Ngân hàng nhỏ: tăng vốn thế nào với vô vàn rào cản?

Ngân hàng nhỏ: tăng vốn thế nào với vô vàn rào cản?

(ĐTCK) Sau nhiều năm tăng vốn không thành, một lần nữa các nhà băng nhỏ lại khởi động kế hoạch này, với dự kiến hoàn thành trước mùa ĐHCĐ thường niên diễn ra. Nhưng mục tiêu đó liệu có đạt được trong bối cảnh thị trường đầy rẫy khó khăn?

Ông Trần Ngô Phúc Vũ, Tổng giám đốc NamA Bank cho biết, năm nay, Ngân hàng sẽ triển khai kế hoạch nâng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 3.700 tỷ đồng.

Theo ông Vũ, sở dĩ NamA Bank chưa thể triển khai kế hoạch tăng vốn lên 3.700 tỷ đồng như kế hoạch xây dựng là do điều kiện thị trường chưa cho phép. Bởi đi kèm với việc tăng vốn là vấn đề làm sao sử dụng được đồng vốn hiệu quả sau khi tăng, nhất là trong bối cảnh tín dụng khó tăng như hiện nay.

Do đó, áp lực đối với việc tăng vốn đã lớn, nhưng áp lực sinh lời của đồng vốn tăng thêm còn lớn hơn, đòi hỏi Ngân hàng cần có sự tính toán kỹ.

Một nguồn tin đáng tin cậy cho hay, sau Tết Nguyên đán, VietA Bank sẽ tăng vốn điều lệ thêm khoảng 500 tỷ đồng. Hiện vốn điều lệ của VietA Bank vẫn ở mức hơn 3.000 tỷ đồng.

Trước đó, tại kỳ ĐHCĐ thường niên 2013, VietA Bank đã trình cổ đông thông qua mức vốn tăng thêm gần 2.000 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ của Ngân hàng lên 5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, do cổ đông lớn của VietA Bank là SJC phải thực hiện việc thoái vốn theo quy định của Chính phủ đối với tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư ngoài ngành, kế hoạch này của VietA Bank đã được điều chỉnh xuống 500 tỷ đồng, nhưng liệu với kế hoạch đã được điều chỉnh xuống, ngân hàng này có hoàn tất được như dự kiến?

Thực tế, trong 3 năm qua, VietA Bank không thể thực hiện tăng vốn. Thị trường khó khăn, chứng khoán giảm, kéo cổ phiếu ngân hàng đi xuống, NĐT không còn mặn mà với những cổ phiếu từng một thời được xem là “vua” này.

Bước sang năm 2014, dù chứng khoán được dự đoán sẽ là kênh đầu tư hấp dẫn, nhưng áp lực tái cơ cấu đang làm tăng nhiệt làn sóng M&A ngành ngân hàng, nên việc bỏ vốn vào cổ phiếu ngân hàng, nhất là với những nhà băng nhỏ sẽ được NĐT thận trọng hơn. Hiện tại cổ phiếu của VietA Bank giao dịch trên thị trường OTC cũng không còn giữ được mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, VietA Bank không phải là trường hợp duy nhất, tình hình khó khăn chung của thị trường, cộng với áp lực tái cấu trúc ngành, khiến việc tăng vốn của các ngân hàng nhỏ rất khó có thể hoàn thành trong hơn 3 năm vừa qua.

Đơn cử tại Navibank, vốn điều lệ của Ngân hàng đến thời điểm này cũng chỉ mới đạt được mức quy định tối thiểu 3.000 tỷ đồng. Kỳ vọng huy động vốn qua TTCK, Navibank đã chính thức niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội (HNX) vào giữa tháng 9/2010.

Thế nhưng, kể từ thời điểm lên sàn đến nay, TTCK không mấy thuận lợi, giá cổ phiếu Navibank cũng không giữ được mệnh giá, kế hoạch tăng vốn vì thế “giậm chân tại chỗ”. Hơn nữa, với áp lực tái cơ cấu bắt buộc của Chính phủ và NHNN, Navibank đã có công văn gửi UBCK xin được hủy niêm yết.

Hai năm qua, lợi nhuận của Navibank sụt giảm mạnh, thậm chí trong năm 2013, đã có thời điểm vốn điều lệ của Navibank bị kéo xuống dưới 3.000 tỷ đồng, do phải trích lập dự phòng nợ xấu cao. Cuối quý III/2013, nợ xấu của Navibank xấp xỉ 8%, trong đó nợ có khả năng mất vốn chiếm tỷ lệ cao. Vì thế, lợi nhuận sau trích lập của Ngân hàng 9 tháng đầu năm 2013 vỏn vẹn 9 tỷ đồng.

Hiện Navibank đang trong quá trình tự tái cơ cấu và lên kế hoạch đổi tên thành Ngân hàng TMCP Dân Quốc, nhưng trước áp lực thoái vốn của các cổ đông lớn, nhà băng này cũng có kế hoạch hút thêm vốn từ cổ đông nước ngoài để nâng cao năng lực tài chính, nhằm đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc.

Tuy nhiên, theo đánh giá của một lãnh đạo trong lĩnh vực tài chính - chứng khoán, để thực hiện được điều này, không phải là điều đơn giản, bởi với NĐT chiến lược nước ngoài, trước khi quyết định bỏ vốn vào một ngân hàng trong nước, họ sẽ xem xét đến nội lực cũng như chiến lược phát triển trong thời gian tới ra sao. Trong khi, Navibank đang phải tái cấu trúc bắt buộc.

Do đó, trước mắt, đòi hỏi Navibank phải tái cơ cấu để củng cố nội lực. Điều này cũng đang được SCB thực hiện trước khi lên kế hoạch bán cổ phần cho NĐT nước ngoài.

Trong khi đó, nhiều nhà băng nhỏ khác cũng đang ráo riết đẩy mạnh thu hút vốn ngoại, nhằm đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc, nhất là khi “room” dành cho cổ đông nước ngoài tại ngân hàng Việt Nam vừa được nới thêm 5% (nhưng mức tối đa vẫn 30%). GP.Bank là điển hình khi có ý định bán “đứt” 100% vốn cho một đối tái chiến lược nước ngoài, theo thông tin được tiết lộ ban đầu đó là Tập đoàn UOB của Singapore.

Việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng, nhất là với các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ là điều kiện cần thiết để nâng cao năng lực trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh gay gắt. Tuy nhiên, để thực hiện được kế hoạch này khi thị trường vẫn còn nhiều khó khăn, chứng khoán giảm và áp lực tái cơ cấu ngành không phải là điều dễ dàng.

Tin bài liên quan