Các công ty con trong hệ sinh thái mang lại lợi nhuận, lợi ích rất lớn cho các ngân hàng trên nhiều khía cạnh.

Các công ty con trong hệ sinh thái mang lại lợi nhuận, lợi ích rất lớn cho các ngân hàng trên nhiều khía cạnh.

Ngân hàng nhọc nhằn lập hệ sinh thái tài chính

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hệ sinh thái mang lại cả giá trị hữu hình và vô hình nên các ngân hàng luôn mong mỏi thành lập thêm công ty con.

Gập ghềnh mở rộng

Trước việc cổ đông cho rằng hệ sinh thái của TPBank vẫn còn hạn chế so với nhiều ngân hàng khác, Tổng giám đốc Nguyễn Hưng cho biết, đây là vấn đề mà Ban lãnh đạo rất trăn trở, nhưng không thực hiện được. Ngân hàng đã xin cơ quan quản lý thành lập công ty bảo hiểm, công ty quản lý tài sản, công ty tài chính, công ty quản lý quỹ…, nhưng không được chấp thuận mở mới.

“Bên cạnh việc rất khó khăn để được cấp phép thì điều kiện để được chấp thuận thành lập cũng tréo ngoe. Chẳng hạn, muốn thành lập công ty quản lý tài sản thì nợ xấu phải trên 3%, Ngân hàng không muốn đưa nợ xấu lên trên 3% để mở công ty. Do đó, TPBank tính đến phương án M&A, nhưng cũng không hề dễ dàng, bởi ngân hàng nào cũng có động thái tương tự để mở rộng hệ sinh thái. Do đó, tìm được doanh nghiệp đã không dễ, rồi còn vấn đề giá cao thì đầu tư vào không hiệu quả, còn giá thấp lại không mua được”, ông Hưng nói.

Được biết, sau khi “vượt mặt” TPBank trong buổi đấu giá Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện (PTF), SeA Bank đã “nhường” cổ phần đang sở hữu tại Công ty Tài chính Handico (HAFIC) cho TPBank. Mặc dù chưa mua được toàn bộ vốn HAFIC do Nhà nước vẫn nắm cổ phần, nhưng về cơ bản, hoạt động của HAFIC do TPBank điều hành và lợi nhuận năm 2021 của HAFIC được dự báo tăng gấp đôi năm 2020.

Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Hội đồng quản trị TPBank chia sẻ, Ngân hàng đã từng bước đưa nhân sự vào tham gia quản trị, điều hành HAFIC, hoàn tất Đề án hỗ trợ HAFIC tự phục hồi có sự hỗ trợ của TPBank. Hiện đề án đã được Ban kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước phê duyệt và đang hoàn thiện các thủ tục để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận, dự kiến tháng 6/2022 sẽ hoàn tất.

Tại Đại hội cổ đông 2022, Ban lãnh đạo MSB cho hay, thương vụ chuyển nhượng Công ty TNHH MTV Cộng đồng (FCCOM) đang được xúc tiến trở lại với 2 đối tác nước ngoài. Dự kiến, thương vụ này sẽ hoàn tất trong năm nay và mang về cho Ngân hàng khoảng 2.000 tỷ đồng.

Đây là động thái mới của MSB sau khi đối tác nước ngoài trước đó đã dừng thương vụ do tác động của đại dịch Covid-19, thị trường cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tại Việt Nam bị ảnh hưởng. Kế hoạch thoái vốn khỏi FCCOM sẽ được MSB thực hiện theo một trong hai phương án: hoặc chuyển nhượng một phần vốn, cùng hợp tác đường dài với đối tác chiến lược, hoặc chuyển nhượng 100% vốn để Ngân hàng tập trung toàn bộ nguồn lực vào lĩnh vực kinh doanh chính.

Lợi ích được khẳng định

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định, trong bối cảnh hạn mức tăng trưởng tín dụng được cơ quan quản lý “cấp phát” ngặt nghèo, việc tìm các hướng kinh doanh mang về lợi nhuận thông qua mở rộng hệ sinh thái đang được các ngân hàng đẩy mạnh. Đây là điều không khó để giải thích khi thực tế đã cho thấy các công ty con trong hệ sinh thái mang lại lợi nhuận, lợi ích rất lớn cho các ngân hàng trên nhiều khía cạnh.

Việc tìm các hướng kinh doanh mang về lợi nhuận thông qua mở rộng hệ sinh thái đang được các ngân hàng đẩy mạnh.

Báo cáo tài chính của VPBank cho biết, trong năm 2021, hoạt động kinh doanh của FE Credit bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, ngân hàng mẹ đã có sự bứt phá mạnh mẽ, lợi nhuận trước thuế ngân hàng riêng lẻ ghi nhận gần 38.000 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần năm 2020. Trong đó, hoạt động đầu tư và thoái vốn tại công ty con đóng góp 24.000 tỷ đồng lợi nhuận.

Cụ thể, cuối tháng 10/2021, VPBank thông báo đã hoàn tất việc bán 49% vốn điều lệ tại FE Credit cho Công ty Tài chính tiêu dùng SMBC, một công ty con do Tập đoàn Sumitomo Mitsui Financial Group của Nhật Bản sở hữu 100% vốn. Giá trị thương vụ này là gần 1,4 tỷ USD, tương đương 30.000 tỷ đồng, được đối tác thanh toán 90% trong năm 2021, phần còn lại trả trong năm 2022.

Thương vụ chuyển nhượng trên đã giúp VPBank tăng vốn chủ sở hữu lên gần 86.500 tỷ đồng, cải thiện đáng kể mức độ an toàn vốn và củng cố nền tảng vững chắc cho Ngân hàng. Hệ số an toàn vốn theo chuẩn Basel II của VPBank đạt hơn 14,2%, cao hơn nhiều so với mức 11,7% trong năm 2020. Đây cũng là một lợi thế lớn có thể giúp VPBank tạo sức bật trong năm 2022.

Cũng trong năm 2021, một thương vụ M&A đáng chú ý khác là SHB ký thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần tại Công ty Tài chính SHB Finance cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan - thành viên chiến lược thuộc Tập đoàn MUFG (Nhật Bản).

Theo thỏa thuận, SHB sẽ chuyển nhượng trước 50% vốn SHB Finance cho Krungsri và 50% còn lại được chuyển nhượng sau 3 năm. Việc thanh toán được chia thành 2 đợt, thời gian và giá trị thanh toán tương ứng với lượng cổ phần nhận chuyển nhượng sau mỗi đợt. Giá trị thương vụ không được SHB tiết lộ, nhưng trên Tạp chí Nikkei Asia, đại diện của Krungsri chia sẻ, họ sẽ chi 5,1 tỷ baht để mua lại SHB Finance, tương đương khoảng 3.600 tỷ đồng.

Trước đó, năm 2018, Lotte Card của Hàn Quốc đã chi gần 1.700 tỷ đồng để mua lại Công ty Tài chính Techcom Finance từ Techcombank. Techcom Finance tiền thân là Công ty Tài chính cổ phần Hóa chất Việt Nam (VCFC) được Techcombank mua lại vào đầu năm 2025. Lợi nhuận trước thuế năm 2014 của VCFC chỉ đạt gần 13 tỷ đồng.

Tăng tốc mở rộng hệ sinh thái

VPBank từng sở hữu một công ty chứng khoán là Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS, nay là Công ty cổ phần Chứng khoán VPS), nhưng đã bán vốn trong năm 2015.

Đầu năm 2022, VPBank thông báo nhận chuyển nhượng gần 26,2 triệu cổ phiếu Công ty Chứng khoán ASC, tương ứng 97,42% vốn điều lệ. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022, ASC đã thông qua việc đổi tên thành Công ty Chứng khoán VPBank, đồng thời thông qua phương án chào bán hơn 865 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ gần 269 tỷ đồng lên 8.920 tỷ đồng. Cùng với kế hoạch tăng vốn, mục tiêu kinh doanh năm 2022 đạt doanh thu 1.509 tỷ đồng, lãi sau thuế 632 tỷ đồng, lần lượt gấp 131 lần và 104 lần so với năm 2021 cũng được các cổ đông ASC thông qua.

Trong khi đó, ACB đã tăng vốn điều lệ cho Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) từ 1.500 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng trong năm 2021, kỳ vọng lợi nhuận công ty con này sẽ cải thiện hơn nữa trong năm 2022. Được biết, lợi nhuận năm 2021 của ACBS gấp 3 lần năm 2020. Trong đó, lợi nhuận từ mảng môi giới tăng 3,7 lần, tự doanh tăng 2,6 lần.

Tại TPBank, bên cạnh nỗ lực hoàn tất thương vụ HAFIC, ông Đỗ Minh Phú cho biết, Ngân hàng đã góp vốn, mua thêm 9 triệu cổ phần từ quyền mua cổ phiếu Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS), nhằm đảm bảo duy trì tỷ lệ sở hữu 9,01% vốn điều lệ. Năm ngoái, TPS đã phát hành cổ phiếu theo tỷ lệ 1:1, tăng vốn lên 2.000 tỷ đồng, dự kiến năm nay tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng thông qua phát hành riêng lẻ và cho cổ đông hiện hữu.

Đối với LienVietPostBank, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng giám đốc Phạm Doãn Sơn cho hay, kế hoạch lợi nhuận năm 2022 không bao gồm phí độc quyền bảo hiểm sẽ kết thúc vào tháng 5 này. Hiện LienVietPostBank là ngân hàng duy nhất chưa ký độc quyền bảo hiểm với công ty nào và 5 năm hợp tác với Dai-i-chi là để tập dượt, chuẩn bị cho một kế hoạch lớn, chiến lược dài hơn.

“Ban lãnh đạo đã tích cực đàm phán với các công ty bảo hiểm lớn trên thế giới, dự kiến giữa tháng 6 sẽ có kết quả. Nếu thành công, năm 2022 sẽ có nhiều thay đổi lớn về kết quả kinh doanh”, ông Sơn khẳng định.

Ông Trần Minh Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank chia sẻ: “Năm 2022 sẽ ghi nhận phí trả trước từ thoả thuận với Manulife. Chúng tôi dự kiến phân bổ phí trả trước này trong 5 năm. Nếu trước đây, VietinBank đứng thứ 11 trong hoạt động phân phối bảo hiểm, thì hiện tại đã lên thứ 3 và chúng tôi sẽ tiếp tục cải thiện, đẩy doanh số bảo hiểm lên trên 1.000 tỷ đồng. VietinBank đang có hệ sinh thái lớn từ công ty chứng khoán, bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, công ty cho thuê tài chính, mạng lưới ở nước ngoài, ngân hàng liên doanh IndovinaBank. Trong thời gian tới, Ngân hàng sẽ đẩy mạnh hệ sinh thái này, nâng cao năng lực bán chéo, thúc đẩy kinh doanh các đơn vị thành viên.

Tin bài liên quan