Lãi suất hợp lý hơn kỳ vọng sẽ kích thích nhu cầu vay vốn.

Lãi suất hợp lý hơn kỳ vọng sẽ kích thích nhu cầu vay vốn.

Ngân hàng nỗ lực kích cầu vốn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các gói tín dụng ưu đãi lãi suất đang được nhiều nhà băng tung ra nhằm kích thích nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và cá nhân, nhất là trong mùa cao điểm của hoạt động sản xuất - kinh doanh và mua sắm.

Nhiều gói vốn ưu đãi lãi suất

Từ đầu năm tới nay, Ngân hàng Nhà nước đã bốn lần giảm lãi suất điều hành, đưa mặt bằng lãi suất huy động của các nhà băng xuống sâu. Lãi suất huy động cao nhất hiện đã về vùng 6 - 7%/năm, giảm mạnh so với mức trên 10%/năm hồi đầu năm. Theo đà giảm của lãi suất huy động, mặt bằng lãi suất cho vay cũng thấp hơn. Một số nhà băng gần đây tung nhiều gói cho vay ưu đãi lãi suất để kích cầu tín dụng trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng ảm đạm.

Đơn cử, BVBank công bố gói tín dụng 7.000 tỷ đồng cho khách hàng cá nhân với lãi suất từ 8,8%/năm, triển khai từ ngày 4/8 - 31/12/2023. Trong đó, 1.000 tỷ đồng sẽ dành cho khách hàng gắn bó với BVBank trên 1 năm, lãi vay giảm 2%/năm so với biểu lãi suất thông thường; 4.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi linh hoạt, từ 8,8%/năm hoặc ưu đãi cố định từ 9,9%/năm trong 3 tháng đầu với các khoản vay được giải ngân mới phục vụ sản xuất - kinh doanh, mua, sửa chữa nhà và tiêu dùng; 2.000 tỷ đồng để kích cầu mua sắm tài sản tích lũy, kích cầu tiêu dùng. Chương trình áp dụng đối với các khoản vay từ 6 tháng trở lên, số tiền vay lên đến 5 tỷ đồng và có tài sản thế chấp là bất động sản.

Nhằm hỗ trợ người dân, kích thích hoạt động sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng phục vụ đời sống từ nay đến cuối năm 2023, Sacombank tiếp tục tung gói tín dụng 30.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân. Trong đó, Ngân hàng dành 20.000 tỷ đồng cho khách hàng vay vốn với mục đích phục vụ sản xuất - kinh doanh ngắn hạn, lãi suất chỉ từ 7,5%/năm; 10.000 tỷ đồng dành cho khách hàng vay vốn mua, xây, sửa bất động sản và nhiều mục đích tiêu dùng khác nhau, lãi suất từ 9%/năm.

Những khách hàng lần đầu tiên mua nhà để ở thỏa mãn điều kiện được hưởng mức lãi suất từ 8%/năm. Theo đại diện Sacombank, ưu điểm của gói tín dụng này là đáp ứng nhiều nhu cầu vốn của khách hàng, thời gian vay linh hoạt, tối đa lên đến 30 năm.

OCB cũng chủ động điều chỉnh giảm lãi suất cho vay từ mức 1 - 2,5%/năm cho các khách hàng và công bố 8 gói lãi suất kích cầu cùng nhiều lựa chọn ưu đãi, tùy vào nhu cầu của từng đối tượng khác nhau. Mức lãi suất chỉ từ 6,5%/năm cho các khoản vay phục vụ mục tiêu sản xuất - kinh doanh và 7,5%/năm với khoản vay mua nhà…

“Với ưu đãi lãi suất này, chúng tôi kỳ vọng giúp khách hàng có nhiều sự lựa chọn, từ đó tín dụng cá nhân cũng sẽ tăng mạnh hơn trong những tháng còn lại của năm 2023”, ông Bùi Thành Trung, Phó tổng giám đốc OCB cho hay.

Đầu tháng 8/2023, Vietcombank giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay VND với toàn bộ khoản vay của cá nhân và doanh nghiệp. Đây là lần thứ ba kể từ đầu năm 2023, Ngân hàng giảm lãi suất cho vay nhằm tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chương trình được triển khai từ ngày 1/8/2023 đến hết ngày 31/12/2023, không áp dụng với các khoản vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản, vay cầm cố giấy tờ có giá, thấu chi...

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã giao nhiệm vụ cho các ngân hàng thương mại giảm lãi suất từ 1,5 - 2%/năm với các khoản vay cũ và mới để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Các nhà băng phải báo cáo kế hoạch giảm lãi suất trước ngày 25/8/2023. Còn kết quả giảm lãi suất dư nợ hiện hữu và khoản cho vay mới phải được gửi về Ngân hàng Nhà nước trước ngày 8/1/2024.

Tín dụng kỳ vọng cải thiện

Tính đến cuối tháng 7, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng đạt 4,3%, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái và cách khá xa so với mục tiêu cả năm là 14 - 15%. Đáng chú ý, dư nợ cho vay toàn ngành ngân hàng giảm trong tháng 7, từ mức 4,7% vào cuối tháng 6.

Tín dụng tăng trưởng thấp là do nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, xuất khẩu giảm tốc, thị trường bất động sản suy yếu, các doanh nghiệp có xu hướng co cụm, không mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh. Nhu cầu tín dụng của khách hàng cá nhân cũng giảm rõ rệt, kể cả vay sản xuất - kinh doanh hay vay tiêu dùng, mua nhà do nền kinh tế khó khăn, thu nhập bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, theo nhìn nhận của ông Phạm Duy Hiếu, Quyền Tổng giám đốc ABBank, ngành ngân hàng vẫn giữ vai trò quan trọng, là xương sống trong việc cung ứng vốn đối với nền kinh tế, dưới tác động của các biện pháp đồng bộ từ Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất cho vay đang đi xuống, tín dụng 6 tháng cuối năm kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh hơn so với đầu năm nay.

Sức hấp thụ vốn trong nền kinh tế vẫn yếu, tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm nay có thể đạt khoảng 11 - 13%/năm.

Ông Phạm Duy Hiếu, Quyền Tổng giám đốc ABBank

Hiện ABBank cho vay vốn trung - dài hạn với lãi suất chỉ từ 10%/năm; cho vay vốn sản xuất - kinh doanh kỳ hạn ngắn lãi suất chỉ từ 9%/năm…

“Sức hấp thụ vốn trong nền kinh tế vẫn còn yếu, nên tôi cho rằng, tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm nay có thể đạt khoảng 11 - 13%/năm, thấp hơn so với mức 14,5% trong năm 2022”, ông Hiếu dự báo.

Lãi suất cho vay hạ nhiệt sẽ kích thích nhu cầu tín dụng tiêu dùng (mua nhà, mua xe, đầu tư tài sản) và mở rộng sản xuất - kinh doanh. Ông Bùi Thành Trung, Phó tổng giám đốc OCB nhận định, nhóm ngành có thể động lực tăng trưởng tín dụng cho những tháng cuối năm cũng như cả năm 2023 là bán buôn, bán lẻ; xuất nhập khẩu; sản xuất hàng tiêu dùng; cho vay phục vụ nhu cầu đời sống. Theo ông Trung, tín dụng toàn ngành sẽ tăng 8 -10% trong những tháng cuối năm khi tổng cầu của thế giới đang hồi phục dần, xuất khẩu cải thiện, qua đó kích thích nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu. Ngoài ra, thị trường bất động sản - khu vực thu hút nguồn vốn tín dụng rất lớn - cũng được kỳ vọng dần phục hồi.

Ông Ngô Minh Sang, Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân BVBank nhận định, theo thông lệ, cuối năm là mùa cao điểm mua sắm nên nhu cầu sản xuất tăng cao, cộng với sự phục hồi thị trường xuất nhập khẩu, sự chỉ đạo quyết liệt của cơ quan Nhà nước, sự nỗ lực mạnh mẽ của các ngân hàng thương mại trong giảm lãi vay, chắc chắn tín dụng nói chung, tín dụng cá nhân nói riêng sẽ khởi sắc.

Theo ông Sang, lãi suất cho vay hợp lý sẽ là động lực cho thị trường hấp thụ vốn, nhưng để tăng trưởng được tín dụng, đòi hỏi nhiều yếu tố khác, kể cả tình hình sức khỏe của khách hàng, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế nói chung và các thị trường bất động sản, hàng hóa hiện nay còn nhiều khó khăn. Các ngân hàng muốn tăng trưởng tín dụng bắt buộc phải dùng sự tinh gọn và hợp lý của vận hành để cung cấp trải nghiệm tốt và lấy đó làm công cụ giữ chân cũng như thu hút khách hàng mới. Ngoài ra, các chính sách, quy định mới cũng sẽ là chất xúc tác đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng.

Tin bài liên quan