Cổ phiếu ngân hàng đang ngày càng phân hóa, những ngân hàng nhỏ có thị giá cổ phiếu quá thấp sẽ khó nhận được sự chú ý của nhà đầu tư.

Cổ phiếu ngân hàng đang ngày càng phân hóa, những ngân hàng nhỏ có thị giá cổ phiếu quá thấp sẽ khó nhận được sự chú ý của nhà đầu tư.

Ngân hàng nhỏ tranh thủ tăng vốn cuối năm: Không dễ!

(ĐTCK) Trong bối cảnh thị trường thuận lợi, nhiều ngân hàng nhỏ kỳ vọng sẽ tăng được vốn trong năm nay thông qua việc chia cổ tức và phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông, qua đó cải thiện năng lực tài chính, đáp ứng tiêu chuẩn Basel II. Kế hoạch là vậy, nhưng việc thực thi không đơn giản, bởi đã nhiều lần thất bại trước đó. 

Rục rịch kế hoạch tăng vốn

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, đã nhận được đầy đủ tài liệu báo cáo phát hành cổ phiếu để trả cổ tức của Nam A Bank.

Phương án phát hành thực hiện theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2018 ngày 28/4/2018 của ngân hàng này.

Theo đó, Nam A Bank sẽ phát hành cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 11%, tổng giá trị phát hành là 332 tỷ đồng. Ngoài ra, Nam A Bank còn chào bán hơn 164,6 triệu cổ phần với giá không thấp hơn mệnh giá, dự kiến thu về 1.646 tỷ đồng.

Đối tượng phát hành là cổ đông hiện hữu (dự kiến 906 tỷ đồng); cán bộ nhân viên ngân hàng (khoảng 45 tỷ đồng) và ra bên ngoài (khoảng 695 tỷ đồng). Nếu hoàn tất việc phát hành, vốn điều lệ của Nam A Bank sẽ tăng lên 5.000 tỷ đồng từ mức 3.021 tỷ đồng hiện nay.

Được biết, kết thúc 6 tháng năm nay, lợi nhuận trước thuế của Nam A Bank đạt 335 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm 2017 và vượt kế hoạch cả năm để ra (320 tỷ đồng).

Vietbank cũng vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 3.249 tỷ đồng lên hơn 4.256 tỷ đồng (tức hơn 1.007 tỷ đồng) thông qua việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và cổ phiếu ESOP.

Phương án tăng vốn này đã được ĐHCĐ Vietbank thông qua vào ngày 26/4/2018 và được HĐQT Ngân hàng sửa đổi, bổ sung vào ngày 14/6/2018.

Theo kế hoạch, việc tăng vốn được thực hiện trong 2 năm 2018 và 2019. Tuy nhiên, do điều kiện thị trường thuận lợi, Vietbank dự kiến sẽ hoàn thành tăng vốn lên 4.256 tỷ đồng ngay trong năm nay, dù chỉ còn chưa đầy 3 tháng là hết năm.

Lãnh đạo Vietbank cho biết, ngoài kế hoạch này, Vietbank còn dự tính sẽ tiếp tục tăng vốn lên 5.300 tỷ đồng trong năm 2020, tức là có khoảng 1.044 tỷ đồng vốn nữa được tăng thêm.

Về kế hoạch niêm yết, Vietbank cho biết, sau khi tăng vốn điều lệ, Ngân hàng sẽ đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM và sẽ niêm yết trên sàn HOSE chậm nhất vào năm 2020.

Được biết, Vietbank đạt 263 tỷ đồng lãi trước thuế, gấp gần 4 lần so với con số năm 2016, qua đó bù hết các khoản lỗ lũy kế từ những năm trước.

Kết thúc nửa đầu năm 2018, Vietbank đạt 201 tỷ đồng lãi trước thuế, gấp hơn 3 lần cùng kỳ năm 2017 và hoàn thành 67% kế hoạch cả năm. 

Không dễ thực thi

Nghị quyết ĐHCĐ thường niên 2018 của VietABank đã thông qua 2 phương án tăng vốn từ 3.500 tỷ đồng lên 4.200 tỷ đồng trong năm nay: Phương án 1, phát hành 35 triệu cổ phiếu trả cổ tức 10% và phát hành riêng lẻ 35 triệu cổ phần; phương án 2, phát hành riêng lẻ 70 triệu cổ phần cho nhà đầu tư.

 Mục tiêu tăng vốn lên 4.200 tỷ đồng của VietABank đã được ĐHCĐ thường niên các năm 2016 và 2017 thông qua, song vì nhiều nguyên nhân mà chưa thực hiện được

Mục tiêu tăng vốn lên 4.200 tỷ đồng cùng phương án đầu tiên đã được ĐHCĐ thường niên các năm 2016 và 2017 thông qua, song vì nhiều nguyên nhân mà chưa thực hiện được.

Bởi vậy, việc đưa ra phương án 2 cho thấy quyết tâm của VietABank nhằm tăng cường nguồn lực cho Ngân hàng, nhưng việc thực thi được hay không vẫn là câu hỏi ngỏ.

Từ đầu năm 2017 đến nay, thị trường tài chính - ngân hàng dần khởi sắc giúp lợi nhuận của các ngân hàng gia tăng, từ đó tác động tích cực lên cổ phiếu “vua”, nên không ít ngân hàng nhỏ muốn tranh thủ cơ hội để phát hành cổ phiếu tăng vốn, đáp ứng chuẩn Basel II.

Nhưng thực tế, không chỉ VietABank, nhiều ngân hàng nhỏ khác cũng gặp khó khăn trong việc tăng vốn khi kế hoạch tăng vốn bị đình trệ nhiều năm như Saigonbank muốn tăng từ 3.080 lên 4.080 tỷ đồng, VietCapital Bank tăng từ 3.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng, BaoVietBank tăng từ 3.000 tỷ đồng lên 5.200 tỷ đồng, tương tự là kế hoạch tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng của Nam A Bank hay NCB ...

Theo giới quan sát, để tăng được vốn trong bối cảnh hiện nay là điều không dễ đối với ngân hàng nhỏ, khi mà cổ phiếu ngân hàng đang ngày càng phân hóa, những ngân hàng nhỏ có thị giá cổ phiếu quá thấp sẽ khó nhận được sự chú ý của nhà đầu tư.

Trong thời gian tới, khoảng cách về vốn của nhiều ngân hàng nhỏ và các ngân hàng tầm trung như VIB, LienVietPostBank... có thể sẽ ngày càng nới rộng, chứ chưa nói đến việc đặt cạnh các "ông lớn". Nếu không có chiến lược kinh doanh nổi bật thì các ngân hàng nhỏ sẽ khó đuổi kịp, thậm chí bị thâu tóm do chậm trễ tăng vốn.

Tin bài liên quan