Nguồn vốn cho vay của ngân hàng được huy động từ nhiều nguồn, trong đó nguồn phát hành trái phiếu riêng lẻ
Ngân hàng, kiểm toán không thể xác định đồng nào mua mắm, đồng nào mua tương
Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam vừa có văn bản kiến nghị về những khó khăn vướng mắc khi triển khai Nghị định 65/2022/NĐ-CP và Nghị định sửa đổi Nghị định 65.
Theo đó, Nghị định 65 yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ phải công bố thông tin định kỳ 6 tháng, hàng năm về tình hình sử dụng vốn với trái phiếu còn dư nợ được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện. Ngay sau khi Nghị định 65 được ban hành, các ngân hàng đã có kiến nghị gửi lên Bộ Tài chính để nghị tháo gỡ, song trong Nghị định 08/2023/NĐ-CP (sửa đổi Nghị định 65), vướng mắc này vẫn chưa được tháo gỡ.
Cụ thể, với các tổ chức tín dụng (TCTD), số tiền thu được từ các kênh huy động vốn (tiền gửi tiết kiệm, trái phiếu, kỳ phiếu, chứng chỉ tiền gửi…) sẽ được gộp và hòa vào tổng nguồn vốn huy động của TCTD để phục vụ các hoạt động như cho vay, tài trợ thương mại, đầu tư…
“Thực tiễn cho thấy, TCTD không thể xác định đích danh nguồn tiền vốn trái phiếu thu từ một đợt phát hành trái phiếu cụ thể được sử dụng cho các khoản cho vay, đầu tư cụ thể nào", VBMA cho biết.
Thực tiễn cho thấy TCTD không thể xác định đích danh nguồn tiền vốn trái phiếu thu từ một đợt phát hành trái phiếu cụ thể được sử dụng cho các khoản cho vay, đầu tư cụ thể nào.
Vấn đề còn phức tạp hơn trong trường hợp khá phổ biến là khoản vay sử dụng vốn trái phiếu được khách hàng trả nợ trước khi trái phiếu đáo hạn. Thông thường trong trường hợp này, TCTD cần tái đầu tư vốn trái phiếu vào các khoản cho vay mới. Đây là một chu trình quay vòng vốn liên tục và điều này khiến việc theo dõi sử dụng vốn trái phiếu dựa trên nguyên tắc tính khớp đúng giữa dòng tiền thu được từ phát hành trái phiếu và dòng tiền cho vay ra tương ứng trở nên bất khả thi.
Điều này có nghĩa, với ngân hàng, việc xác định "đồng nào mua mắm, đồng nào mua tương" là bất khả thi. Chưa kể, với đặc thù là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hoạt động huy động vốn và cho vay của các TCTD phải tuân thủ các quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính cũng như an toàn tín dụng, đầu tư, chịu sự kiểm soát chặt chẽ và liên tục của NHNN, các cơ quan có chức năng kiểm tra giám sát khác.
Vì vậy, nguồn huy động vốn từ kênh trái phiếu cũng sẽ phải tuân thủ các quy định an toàn tài chính, tín dụng, đầu tư như đã kể trên.
Trên thực tế, huy động vốn từ trái phiếu cũng chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng nguồn vốn huy động vốn của các TCTD (thông thường dưới 10%/tổng quy mô huy động) và hiện các quy định pháp luật khác cũng không quy định về việc TCTD phải thực hiện kiểm toán sử dụng vốn huy động.
Để thực hiện kiểm toán báo cáo tình hình sử dụng số tiền thu được từ phát hành trái phiếu, các TCTD phải có hệ thống công nghệ thông tin để kiểm tra được tính khớp đúng giữa dòng tiền thu được từ phát hành trái phiếu và dòng tiền cho vay ra tương ứng. Tuy nhiên, các TCTD đều chưa có năng lực công nghệ thông tin để theo dõi dòng tiền từ phát hành trái phiếu và đặc biệt với đặc thù của việc luân chuyển dòng vốn liên tục của các TCTD như đã nêu trên
Do vậy với các trái phiếu đã phát hành, hệ thống của các TCTD đều không đáp ứng được yêu cầu của kiểm toán. Với những trái phiếu sẽ phát hành, các TCTD sẽ rất khó thực hiện theo yêu cầu của kiểm toán.
Công ty kiểm toán không dám xác nhận tình hình sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu của ngân hàng thương mại
Hiện nay các công ty kiểm toán Big4 đều chưa xác nhận sẽ thực hiện kiểm toán báo cáo về tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ cho kỳ năm 2022 (phải công bố thông tin vào ngày 31/3/2023).
Mặt khác, chưa có hướng dẫn từ Bộ Tài Chính về phương thức, cách thức thực hiện kiểm toán mục đích sử dụng vốn trái phiếu đối với các doanh nghiệp nói chung và các TCTD nói riêng.
Với quy định của Nghị định 65, hiện nay các tổ chức tín dụng đang rất hoang mang. Hàng năm tỷ lệ trái phiếu các TCTD phát hành chiếm 30-35% tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành (đặc biệt năm 2022 chiếm tới 59% tổng khối lượng phát hành) và đây là kênh huy động vốn trung dài hạn rất quan trọng của các TCTD để phục vụ các hoạt động theo quy định của pháp luật.
Trường hợp không thực hiện được kiểm toán báo cáo tình hình sử dụng số tiền thu được từ phát hành trái phiếu, các TCTD sẽ vi phạm quy định về công bố thông tin, đồng thời không thể phát hành mới các trái phiếu trong năm 2023 và sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nguồn vốn của các TCTD.
Các công ty chứng khoán và công ty tài chính tiêu dùng cũng gặp phải vấn đề như tại các ngân hàng.
Đề xuất bỏ quy định kiểm toán số tiền thu được từ trái phiếu đối với tổ chức tín dụng
Theo đại diện các công ty kiểm toán, các TCTD nên đề xuất Bộ Tài chính và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bỏ quy định phải kiểm toán về tình hình sử dụng số tiền thu được từ phát hành trái phiếu.
Các TCTD là tổ chức kinh doanh tiền tệ, đã có các quy định rủi ro chặt chẽ nên việc kiểm toán trên không có ý nghĩa đồng thời việc thực hiện theo yêu cầu là rất phức tạp và khó triển khai.
Nếu các vấn đề trên không được khơi thông sẽ dẫn đến nhiều hệ luỵ. Trong đó, các TCTD không thể phát hành trái phiếu mới, trái phiếu để bổ sung vốn cấp 2, ảnh hưởng tới việc huy động vốn trung dài hạn, từ đó ảnh hưởng tới việc cấp vốn cho doanh nghiệp, nền kinh tế,...
Việc vi phạm quy định về công bố thông tin cũng có thể kích hoạt các điều khoản có thể dẫn đến việc trái chủ có quyền yêu cầu TCTD mua lại trái phiếu trước hạn ồ ạt và có thể phát sinh các nghĩa vụ tất toán chéo với các hợp đồng khác.
TCTD cũng có thể vì thế mà bị xử phạt, ảnh hưởng tới danh tiếng truyền thông và mức độ tín nhiệm của TCTD với khách hàng, có thể dẫn đến tác động tiêu cực, có tính dây chuyền đến hệ thống TCTD.
Do đó, VBMA kiến nghị Bộ Tài chính sớm có hướng dẫn thực hiện việc kiểm toán tình hình sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu của các TCTD trong điều kiện hiện nay. Đồng thời đề nghị Chính phủ và Bộ Tài chính xem xét bãi bỏ quy định nói trên.