cho ông Nguyễn Hữu Đặng (năm 2019).
Ông Nguyễn Thành Công khởi kiện bà Trịnh Tú Toàn (người mua nhà đầu tiên) để đòi nhà. Tháng 3/2020, Tòa án Nhân dân TP.HCM đã xét xử sơ thẩm vụ án.
Hội đồng Xét xử sơ thẩm cho rằng, việc ông Hồng Tồn Tường bán nhà cho ông Nguyễn Thành Công được Sở Nhà đất Thành phố cấp Giấy phép mua bán, nên là tài sản hợp pháp của ông Công; tiền nợ HTX Bưu Điện đã được ông Công trả dư; ông Công bị ép phải ký giấy bán nhà; Phó chủ nhiệm HTX Bưu Điện đã ngụy tạo các chứng cứ giả, cho là ông Công nợ tiền Hợp tác xã…
Vì vậy Tòa án Nhân dân TP.HCM tuyên công nhận nhà đất trên là tài sản của ông Nguyễn Thành Công, hủy hàng loạt văn bản chuyển nhượng, giao kết mua bán nhà, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà đã cấp cho bà Trịnh Tú Toàn; không chấp nhận yêu cầu công nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở mà UBND quận 5 đã cập nhật chuyển nhượng cho ông Nguyễn Hữu Đặng.
Chứng lý “tử huyệt” và phán quyết của cấp phúc thẩm
Theo chuyên gia pháp lý của Ngân hàng X, nếu phán quyết của Tòa án trong trường hợp không bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình (ngân hàng) sẽ gây nên hệ luỵ rất lớn là ngân hàng mất tài sản đảm bảo; khó, thậm chí không thu hồi được nợ vay, dẫn đến mất vốn. Nhiều khách hàng lợi dụng khe hở trong quan điểm xét xử để chiếm đoạt vốn vay của ngân hàng. Sự việc này không chỉ ảnh hưởng riêng biệt một ngân hàng.
Vụ án bị kháng cáo và Tòa án Nhân dân Cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm. Bất ngờ ở phiên xét xử, Tòa phúc thẩm bổ sung vật chứng là hồ sơ vụ án hình sự số 915 (năm 1992) với 3 nhận định “tử huyệt”.
Thứ nhất, ông Nguyễn Thành Công mua căn nhà trên của ông Hồng Tồn Tường với giá 35 lượng vàng 24K, nhưng chỉ mới trả cho ông Tường 16,5 lượng vàng, còn lại 18,5 lượng. Ông Công hứa khi hoàn thành thủ tục giấy tờ sẽ trả nốt số vàng còn nợ, nhưng lại không trả. Như vậy, căn nhà chưa hoàn toàn là tài sản của ông Công.
Thứ hai, do sơ hở của Sở Nhà đất Thành phố nên ông Công đã có 3 bản chính giấy phép mua bán nhà cùng được ký ngày 4/1/1990 và đem thế chấp một tài sản cho nhiều nơi khi chưa nơi nào trả hết nợ, gồm: một bản thế chấp cho HTX Bưu Điện vay 500 triệu đồng; một bản thế chấp ở Ngân hàng Sài Gòn công thương để vay 50 triệu đồng. Bản thứ 3, ông Công mang đến Ngân hàng Đại Nam để thế chấp vay tiền. Tuy nhiên, khi làm thủ tục thì bị Phòng Công chứng Thành phố phát hiện ông đã dùng căn nhà này thế chấp nhiều nơi, nên không thành.
Thời gian này, HTX Bưu Điện mời ông Công đến thanh toán nợ, nhưng ông bỏ trốn. Vì vậy, UBND quận 5 mới ra quyết định kê biên và thanh lý tài sản và Công an quận 5 ra quyết định truy nã ông Công. Đến tháng 3/1991, ông Công bị bắt theo lệnh truy nã. Sau đó, cơ quan điều tra đã đề nghị truy tố ông Công hai tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân”. Tuy nhiên, sau đó cơ quan điều tra cho rằng, việc bán căn nhà để trả nợ coi như ông Công đã khắc phục được hậu quả nên không cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa” nữa.
Từ “tử huyệt” này, Hội đồng Xét xử phúc thẩm đã sửa toàn bộ bản án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Công, chấp nhận kháng cáo của ông Nguyễn Hữu Đặng, công nhận chủ quyền của ông Đặng đối với căn nhà trên.
Khi ngân hàng là người thứ ba ngay tình
Theo quy định của pháp luật, với bản án sơ thẩm khi được tuyên, mọi giao dịch tài sản sẽ bị dừng trong thời hạn kháng cáo (15 ngày). Nhưng tài sản sẽ được phép giao dịch ngay khi Tòa cấp phúc thẩm tuyên án.
Nên sau khi Bản án phúc thẩm số 242/2020/DS-PT ngày 17/7/2020 có hiệu lực, ông Nguyễn Hữu Đặng đã bán căn nhà trên cho ông Trương Công Minh.
Để mua nhà, ông Minh vay Ngân hàng X 140 tỷ đồng để đủ 220 tỷ đồng thanh toán.
Như vậy, trong vụ việc này, Ngân hàng X phát sinh “có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan” ở giai đoạn sau khi Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật.
Ngân hàng X cho rằng, có đủ pháp lý chứng minh việc mình là người thứ ba ngay tình, bởi ngày 22/9/2020, Ngân hàng đã cho ông Minh vay số tiền 140 tỷ đồng và tài sản bảo đảm của khoản vay là quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BA 301092 vào sổ cấp GCN CH00424, do UBND quận 5 cấp ngày 17/3/2010, cập nhật thay đổi ngày 15/9/2020 thuộc sở hữu của ông Trương Công Minh theo Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất số 21295/20MN/HĐBĐ ngày 22/9/2020.
Hợp đồng thế chấp trên được công chứng tại Văn phòng công chứng Hoàng Xuân Ngụ TP.HCM ngày 22/9/2022 và được đăng ký giao dịch bảo đảm tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận 5 ngày 23/9/2020.
Tại thời điểm nhận thế chấp trên, thì Bản án phúc thẩm đã có hiệu lực tới hơn 2 tháng. Trong khoảng thời gian sau bản án phúc thẩm trên, tới lúc quyết định cho vay, không có bất kỳ văn bản nào ngăn chặn hay cảnh báo nào về việc hạn chế giao dịch đối với tài sản này của cơ quan quản lý nhà nước.
Sau bản án phúc thẩm nêu trên tới hơn 1 năm, ngày 9/9/2021, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao mới có Quyết định số 07/QĐKNGĐT-VKS-DS kháng nghị giám đốc thẩm.
Việc Ngân hàng X cấp tín dụng cho ông Trương Công Minh trên cơ sở nhu cầu thực tế sử dụng vốn, sử dụng vốn đúng mục đích và nhận thế chấp tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của ông Minh. Sau khi giải ngân cho vay đến thời điểm hiện tại, ông Minh vẫn thực hiện đầy đủ trách nhiệm trả lãi vay cho ngân hàng này.
Giám đốc thẩm muốn Tòa dân sự xem xét vấn đề... hình sự?
Ông Nguyễn Thành Công lại kháng cáo. Ngày 27/4/2022, Tòa án Nhân dân Tối cao tại TP.HCM đã mở phiên xét xử cấp giám đốc thẩm và tuyên hủy Bản án dân sự phúc thẩm; buộc xét xử lại ở cấp phúc thẩm.
Tòa cấp giám đốc thẩm lại không dùng chứng lý của hồ sơ vụ án hình sự như cấp phúc thẩm trước đó, mà dẫn dắt nhận định như cấp sơ thẩm.
Đáng lưu ý, Quyết định giám đốc thẩm thông tin, trong quá trình nghiên cứu theo trình tự giám đốc thẩm, Tòa nhận được đơn đề nghị của ông Trương Công Minh mua lại nhà từ ông Nguyễn Hữu Đặng sau khi bản án dân sự phúc thẩm có hiệu lực pháp luật và hiện đang thế chấp Ngân hàng X để vay 140 tỷ đồng để đủ thanh toán.
Với “tình tiết” mới này, Tòa giám đốc thẩm thấy “cần phải hủy bản án phúc thẩm” và xét xử lại phúc thẩm theo hướng: làm rõ ông Trương Công Minh có khả năng mua nhà hay không? Nguồn tiền mua nhà? Sau khi mua nhà thì ông Minh thế chấp tại Ngân hàng để vay, thì có việc cấp tín dụng hay không; từ đó đánh giá Hợp đồng mua bán giữa ông Nguyễn Hữu Đặng với ông Trương Công Minh là ngay tình hay không ngay tình để tẩu tán tài sản. Nếu có căn cứ xác định không ngay tình thì Tòa cấp phúc thẩm công nhận quyền sở hữu nhà cho ông Nguyễn Thành Công.
Với nhận định và yêu cầu trên, một luật sư cho rằng, nhận xét này mang hàm ý ông Trương Công Minh và ông Nguyễn Hữu Đặng đã có dấu hiệu hành vi vi phạm pháp luật hình sự là: nguồn tiền ở đâu để ông Minh mua nhà, hay ông Đặng tẩu tán tài sản để trốn tránh trách nhiệm là chủ sở hữu căn nhà do phạm tội mà có, nên phải điều tra là có hay không có việc mua bán nhà giữa ông Minh với ông Đặng và thực chất ông Minh có thế chấp nhà và Ngân hàng có cấp tín dụng không?
Trong khi đó, việc tẩu tán tài sản, nguồn gốc tiền ở đâu mà có, chỉ áp dụng trong việc điều tra các vụ án hình sự, khi cá nhân nào đó có hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Còn ông Đặng chỉ tham gia trong quan hệ giao dịch dân sự. Trong Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, không điều khoản nào quy định sau khi bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án, các đương sự không được thực hiện quyền sở hữu không có thời hạn, để chờ có bị kháng nghị giám đốc thẩm hay không.
Chính bởi những nhận định của cấp giám đốc thẩm nêu trên, nên Ngân hàng X là người thứ ba ngay tình hợp pháp cuối cùng, lại “quay cuồng” và kêu tới tận Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, với lo lắng về nguy cơ thiệt hại, khó hoặc không thu hồi được vốn.