Năm nay, OCB được giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15%

Năm nay, OCB được giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15%

Ngân hàng nỗ lực đẩy vốn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ghi nhận của Đầu tư Chứng khoán cho thấy, ngay sau khi được giao chỉ tiêu năm 2024, một số ngân hàng đã bắt tay vào thúc đẩy hoạt động tín dụng.

Sớm vào cuộc

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) chia sẻ, ngay trong ngày cuối năm 2023, Ngân hàng đã nhận được công văn từ Ngân hàng Nhà nước về việc phân bổ chỉ tiêu tín dụng năm 2024, với hạn mức tín dụng nhận được xoay quanh 15%.

“Đây là chính sách kịp thời cho các ngân hàng thương mại trong việc triển khai kế hoạch tăng trưởng cho vay từ đầu năm”, ông Tùng nhận xét.

Theo lãnh đạo OCB, tín dụng đã có sự cải thiện mạnh mẽ trong tháng 12/2023, một phần do tính chất mùa vụ, nhưng phần nào cũng cho thấy tình hình kinh tế tốt lên, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã phát huy tác dụng. Nền kinh tế trong năm 2024 được dự báo sẽ còn khó khăn, nhưng không thể khó hơn năm 2023, bởi những doanh nghiệp đã vượt qua được khó khăn của năm vừa qua sẽ trụ vững, tăng trưởng trong năm nay. Do đó, với room tín dụng được giao ngay đầu năm, OCB từng bước đẩy mạnh vốn ra thị trường.

Năm 2023 khép lại với con số tăng trưởng tín dụng của toàn ngành ngân hàng là 13,5%. Con số này, theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, là rất tích cực và là kết quả của sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và cả ngành ngân hàng trong năm vừa qua, đặc biệt là giai đoạn cuối năm. Với tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đến cuối năm 2023 vào khoảng 13,5 triệu tỷ đồng, mức tín dụng tăng thêm trong năm nay ước tính vào khoảng 2 triệu tỷ đồng.

Việc cơ quan quản lý giao ngay một lần chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng với định hướng tăng trưởng toàn ngành đạt 15%, dưới góc nhìn của Giám đốc Khối khách hàng cá nhân của một ngân hàng quy mô vừa, sẽ là điều kiện thuận lợi cho ngân hàng trong việc đẩy mạnh vốn ra thị trường.

“Chúng tôi đã đưa ra chính sách lãi vay 6 - 7%/năm để đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng tăng cao trong tháng cuối năm ngoái và đầu năm nay”, vị này cho biết.

Dòng tiền tiết kiệm vào các ngân hàng vẫn dồi dào và đây là điều kiện thuận lợi để các ngân hàng thương mại tiếp tục đưa lãi suất huy động cũng như lãi suất cho vay đi xuống. Khi lãi suất cho vay giảm mạnh xuống vùng đủ hấp dẫn sẽ kích thích nhu cầu vay vốn phục vụ hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh cũng như tiêu dùng.

Ông Pyon Young Hwan, Giám đốc phụ trách mảng giao dịch ngoại hối và phái sinh, Ngân hàng Shinhan Việt Nam cho rằng, các nền kinh tế phát triển, trong đó có Mỹ, sắp kết thúc lộ trình tăng lãi suất. Các điều kiện trong và ngoài nước năm 2024 được dự đoán sẽ thuận lợi cho việc giảm lãi suất, cho dù dư địa không còn nhiều. Xét đến sự sụt giảm của giá cả trong nước và các chính sách kích thích nền kinh tế của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng.

Theo ông Pyon Young Hwan, xét đến việc tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp hơn mục tiêu đề ra trong năm 2023, khả năng cao, các ngân hàng thương mại sẽ thông qua việc cắt giảm lãi suất cho vay để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm 2024.

Kỳ vọng cầu vốn sẽ tăng

Cơ chế giao toàn bộ hạn mức tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm 2024 có sự khác biệt với các năm trước, vốn được Ngân hàng Nhà nước chia thành nhiều đợt và yêu cầu các nhà băng gửi đề nghị rồi xem xét nới room.

Nguyên tắc tính chỉ tiêu tăng trưởng được Ngân hàng Nhà nước quy định theo công thức: Dư nợ tín dụng tối đa đến ngày 31/12/2024 = Dư nợ tín dụng ngày 31/12/2023 + [Điểm xếp hạng năm 2022 x 3,5% x (Dư nợ tín dụng ngày 31/12/2023 - Dư nợ tín dụng vượt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng Ngân hàng Nhà nước thông báo năm 2023 (nếu có)] - Các khoản bán dư nợ tín dụng thực hiện trong năm 2024 và chưa thu tiền đến thời điểm tính dư nợ tín dụng (nếu có).

Ông Pyon Young Hwan cho rằng, các điều kiện tiên quyết để tăng trưởng tín dụng tăng tốc trong năm nay, gồm nhu cầu vốn từ các cá nhân và công ty ngày càng tăng do đầu tư, sản xuất và tiêu dùng tại Việt Nam tăng lên; sự phục hồi của ngành bất động sản, vốn chiếm hơn 20% tốc độ tăng trưởng tín dụng; ngân hàng có thể tăng cường cho vay trung và dài hạn (hiện tỷ trọng cho vay ngắn hạn cao dẫn đến tốc độ tăng trưởng tín dụng tăng chậm) và các chính sách hỗ trợ trước tình trạng nợ xấu gia tăng của các tổ chức tài chính (bất động sản chiếm 70% tài sản đảm bảo cho vay của ngân hàng có bán được hay không). Song ông cũng kỳ vọng, nền kinh tế năm 2024 sẽ tăng trưởng tốt hơn so với năm 2023.

“Tỷ lệ thành lập công ty mới trong năm 2023 tăng khoảng 7% so với năm 2022 và cao hơn mức trung bình trong 6 năm qua. Nếu sự ổn định của thị trường bất động sản và các chính sách về xử lý nợ xấu được hỗ trợ cùng với sự phục hồi dần của xuất khẩu và nhập khẩu, nhu cầu vốn của các công ty sẽ tăng vào năm 2024, kéo theo tốc độ tăng trưởng tín dụng trong năm nay”, ông phân tích.

PGS. TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Trường đại học Kinh tế TP.HCM

PGS. TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Trường đại học Kinh tế TP.HCM

Thời điểm này, để tìm giải pháp thúc đẩy việc hấp thụ vốn từ phía cầu là rất khó, vì kinh tế chưa hồi phục, doanh nghiệp chưa có nhu cầu vay vốn để mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Để thúc đẩy việc hấp thụ vốn của doanh nghiệp, Việt Nam không thể chỉ phụ thuộc vào chính sách tiền tệ và tài khoá. Chúng ta cần tập trung và các yếu tố thực như là nguồn vốn, công nghệ, trình độ lao động, năng suất lao động…

Ngoài ra, cũng không nên trông chờ vào mỗi kênh ngân hàng, chúng ta cần vực dậy thị trường trái phiếu và xây dựng niềm tin trên thị trường chứng khoán thì nguồn vốn trung và dài hạn mới mang tính ổn định.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế

Năm 2024, nhu cầu vốn của doanh nghiệp sẽ tốt hơn khi các cơ quan quản lý rất tích cực trong việc tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực bất động sản cũng như sản xuất - kinh doanh.

Chính phủ đang dành ưu tiên cho chương trình xây dựng hơn 1 triệu căn nhà ở xã hội, đây sẽ là động lực để thúc đẩy thị trường bất động sản. Bản thân các doanh nghiệp bất động sản cũng đang tập trung cho việc tái cấu trúc, hoạt động sản xuất - kinh doanh của mình, từ đó kỳ vọng sẽ sớm có những sản phẩm để đưa ra thị trường.

Hơn một năm qua, các doanh nghiệp xuất khẩu có thời gian để nắm bắt lại các thị trường truyền thống, cam kết, thích ứng với những yêu cầu khắt khe hơn từ các thị trường này, đồng thời tìm kiếm những thị trường mới từ các hiệp định thương mại tự do, các thị trường ngách khác để từ đó có thể đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu.

Thực tế, Chính phủ đã rất nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế phục hồi, như hạ lãi suất, giảm thuế VAT, miễn giảm một số loại thuế phí để kích cầu tiêu dùng trong nước… Do đó, điều cần thay đổi nhất lúc này là doanh nghiệp.

Doanh nghiệp phải có ý thức tự thay đổi, tái cấu trúc để phù hợp với tình hình. Nếu doanh nghiệp không nỗ lực thì không có cách nào cứu được.

Tin bài liên quan