Điều đó có thể thấy rõ hơn ở các ngân hàng quy mô nhỏ, vốn kém ưu thế hơn trong việc cạnh tranh huy động tiền tiết kiệm. Dù thanh khoản vẫn đảm bảo, nhưng các ngân hàng vẫn đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi với khách hàng gửi tiết kiệm. Chẳng hạn, tại MeKong Bank (MDB), từ nay đến hết 8/3, khi gửi tiền, khách hàng sẽ được nhận ngay quà tặng và phiếu bốc thăm trúng thưởng, với cơ hội trúng giải thưởng cao nhất là 5 lượng vàng SJC.
Các ngân hàng ACB, SCB, NamA Bank cũng gia tăng tính hấp dẫn cho khách hàng gửi tiền, với kỳ vọng thu hút được nguồn tiền nhàn rỗi dịp cuối năm.
Với kỳ vọng thu hút được nguồn tiền tiết kiệm cuối năm từ khách hàng cá nhân gần đây, VietA Bank đã tung ra nhiều chương trình khuyến mãi cho người gửi tiền, với giá trị lên đến hàng ký vàng SJC. Theo ông Hoàng Ngọc Minh Toàn, Phó tổng giám đốc phụ trách Khối khách hàng cá nhân VietA Bank, thời điểm cuối năm, nhu cầu vốn của khách hàng doanh nghiệp để chi lương, thưởng cao nên lượng tiền gửi từ doanh nghiệp sẽ giảm, nhưng với khách hàng cá nhân, nhu cầu gửi tiết kiệm sẽ tăng khi nhận được các khoản lương, thưởng cuối năm. Nhận thấy được điều này, VietA Bank đã đưa nhiều chương trình ưu đãi cho khách hàng gửi tiết kiệm, để thu hút được tiền nhàn rỗi.
Thực tế, trong những năm gần đây, khi thị trường khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp nên các nhà sản xuất - kinh doanh chủ yếu tận dụng nguồn vốn tự có để đầu tư, sản xuất - kinh doanh và hạn chế sử dụng vốn vay. Do đó, theo lãnh đạo của một nhà băng, nguồn tiền gửi tiết kiệm của doanh nghiệp giảm hẳn và hầu như không tăng. Tiền gửi tiết kiệm chủ yếu được huy động từ khu vực dân cư; trong đó, cá nhân chiếm chủ yếu. Đó cũng là lý do để các ngân hàng tăng khuyến mãi gửi tiền…
Trao đổi với ĐTCK, ông Trần Ngô Phúc Vũ, Tổng giám đốc NamA Bank cho rằng, trong lúc này, khi các kênh đầu tư chưa hồi phục rõ nét thì việc gửi tiết kiệm với mức lãi suất 7-8%/năm vẫn được xem là cách sinh lợi khá tốt và an toàn.
Theo ông Vũ, lãi suất luôn phụ thuộc vào diễn biến lạm phát và với mục tiêu kiểm soát lạm phát 6,5-7% trong năm nay thì trần lãi suất đầu vào 7%/năm hiện nay là phù hợp và khó điều chỉnh thêm. Còn lãi suất cho vay nhiều khả năng sẽ được điều chỉnh thêm, nhưng vấn đề cơ bản nhất là phải tăng được sức mua của thị trường thì mới đẩy mạnh được tăng trưởng tín dụng. Để làm được việc này, cần có thêm các giải pháp vĩ mô kích cầu tiêu dùng, từ đó tồn kho sẽ giảm thì doanh nghiệp mới bớt khó khăn.
Tại DongA Bank, dù tăng trưởng huy động vốn năm qua ở mức tương đối khả quan, trong khi tín dụng chỉ đạt mức tăng trưởng hơn 3%. Thế nhưng, Ngân hàng vẫn không ngừng đẩy mạnh huy động vốn. Do đó, không chỉ với hệ thống giao dịch 24/7 mà bắt đầu từ năm 2014, DongA Bank đã triển khai kế hoạch nâng cấp hệ thống phòng giao dịch để tạo điều kiện tốt cho khách hàng đến giao dịch. Theo Tổng giám đốc DongA Bank Trần Phương Bình, nguồn vốn huy động của hệ thống giao dịch 24/7 đã đem lại kết quả khả quan khi quy mô tiết kiệm đã đạt khoảng 300 tỷ đồng.
Theo nhận định của ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP. HCM, thanh khoản của hệ thống ngân hàng hiện đã tốt hơn nhiều so với trước, song để đón đầu nhu cầu vốn của thị trường, khi các kênh đầu tư khác hồi phục và mở rộng thị phần tiền gửi, các ngân hàng không thể không cạnh tranh huy động tiết kiệm.
“Lãi suất tiết kiệm năm nay sẽ khó giảm so với trần 7%/năm, vì lạm phát kỳ vọng được kiểm soát như năm 2013, nên cạnh tranh cũng sẽ gay gắt”, ông Minh nhấn mạnh.