Ngân hàng nhỏ chật vật tăng vốn

Ngân hàng nhỏ chật vật tăng vốn

(ĐTCK) Không ít nhà băng nhỏ tiếp tục lên kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm 2013, cho dù trước đó phải hoãn nhiều lần. Trong bối cảnh TTCK tiếp tục khó khăn, việc tăng vốn của các ngân hàng nhỏ là không dễ.

Ngân hàng nhỏ chật vật tăng vốn ảnh 1VietA Bank dự kiến trình cổ đông kế hoạch tăng vốn lên 3.500 tỷ đồng

 

Nỗ lực tăng vốn

VietA Bank cho biết, Ngân hàng sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ hơn 3.000 tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng tại kỳ ĐHCĐ diễn ra vào 26/4 tới. Theo đó, VietA Bank sẽ phát hành trên 11 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, đối tác chiến lược; phần còn lại sẽ được phát hành cho cổ đông hiện hữu từ lợi nhuận sau thuế để chia cổ tức trên 12,3 triệu cổ phiếu, phát hành cho cổ đông hiện hữu từ thặng dư vốn cổ phần trên 10,5 triệu cổ phiếu, cộng với hơn 6 triệu cổ phiếu từ quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ. Giá phát hành bằng với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Mục đích của việc tăng vốn lần này là để đáp ứng các yêu cầu kinh doanh, nâng cao quy mô và chất lượng tài sản sinh lời, tăng năng lực cạnh tranh. Thời gian thực hiện dự kiến vào quý III hoặc quý IV năm nay. Tuy nhiên, HĐQT VietA Bank cho biết, nếu hết năm 2013, kế hoạch này chưa được thực hiện, VietABank sẽ xin gia hạn  thời gian thực hiện tăng vốn điều lệ. Trên thực tế, kế hoạch tăng vốn này cũng đã được VietA Bank xây dựng từ năm trước, song do tình hình thị trường khó khăn nên đã được Ngân hàng hoãn lại.

Trong năm 2013, Southern Bank cũng lên kế hoạch nâng vốn điều lệ từ mức 4.000 tỷ đồng lên 4.500 tỷ đồng. Nguồn vốn tăng thêm được Southern Bank dành cho cổ đông hiện hữu, với giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu. Ngoài ra, Southern Bank trình cổ đông kế hoạch niêm yết cổ phiếu trong năm 2013. Kế hoạch này cũng được HĐQT Southern Bank trình cổ đông và được thông qua trong kỳ ĐHCĐ năm ngoái, nhưng chưa thực hiện được do TTCK suy giảm.

Hiện Southern Bank đã có cổ đông chiến lược nước ngoài là Tập đoàn tài chính UOB của Singapore . Tuy nhiên, tỷ lệ nắm giữ cổ phần tại Southern Bank của UOB đã đạt giới hạn 20% theo quy định. Vì thế, trong kế hoạch tăng vốn năm nay, Southern Bank không thể kỳ vọng vào đối tác chiến lược nước ngoài mà chỉ phát hành cho cổ đông hiện hữu, giá bằng mệnh giá.

ĐHCĐ NamA Bank diễn ra ngày 29/3, HĐQT Ngân hàng tiếp tục trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ trong năm 2013. Theo bà Nguyễn Thị Xuân Loan, Chủ tịch HĐQT NamA Bank, năm nay, Ngân hàng tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức phù hợp với quy mô, sự phát triển của NamA Bank trong giai đoạn mới, tăng năng lực tài chính thông qua việc tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 3.700 - 4.000 tỷ đồng. Cổ đông hiện hữu của NamA Bank muốn HĐQT Ngân hàng thu hút thêm vốn từ nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Tuy nhiên, trước bối cảnh TTCK chưa thể hồi phục và giá cổ phiếu ngân hàng vẫn xu hướng lình xình khiến cổ đông chiến lược của các ngân hàng mất hào hứng với việc “rót” thêm tiền mua cổ phiếu, dù giá được ưu đãi.

Trên thực tế, không phải đến năm 2013, các nhà băng nhỏ mới lên kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn, mà 2 năm trước kế hoạch này đã được xây dựng. Tuy nhiên, khi TTCK sụt giảm, nhiều cổ phiếu xuống dưới mệnh giá, thì việc phát hành cổ phiếu với giá bằng mệnh giá không hẳn hấp dẫn được cổ đông.

 

… và áp lực lợi nhuận

Tăng vốn đồng nghĩa với việc các ngân hàng sẽ phải đứng trước áp lực tăng trưởng lợi nhuận so với năm trước. Với các quy định khắt khe về việc mở rộng mạng lưới hoạt động hiện nay của NHNN cũng như việc tín dụng tiếp tục khó tăng trưởng thì tăng trưởng lợi nhuận đây là áp lực không nhỏ với lãnh đạo các ngân hàng.

Thực tế, lợi nhuận của các ngân hàng nhỏ đã sụt giảm mạnh trong 2 năm gần đây khi nợ xấu tăng cao. Vì thế, theo đánh giá của một cố vấn cấp cao ngành ngân hàng, nếu sử dụng đồng vốn tăng thêm không chặt chẽ và thiếu sự giám sát, ngân hàng sẽ rơi vào tình trạng nợ xấu tăng và khó tránh việc ăn thâm vào vốn điều lệ. Chẳng hạn, tại Southern Bank, năm qua, ngân hàng này đã tăng vốn điều lệ từ mức hơn 3.200 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng, nhưng kết quả lợi nhuận cũng chỉ đạt 20% kế hoạch lợi nhuận đưa ra, với 121 tỷ đồng.

Với VietA Bank, năm 2012, ngân hàng này đạt 211,4 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế; cổ tức dự kiến chia 4%. Với kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 500 tỷ đồng, Ngân hàng đưa ra mức lợi nhuận kế hoạch 311 tỷ đồng; cổ tức dự kiến 6%.

Nam A Bank năm 2012 đạt gần 241,5 tỷ đồng lợi nhuận (trên chỉ tiêu 600 tỷ đồng), trong đó, đóng góp chủ yếu vào lợi nhuận đến từ tín dụng. Với mục tiêu lợi nhuận trước thuế đưa ra cho năm 2013 của NamA Bank ở mức 400 tỷ đồng, không ít cổ đông của Ngân hàng đã tỏ ra lo ngại, liệu có thực hiện được hay tiếp tục điều chỉnh như năm qua.