Ngân hàng nhỏ: Khoan nghĩ đến lợi nhuận

Ngân hàng nhỏ: Khoan nghĩ đến lợi nhuận

(ĐTCK) Mặc dù nợ xấu đã từng bước được xử lý, nhất là từ khi VAMC đi vào hoạt động, tuy nhiên, lợi nhuận vẫn chưa phải là mục tiêu được ưu tiên của các ngân hàng nhỏ vào lúc này.

Ngân hàng nhỏ: Khoan nghĩ đến lợi nhuận ảnh 1Mục tiêu của Southern Bank năm nay là giảm tỷ lệ nợ xấu còn 5%

 

Tại NamA Bank, lợi nhuận trước thuế hai quý đầu năm nay chỉ đạt hơn 50,6 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính là trích lập dự phòng rủi ro cao. Theo báo cáo bán niên năm 2013, tổng chi phí dự phòng mà NamA Bank trích lập đã tăng gấp đôi so cùng kỳ, lên trên 40,2 tỷ đồng. Với tình hình trên, mục tiêu 400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế mà NamA Bank đưa ra cho năm nay hầu như đã vượt khỏi tầm tay của Ngân hàng, cho dù “room” tín dụng đã được NHNN chấp thuận tăng lên mức 30%.

Qua trao đổi với phóng viên Đầu tư Chứng khoán, ông Trần Ngô Phúc Vũ, Tổng giám đốc NamA Bank cho biết, trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, Ngân hàng rất khó đạt được mục tiêu lợi nhuận đề ra đầu năm. Theo ông Vũ, tín dụng vẫn là hoạt động đem lại nguồn thu chính cho Ngân hàng, nhưng khó khăn kinh tế đang đặt áp lực lớn lên lĩnh vực này.

“Cho dù ‘room’ tín dụng năm nay của NamA Bank đã được phép nâng lên 30%, nhưng vì quy mô Ngân hàng còn nhỏ, nên con số tuyệt đối về tăng trưởng dư nợ của Ngân hàng khá thấp”, ông Vũ nói và cho biết, Ban lãnh đạo, điều hành cũng như toàn thể CBNV NamA Bank sẽ nỗ lực tối đa để có kết quả tốt nhất, nhưng cũng cần sự chia sẻ từ các cổ đông.

Đồng quan điểm, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Phó tổng giám đốc Ngân hàng SCB cũng cho rằng, mục tiêu của SCB trong giai đoạn tái cơ cấu là xử lý nợ xấu và trong năm nay sẽ là 3%. Vì thế, theo ông Văn, SCB không đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu mà tập trung nguồn lực để xử lý nợ xấu.

Được biết, năm ngoái, SCB đạt 82 tỷ đồng lợi nhuận. Năm nay, lợi nhuận trước thuế kế hoạch của Ngân hàng là 386 tỷ đồng.

Nhìn sang Southern Bank, báo cáo tài chính hợp nhất của Ngân hàng cho biết, 6 tháng đầu năm nay lợi nhuận trước thuế đạt 228 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, điều đó không nói lên tình hình kinh doanh của Ngân hàng có chiều hướng sáng sủa hơn. Sở dĩ lợi nhuận nửa đầu năm nay cao hơn nhiều lần so với cùng kỳ năm ngoái là do kết quả nửa đầu năm ngoái quá thấp, sau khi bị trích lập dự phòng lớn. Trên thực tế, tín dụng đến 30/6/2013 vẫn tăng trưởng âm, giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến cuối quý II/2013, Southern Bank có gần 1.200 tỷ đồng nợ xấu và nhà băng này đang làm việc với VAMC để bán nợ.

Southern Bank đặt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm nay ở mức 560 tỷ đồng, tăng đến 256% so với mức thực hiện của năm 2012. Mục tiêu này đang là thách thức lớn khi 2 quý đầu năm chưa đạt phân nửa.

Trong năm qua, lợi nhuận trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của Southern Bank đạt 596 tỷ đồng. Tuy nhiên, do phải trích lập dự phòng tín dụng cao, lên đến hơn 474 tỷ đồng, khiến lợi nhuận sau trích lập dự phòng Southern Bank còn hơn 121 tỷ đồng, giảm hơn 50% so với năm 2011 và giảm gần 90% so với kế hoạch.

Mục tiêu về nợ xấu của Southern Bank trong năm nay cũng ở mức khá cao 5%, thay vì 3% của năm trước khiến không ít cổ đông thắc mắc. Tổng giám đốc Southern Bank, ông Nguyễn Văn Nhân lý giải, do tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp còn tồn kho cao, hoạt động kinh doanh kém hiệu quả, nên Ngân hàng phải đưa ra mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu ở mức cao hơn năm trước.

Nợ xấu vẫn là mối đe dọa lớn nhất đối với lợi nhuận của các nhà băng, nhất là với những ngân hàng quy mô nhỏ, yếu kém. Mặt khác, mặc dù hoạt động cho vay của các ngân hàng có phần cải thiện so với đầu năm, nhưng biên lợi nhuận lại bị thu hẹp.

Thực tế kết quả kinh doanh của không ít nhà băng sau hơn 9 tháng đầu năm cũng cho thấy, thu nhập lãi thuần từ hoạt động tín dụng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, kể cả với các nhà băng lớn như Vietcombank, Eximbank, VietinBank…

Lãnh đạo các nhà băng lớn thừa nhận, để hoàn tất được chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm nay là điều hết sức khó khăn với cả không ít ngân hàng lớn, nói gì các nhà băng nhỏ.