Lợi nhuận ngân hàng giảm mạnh hiện nay được cho là hậu quả của một thời “vung tay quá trán”

Lợi nhuận ngân hàng giảm mạnh hiện nay được cho là hậu quả của một thời “vung tay quá trán”

Ngân hàng qua thời báo cáo “màu hồng”

(ĐTCK) Nợ xấu vẫn tăng cao, cho dù tín dụng khó phát triển, là lý do khiến lợi nhuận của nhiều ngân hàng sụt giảm mạnh trong 3 quý đầu của năm 2013. Điều này đã phản ánh thực chất hơn hoạt động của các nhà băng và dần lộ rõ chân tướng ngân hàng yếu kém.

Ngân hàng qua thời báo cáo “màu hồng” ảnh 1

Lợi nhuận ngân hàng giảm mạnh hiện nay được cho là hậu quả của một thời “vung tay quá trán”

Mặc dù tăng trưởng tín dụng của nhiều nhà băng đến hết tháng 10/2013 vẫn chưa thoát được tình trạng âm, song nợ xấu vẫn không ngừng phát sinh từ các khoản vay cũ. Đặc biệt, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn, phải trích lập 100% dự phòng) tăng chóng mặt, khiến lợi nhuận nhiều ngân hàng, nhất là các đơn vị nhỏ, yếu kém giảm đến 80% so cùng kỳ.

Ngay cả những ngân hàng được coi là có “máu mặt” cũng bị giảm lợi nhận đến hơn một nửa so với cùng kỳ. Chẳng hạn, Eximbank giảm lợi nhuận 50%; Techcombank giảm 66%; ACB, dù đến cuối tháng 9/2013 đã hoàn thành đáng kể chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế khi đạt 1.500 tỷ đồng, nhưng chỉ tiêu này vốn chỉ bằng một nửa so với năm trước: 1.800 tỷ đồng so với 3.000 - 4.000 tỷ đồng.

Theo đánh giá của một lãnh đạo cấp cao trong lĩnh vực ngân hàng, kết quả hoạt động của ngân hàng hiện nay có thể nói là đã phản ánh được bản chất của các nhà băng. Vị lãnh đạo trên cho rằng, trước đây, khi lợi nhuận ngân hàng được công bố, đều cho thấy con số lên đến hàng nghìn tỷ đồng ở nhà băng lớn và xấp xỉ nghìn tỷ đồng ở nhà băng nhỏ, trong khi, năng lực quản trị và hiệu quả hoạt động lại rất thấp.

Mặt khác, ngoài việc cho vay hưởng chênh lệch lãi suất đầu vào - đầu ra từ 3 - 4%/năm, thậm chí 5 - 6%/năm trước đây, các ngân hàng còn kiếm lợi nhuận từ các khoản đầu tư kinh doanh chứng khoán, vàng và ngoại tệ. Thế nhưng, nguồn thu từ các hoạt động này đã sụt giảm mạnh trong 2 năm qua, khi các sàn vàng phải đóng cửa và chứng khoán sụt giảm mạnh.

Đồng thời, lãi biên trong hoạt động tín dụng cũng bị thu hẹp, do cung vốn nhiều, trong khi cầu giảm mạnh, bởi doanh nghiệp gặp khó khăn.

Phó tổng giám đốc NHNN Chi nhánh TP. HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh, cũng cho hay, chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay đang ngày càng thu hẹp. Để kích được cầu tín dụng, các ngân hàng buộc phải giảm lãi suất, xuống dưới cả trần huy động 7% với kỳ vọng thu hút được doanh nghiệp tốt.

Cũng theo ông Minh, lợi nhuận của các ngân hàng sụt giảm mạnh trong 9 tháng qua là điều không quá bất ngờ. Bởi nguồn thu đóng góp lớn nhất vào tổng lợi nhuận của ngân hàng hiện nay là hoạt động tín dụng, nhất là với ngân hàng nhỏ.

Nhìn vào cơ cấu lợi nhuận của các ngân hàng có thể thấy rõ điều ông Minh nói. Chẳng hạn với Techcombank, lãi sau thuế của ngân hàng này trong 9 tháng còn 750 tỷ đồng, giảm 66% so với cùng kỳ. Mặc dù cho vay khách hàng được duy trì khi tăng nhẹ 2% nhưng nợ xấu đã vọt lên 5,93%, khiến cho thu nhập thuần từ lãi của Techcombank giảm hơn 900 tỷ đồng, trong khi dự phòng rủi ro tín dụng gấp 3 lần so với cùng kỳ.

Tương tự, việc sụt giảm thu nhập thuần từ lãi gần 50% cũng ảnh hưởng mạnh đến kết quả hoạt động của Eximbank 9 tháng đầu năm nay, cho dù chi phí hoạt động của nhà băng này giảm đáng kể, cùng với kinh doanh ngoại hối lãi 116 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 115 tỷ đồng). Thế nhưng, lợi nhuận sau thuế của Eximbank vẫn giảm 52% so cùng kỳ, xuống còn 880 tỷ đồng và dự kiến chỉ hoàn thành 50% chỉ tiêu lợi nhuận.

Theo TS. Trần Du Lịch, Thàng viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, hậu quả sụt giảm lợi nhuận hôm nay là do các nhà băng đã “vung tay quá trán” trong tăng trưởng tín dụng ở giai đoạn năm 2008 - 2010, trong đó, tập trung nhiều vào lĩnh vực bất động sản. Vì thế, khi thị trường nhà đất đóng băng, ngân hàng khó kiểm soát được nợ xấu.

Lợi nhuận sụt giảm là điều khó tránh, vì nợ xấu tăng, trích dự phòng cao. Nhưng điều đáng chú ý là với một số ngân hàng nhỏ, nợ nhóm 5 tăng mạnh, khiến lợi nhuận còn lại chỉ bằng 10 - 15% so với chỉ tiêu cả năm, làm cổ đông lo ngại.   

>>Ngân hàng “thích” đầu tư hơn cho vay

>>Nửa đầu năm, ngân hàng mong manh tăng trưởng

>>Ai đứng sau Ngân hàng Xây dựng?