Ngân hàng nhỏ khó đạt 50% chỉ tiêu lợi nhuận năm nay

Ngân hàng nhỏ khó đạt 50% chỉ tiêu lợi nhuận năm nay

(ĐTCK) Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tiền tệ, khác với mọi năm, cuối năm nay, các ngân hàng khó có thể được hoàn nhập khoản trích lập dự phòng, bởi nợ xấu đang có xu hướng tăng lên. Đáng chú ý, ở các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ, lợi nhuận khó đạt 50% kế hoạch đưa ra.

Ngân hàng nhỏ khó đạt 50% chỉ tiêu lợi nhuận năm nay ảnh 1Hầu hết ngân hàng đều có lợi nhuận 9 tháng đầu năm giảm mạnh so với cùng kỳ

 

Lợi nhuận giảm mạnh

Báo cáo tài chính quý III của các NHTM cổ phần cho thấy, ngoại trừ Vietinbank, các ngân hàng có sự sụt giảm lợi nhuận khá mạnh so với cùng kỳ, kéo theo lợi nhuận lũy kế 9 tháng giảm mạnh. Nguyên nhân là các nhà băng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu hoặc xử lý các khoản nợ liên quan đến vàng.

Tại KienLong Bank, quý III, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng đạt 151,29 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đạt 413,9 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ. Tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm 30/9 của Ngân hàng là 2,78%, tăng so với 2,77% cuối năm ngoái. Với tình hình kinh doanh không khả quan như mong đợi, KienLong Bank vừa điều chỉnh giảm chỉ tiêu kinh doanh năm 2012. Cụ thể, tổng tài sản từ 20.500 tỷ đồng giảm xuống còn 18.000 - 19.500 tỷ đồng, tương đương giảm 4,9 - 12,1%; lợi nhuận trước thuế giảm từ 650 tỷ đồng xuống 530 tỷ đồng (tương đương mức giảm 14,5%); tỷ lệ cổ tức được điều chỉnh xuống 10%, thay vì mức trên 12% đã đề ra trước đó. Song, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng lại được điều chỉnh tăng từ dưới 2% lên 3%.

Với Navibank, tăng trưởng tín dụng đến cuối quý III âm 3,58%, nhưng nợ xấu lại tăng từ 2,92% lên 3,97% vào cuối quý. Quý III, Ngân hàng phải trích lập khoản dự phòng rủi ro tín dụng hơn 6,2 tỷ đồng, đưa con số lũy kế 9 tháng lên 31 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế quý III chỉ đạt 6,57 tỷ đồng, giảm 87% cùng kỳ 2011, lũy kế 9 tháng đạt 98 tỷ đồng, giảm 33,5% so với cùng kỳ 2011. Trong khi đó, chỉ tiêu lợi nhuận Navibank đặt ra cho cả năm 2012 là 300 tỷ đồng, tăng 60 tỷ đồng so với năm trước.

Trong bối cảnh hiện nay, việc đạt được kế hoạch lợi nhuận cả năm đối với nhiều ngân hàng, theo ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB là điều rất khó, bởi tín dụng tăng trưởng chậm song nợ xấu lại tăng nhanh, khả năng trả nợ của khách hàng yếu dần.

Bản thân OCB xây dựng chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế cho cả năm nay hơn 500 tỷ đồng, nhưng theo ông Tuấn, nếu tình hình nợ xấu từ nay đến cuối năm khó giảm, buộc ngân hàng phải trích lập dự phòng đủ thì sẽ khó đạt kế hoạch lợi nhuận đề ra.  

Tình hình lợi nhuận tại DaiA Bank cũng không khả quan hơn các ngân hàng trong nhóm quy mô vừa và nhỏ. Quý III, DaiA Bank chỉ đạt lợi nhuận 61 tỷ đồng, bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước, kéo lợi nhuận 9 tháng giảm 21% so cùng kỳ, đạt 225,4 tỷ đồng. So với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế được đưa ra hồi đầu năm (610 tỷ đồng), đến thời điểm này, Ngân hàng vẫn chưa đạt được 50% kế hoạch. Theo một lãnh đạo cấp cao của DaiA Bank, sở dĩ lợi nhuận có phần sụt giảm so với cùng kỳ là do tỷ lệ nợ xấu tăng khiến Ngân hàng phải gia tăng khoản trích lập dự phòng rủi ro.

Đánh giá về tình hình lợi nhuận năm nay, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP. HCM cho rằng, các ngân hàng khó có thể đạt chỉ tiêu lợi nhuận đề ra cho năm nay. Bởi tình hình thị trường khó khăn các ngân hàng phải đảm bảo rủi ro nên khó đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, trong khi đây lại là mảng kinh doanh chính.

“Lợi nhuận của các ngân hàng trên địa bàn Thành phố năm nay khả năng chỉ có thể đạt được khoảng 27 – 30% so với cả năm trước”, ông Minh nói.

 

Khó tránh sáp nhập?

Ngay từ đầu năm 2012, tại cuộc họp ĐHCĐ, HĐQT Navibank cho biết, để có thể thực hiện mục tiêu lợi nhuận đề ra, Ngân hàng sẽ phấn đấu hoàn thành kế hoạch tăng trưởng huy động và cho vay (ở mức 15%). Thế nhưng, trước diễn biến xấu của thị trường, hoạt động tín dụng khó có thể kích thích nên Navibank khó đạt 50% chỉ tiêu lợi nhuận. Thậm chí, theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, Navibank là một trong những nhà băng nằm trong danh sách báo cáo lãi, nhưng sau khi thanh tra làm rõ thực tế là lỗ.

Navibank cũng là một trong 4 ngân hàng cổ phần thuộc diện phải tái cơ cấu theo yêu cầu của Chính phủ và NHNN trong thời gian từ nay đến cuối năm 2012. Vì thế, áp lực đối với Navibank rất lớn và theo giới phân tích trong lĩnh vực tài chính, nếu không thể tự tái cơ cấu thì Ngân hàng khó tránh khỏi việc bắt buộc phải sáp nhập hoặc hợp nhất với một ngân hàng khác.  

Trong bối cảnh hoạt động ngân hàng nhiều áp lực và rủi ro thì với mạng nhện sở hữu giữa ACB với KienLongBank, DaiABank, Eximbank, VietABank… và những tồn tại của DaiABank sau thời hậu thuẫn của ACB được giới phân tích cho rằng, chính là yếu tố để ngân hàng DaiABank bắt đầu tái cấu trúc.

Trên thị trường thời gian qua rộ lên những thông tin đồn đoán về khả năng DaiA Bank sẽ sáp nhập với HDBank, song Chủ tịch HĐQT Quách Văn Đức cho biết, thời gian gần đây, có nhiều tổ chức tín dụng trong và ngoài nước đặt vấn đề hợp tác với DaiABank theo các phương thức hợp nhất hoặc sáp nhập, nhưng cho đến nay, HĐQT Ngân hàng vẫn đang xem xét và chưa có quyết định.

Với chủ trương thực hiện đề án tái cấu trúc ngành đã được Chính phủ phê duyệt, NHNN đã và đang trong quá trình tiến hành xử lý các nhà băng yếu kém nằm trong danh sách kiểm soát đặc biệt. Sáp nhập, hợp nhất (M&A) là hình thức được sử dụng trong quá trình tái cơ cấu, nhằm cải tổ sâu sắc đối với lĩnh vực ngân hàng. Tuy nhiên, việc tái cơ cấu của ngành ngân hàng hiện chỉ dừng lại ở giai đoạn đầu, ổn định thanh khoản cho các ngân hàng nhỏ, yếu kém.