Điều quan trọng là vấn đề giá cũng như độ mở của Chính phủ Việt Nam với nhà đầu tư ngoại trong lĩnh vực vốn được khống chế tỷ lệ trần nắm giữ của cổ đông nước ngoài. Cổ phiếu ngân hàng vẫn trong tầm ngắm của nhà đầu tư, nhất là với những nhà băng “ăn nên làm ra”. Tuy nhiên, nợ xấu là vấn đề cần quan tâm.
Đón đầu cơ hội trong tái cấu trúc
Quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam đang được giới đầu tư nước ngoài quan tâm. Đặc biệt là vào giai giai đoạn cuối của quá trình tái cấu trúc, vấn đề sáp nhập, hợp nhất, nhất là khi Chính phủ Việt Nam sẽ cho phép ngân hàng nhỏ yếu kém, cần tiềm lực tài chính tái cấu trúc có thể bán lại 100% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài.
Đáng chú ý là khi Chính phủ đang xem xét cụ thể từng trường hợp tái cơ cấu TCTD để cho phép mua đứt 100% vốn một ngân hàng như thời gian qua có thông tin một số nhà băng sẽ bán cho nhà đầu tư ngoại để tiến hành tái cơ cấu. Năm 2014, lãnh đạo NHNN Việt Nam tuyên bố quá trình tái cơ cấu 9 ngân hàng thương mại yếu nhất đã hoàn thành và tiếp tục quá trình tái cơ cấu những ngân hàng nhỏ. Hiện NHNN khuyến khích các ngân hàng yếu sáp nhập thành một ngân hàng quy mô lớn hơn trong điều kiện thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt.
Đồng thời, thông qua sáp nhập, hợp nhất những ngân hàng nhỏ với nhau hay ngân hàng nhỏ vào nhà băng lớn nhằm tạo ra những tập đoàn tài chính có sức cạnh tranh tầm khu vực. Chính vì thế, nhà đầu tư nước ngoài cũng đang xem xét rót vốn vào lĩnh vực còn đầy tiềm năng này của Việt Nam. Bởi trong quá trình tái cấu trúc, các ngân hàng có nhu cầu nâng cao năng lực tài chính nên sẽ đẩy mạnh việc thu hút vốn ngoại, nhất là những đơn vị chưa có nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Cơ hội đến với các nhà đầu tư nước ngoài cũng nhiều hơn khi ngân hàng trong nước cần tăng vốn.
Mặc dù ngành ngân hàng của Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn về nợ xấu và tái cơ cấu những khoản nợ này. Thế nhưng, nhìn chung, nợ xấu của Việt Nam vẫn thấp hơn so với một số nước trong khu vực ở thời kỳ khủng hoảng năm 1997.
Vì thế, có thể trước mắt các ngân hàng đang gặp khó khăn, song tiềm năng tăng trưởng trong thời gian tới là không nhỏ. Tuy nhiên, để thu hút được vốn ngoại, điều cần thiết trước hết là Chính phủ Việt Nam nên xem xét nới thêm “room” cho nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này để hấp dẫn trong thu hút nguồn vốn ngoại vào ngân hàng.
Mặt khác, để có thể đẩy tiến độ xử lý nợ xấu nhanh hơn, vai trò của nguồn vốn nước ngoài tham gia mua bán nợ là rất quan trọng. Theo đó, muốn đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngân hàng, phải thúc đẩy thành lập một cơ chế để các tổ chức nước ngoài có thể tham gia mua nợ xấu.
Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành VinaCapital
Bài toán nợ xấu cần mạnh tay xử lý
Sau khi ghi nhận tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng cao nhất Đông Nam Á, trong đó hơn 30% liên quan đến các khoản vay bất động sản vào cuối năm 2012, các ngân hàng đang bắt đầu làm “sạch” bảng cân đối kế toán bằng cách đẩy mạnh bán nợ xấu cho VAMC. Kể từ khi ra đời vào tháng 7/2013, VAMC đã mua nợ xấu từ gần 40 ngân hàng và có kế hoạch đẩy mạnh việc mua nợ lên khoảng 200.000 tỷ đồng vào cuối năm 2015 này.
Ngoài ra, NHNN Việt Nam cũng đã cam kết đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu bằng cách bắt buộc một số nhà cho vay sáp nhập và thậm chí là có thể yêu cầu phá sản. Theo kế hoạch, NHNN sẽ cắt giảm số lượng ngân hàng từ mức 40 như hiện nay xuống con số 15 ngân hàng vào năm 2017.
Mặc dù việc các ngân hàng bán nợ xấu cho VAMC hiện nay chỉ mới kéo giãn được thời gian, chưa xử lý được triệt để. Tuy nhiên, với sự hồi phục dần của thị trường bất động sản, nhất là với phân khúc dành cho những cá nhân có nhu cầu nhà thực sự sẽ tạo điều kiện tốt cho sự hồi phục thị trường này, cũng như việc xử lý tài sản đảm bảo thu hồi nợ của các ngân hàng nhanh hơn.
Đồng thời, Chính phủ cũng vừa tăng thêm năng lực tài chính cho VAMC lên 2.000 tỷ đồng và cho phép thực hiện mua - bán nợ theo cơ chế thị trường, cho phép nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu bất động sản… Những điều này chính là các yếu tố sẽ tác động tích cực lên việc xử lý nợ xấu trong năm 2015 cũng như những năm tới.
Việc xử lý nợ xấu cần yếu tố quyết liệt, nhưng đòi hỏi phải có thời gian và không thể kỳ vọng sớm, kể cả khi cho phép mua - bán nợ xấu theo cơ chế thị trường. Trong thời gian qua, VAMC đã mua nợ xấu của các ngân hàng với giá khá cao, mức chiết khấu chỉ dưới 10% nên việc bán lại nợ xấu theo giá thị trường không dễ. Bởi thông thường, khi mua nợ, giá cả phải được hai bên nhận thức là hợp lý để dễ thỏa thuận thành công.
Người mua lại nợ không thể giữ quan điểm là mua giá trị nợ xấu mà chỉ là giao dịch mua - bán một tài sản bình thường. Vì thế, cho dù thị trường mua - bán nợ được hình thành, nếu VAMC bán tài sản với quan điểm là khoản thế chấp cho nợ xấu thì chưa hẳn đã hấp dẫn được các nhà đầu tư.
Do đó, để đánh giá được khả năng bán nợ xấu, phải xét đến yếu tố có hình thành việc mua - bán nợ theo giá thị trường hay không và VAMC sẽ bán nợ xấu với quan điểm giá nào: giá trị nợ xấu gắn với tài sản hay giá thị trường của tài sản đó. Hay nói cách khác, muốn giải quyết được bài toán nợ xấu, cần sự hy sinh và quyết liệt hơn.
Các ngân hàng sau quá trình M&A đang đẩy mạnh tái cấu trúc. Nợ xấu của những nhà băng này cũng đã được kéo giảm về dưới 3%, cho dù quá trình xử lý nợ xấu vẫn còn khá gian nan. Thế nhưng, việc tăng trích lập dự phòng rủi ro, dù phải hy sinh phần lợi nhuận thu lại và cổ đông không còn cổ tức cũng là giải pháp để các ngân hàng xóa nợ xấu trong tương lai. Bởi nếu sau 5 năm, nếu khoản nợ xấu đã bán cho VAMC không xử lý triệt để thì các ngân hàng đã trích lập đủ 100% dự phòng và xem như khoản nợ xấu đó đã mất.
Trường hợp các khoản nợ xấu được xử lý, các ngân hàng sẽ được hoàn nhập dự phòng khá lớn. Lợi nhuận của các nhà băng dần được cải thiện khi kiểm soát được nợ xấu, hạn chế dự phòng và thậm chí là được hoàn nhập khoản dự phòng lớn khi kinh tế hồi phục, các DN trả được nợ và ngân hàng xóa được nợ xấu. Sức khỏe của các ngân hàng cũng dần hồi phục sau quá trình đẩy mạnh tái cấu trúc lại bộ máy, quản trị, tài chính.
Cổ phiếu ngân hàng Việt Nam đang rẻ?
TTCK Việt Nam đang cho thấy các ngân hàng đã bước vào xu hướng phục hồi. Nhóm cổ phiếu ngân hàng niêm yết, nhất là những ngân hàng có hoạt động kinh doanh tốt vẫn tăng trưởng trong thời gian qua khi ngành đang trong giai đoạn tái cơ cấu, kinh tế chưa hồi phục rõ nét.
Cổ phiếu VCB - ngân hàng niêm yết lớn nhất Việt Nam, đã tăng 25% trong vòng 3 tháng cuối 2014 và đầu 2015. Mã CTG của VietinBank cũng nhảy vọt 26% về giá. Trong khi đó, VN-Index chỉ tăng 8,5% và chỉ số chứng khoán các ngân hàng khu vực tăng 11%.
Giá cổ phiếu của các ngân hàng Việt Nam đang tăng với tốc độ nhanh nhất tại châu Á, cho thấy lĩnh vực này đã phục hồi khỏi cuộc khủng hoảng nợ xấu từng tác động đến đà tăng trưởng của nền kinh tế trong 3 năm qua. Mặt khác, số liệu của Chính phủ cho thấy, nợ xấu trong lĩnh vực ngân hàng tại thời điểm cuối năm 2014 đã giảm về khoảng 3,25%, từ mức 17% trong năm 2013.
Niềm tin vào các ngân hàng Việt Nam đang tăng cao sau khi VAMC đã mua vào 5,7 tỷ USD (tương đương 123.000 tỷ đồng tính đến cuối năm 2014 và kế hoạch mua thêm 80.000 tỷ đồng nợ xấu năm nay). Nợ xấu đang trên đà suy giảm, vì thế các ngân hàng có thể cho vay nhiều hơn để hỗ trợ đà tăng trưởng của nền kinh tế. Chính sự phục hồi của lĩnh vực ngân hàng đã dọn đường cho sự hồi sinh nền kinh tế.
Do đó, các quỹ đầu tư, trong đó có VinaCapital đang cân nhắc tăng cường nắm giữ cổ phiếu ngân hàng khi thị trường bất động sản cải thiện và định giá hấp dẫn. Hiện Quỹ đầu tư VOF Investment Limited thuộc VinaCapital đang nắm giữ 5,02% vốn điều lệ của Eximbank, trở thành cổ đông lớn thứ ba của nhà băng này. Khi có cơ hội, Tập đoàn VinaCapital sẽ tiếp tục rót vốn đầu tư.
Dù vậy, theo phân tích của VinaCapital, về nhóm cổ phiếu ngân hàng, kể cả ngân hàng đã niêm yết và ngân hàng đang tái cơ cấu, nhà đầu tư cũng phải xem xét đến nhiều yếu tố. Bởi ngành ngân hàng là một ngành đặc thù và việc các nhà đầu tư nước ngoài có sẵn sàng rót vốn vào các ngân hàng Việt Nam hay không còn tùy thuộc vào các yếu tố như: chiến lược phát triển phù hợp, triển vọng tăng trưởng, nét tương đồng về văn hóa giữa hai ngân hàng… Đồng thời, nhìn nhận các ngân hàng đã được tái cơ cấu như thế nào và hiệu quả ra sao trước khi quyết định bỏ vốn. Rót vốn vào cổ phiếu ngân hàng cũng phải có tầm nhìn dài hạn, vì ngành này đang trong giai đoạn tái cơ cấu và từng bước xử lý nợ xấu.
Mặc dù nhóm ngân hàng có tiềm năng tăng trưởng và nếu giá cổ phiếu đã xuống nhiều thì khả năng lên giá sẽ cao. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng phải xem xét là hoạt động của ngân hàng đó như thế nào trong một thời gian trước khi ra quyết định đầu tư. Ngành ngân hàng có một đặc thù là rất đa dạng hóa trong một nền kinh tế, vì hoạt động của ngân hàng đụng chạm rất nhiều ngành, do đó nếu ngân hàng quản lý không tốt thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, cần phải theo dõi, nghiên cứu hoạt động của ngân hàng qua một thời gian lâu dài trước khi quyết định đầu tư.
Ngành ngân hàng Việt Nam đang trải qua một cuộc đại phẫu và việc xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn. Thế nhưng, sức hút của lĩnh vực ngân hàng đối với nhà đầu tư nước ngoài là khá cao.
Trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, tiềm năng tăng trưởng của ngành tài chính - ngân hàng ở các thị trường mới nổi như Việt Nam còn rất lớn với tốc độ tăng trưởng gấp 2 hoặc 2,5 lần so với tăng trưởng GDP.
Thực tế thời gian qua cũng chứng minh điều này, kinh tế khó khăn và tốc độ tăng trưởng của ngành ngân hàng Việt Nam trong những năm gần đây chững lại. Nhưng nếu tính bình quân 10 năm tới thì tốc độ tăng trưởng của ngành ngân hàng Việt Nam vẫn sẽ ở mức khoảng 15% so với hiện nay. Trong đó, phải kể đến nhu cầu về dịch vụ tài chính - ngân hàng bán lẻ được các tổ chức tài chính nước ngoài đánh giá sẽ ngày càng gia tăng tại các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam.
Trên thực tế, nhu cầu về các sản phẩm tài chính bán lẻ của người tiêu dùng Việt Nam sẽ gia tăng theo thời gian. Vì thế, chiến lược bán lẻ sẽ tiếp tục là mục tiêu được các ngân hàng nước ngoài đẩy mạnh tại thị trường này. Đáng chú ý là với mảng thẻ, nhất là thẻ tín dụng. Đây cũng sẽ là sức ép cạnh tranh đối với ngân hàng nội về dịch vụ bán lẻ.
Khả năng tăng trưởng đối với lĩnh vực tài chính - ngân hàng tại Việt Nam được các tập đoàn tài chính nước ngoài đánh giá cao và xem đây là cơ hội để rót vốn đầu tư. Thực tế, thời gian qua, các TCTD Việt Nam đang ra sức cải tổ, thực hiện đề án tái cơ cấu, chỉnh trang lại năng lực tài chính, quản trị, nhân lực...
Đến thời điểm này, thanh khoản của toàn hệ thống đã được cải thiện tốt và NHNN đang từng bước đẩy mạnh tái cơ cấu để làm lành mạnh hệ thống. Khả năng cổ phiếu ngân hàng sẽ tiếp tục hồi phục sau tái cơ cấu. Vì thế, thời điểm này được nhà đầu tư nước ngoài xem là cơ hội tìm đối tác để tham gia chi phối ngân hàng nội.
Tuy nhiên, rót vốn vào cổ phiếu ngân hàng phải có tầm nhìn dài hạn. Kỳ vọng nhóm cổ phiếu ngân hàng sớm tăng mạnh trở lại hiện thời là chưa thể. Nguyên do trong giai đoạn hiện nay, các ngân hàng đang thực hiện tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, đồng thời sức mua của nền kinh tế chưa phục hồi hoàn toàn nên ngành ngân hàng chưa hết khó khăn. Hiện có nhiều nhà đầu tư nước ngoài xem Việt Nam là các khoản đầu tư dài hạn.
Mức độ quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là lĩnh vực tài chính - ngân hàng, bán lẻ đang ở mức cao, bởi định giá chứng khoán Việt Nam còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực. Thế nhưng, điều được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm là khả năng mở room đối với lĩnh vực ngân hàng so với mức tối đa 30% hiện nay, thậm chí có thể cho nhà đầu tư ngoại mua lại 100% vốn của một ngân hàng.
Nếu điều này xảy ra, một làn sóng đầu tư nước ngoài vào ngành ngân hàng Việt Nam là điều có thể nhìn thấy trước.