Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2016 diễn ra cuối tuần qua tại Hà Nội không chỉ tổng kết hoạt động của riêng năm 2015, mà cả giai đoạn 2011 - 2015, từ đó đề ra định hướng cho giai đoạn 2016 - 2020 của toàn hệ thống.
Nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhận diện.
Đối mặt thách thức
Giai đoạn 2011 - 2014, tín dụng tăng bình quân khoảng 13,6%/năm, năm 2015 ước tăng 18%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 33,3%/năm của giai đoạn 2006 - 2010, nhưng vẫn hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế đạt trên 6,5% trong năm 2015 (giai đoạn 2011 - 2015 bình quân tăng 5,9%) cho thấy, chất lượng và hiệu quả tín dụng đã được nâng cao đáng kể.
“Nhưng tình hình tín dụng trung, dài hạn có xu hướng tăng nhanh từ năm 2014, với mức tăng cao hơn so với mức tăng trưởng tín dụng ngắn hạn, cho thấy hệ thống đứng trước rủi ro thanh khoản và chênh lệch kỳ hạn”, tổng giám đốc một ngân hàng nhận định.
Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, mặt bằng lãi suất thị trường đã giảm nhanh và mạnh, nhưng việc tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ sản xuất - kinh doanh theo chủ trương của Chính phủ không thể chủ quan với diễn biến lạm phát.
Trong năm 2016, các yếu tố hỗ trợ kiểm soát lạm phát không còn thuận lợi như các năm trước do việc điều chỉnh tăng giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý bước vào lộ trình mới và có thể tăng mạnh, trong bối cảnh cầu nội địa đang phục hồi tốt.
Vị tổng giám đốc trên cho rằng, thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) khó khăn hơn do tăng trưởng tín dụng nhanh hơn huy động vốn từ năm 2015, gây áp lực lên mặt bằng lãi suất thị trường. Do đó, điều hành lãi suất của NHNN trong năm 2016 là không dễ dàng.
Bên cạnh đó, năm 2016, thị trường tài chính thế giới được dự báo chuyển sang một giai đoạn mới, với nhiều diễn biến phức tạp, khi các ngân hàng trung ương, NĐT điều chỉnh chiến lược để bắt nhịp với việc USD lên giá, cơ chế điều hành tỷ giá mới của Trung Quốc khiến đồng nhân dân tệ biến động mạnh hơn… Những thay đổi này sẽ tạo ra thách thức mới, đòi hỏi cơ chế điều hành tỷ giá cần linh hoạt hơn, bám sát diễn biến thị trường tài chính quốc tế và trong nước.
“Sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và tài khóa cũng như các chính sách khác mặc dù đã có sự cải thiện nhưng vẫn chưa nhịp nhàng hơn trong các năm tới, trong đó việc huy động trái phiếu chính phủ bù đắp cho ngân sách cần được thực hiện phù hợp để không tạo áp lực lên lãi suất thị trường, ảnh hướng cân đối vốn của các tổ chức tín dụng, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, và không làm gia tăng gánh nặng chi phí vốn đối với các doanh nghiệp”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nói.
Đáng chú ý, dù đã ngăn chặn được đổ vỡ và ổn định được tình hình của các tổ chức tín dụng yếu kém, nhưng để xử lý dứt điểm các yếu kém cũng như nợ xấu, cần phải có thêm thời gian, sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách, nguồn lực của Nhà nước, sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, địa phương.
Bên cạnh đó, việc tăng vốn điều lệ của nhiều tổ chức tín dụng chưa đạt mục tiêu trong bối cảnh thị trường tài chính khó khăn, ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, nguồn lực tài chính của NĐT trong nước hạn chế và NĐT nước ngoài chưa thực sự sẵn sàng tham gia. Các giải pháp tái cơ cấu, xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng chủ yếu dựa vào nguồn lực tự có, tổ chức tín dụng phải gánh chịu toàn bộ tổn thất, rủi ro phát sinh, dẫn đến hạn chế khả năng cải thiện nhanh năng lực tài chính và vốn tự có.
Nợ xấu đã được xử lý được một bước quan trọng, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng. Nợ xấu đang tập trung chủ yếu ở các tổ chức tín dụng yếu kém, tuy nhiên, chưa thể xử lý nhanh do nhiều khoản nợ liên quan đến vụ án, hồ sơ pháp lý chưa hoàn chỉnh và khả năng trích lập dự phòng rủi ro của các tổ chức tín dụng này còn nhiều hạn chế.
Trong khi đó, tiến độ thoái vốn đầu tư của DNNN trong lĩnh vực ngân hàng chậm; cơ cấu lại một số tổ chức tín dụng phi ngân hàng yếu kém thuộc tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa đạt được kế hoạch do việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng phi ngân hàng yếu kém phải gắn với đề án cơ cấu lại tổng thể của tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Những điểm cần chú ý
Tại hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình chia sẻ, trong nền kinh tế thị trường ngày càng hội nhập sâu thì vai trò, ý nghĩa của hệ thống ngân hàng ngày càng trở nên quan trọng. Vấn đề đặt ra là thấy trước được khó khăn, thách thức, từ đó có dự báo, hoạch định chính sách phù hợp, tổ chức triển khai hiệu quả.
Trong quá trình tổ chức, triển khai có thể còn nhiều khó khăn, thách thức từ bên ngoài và nội tại, từ dư luận xã hội, nhưng nếu không kiên định, bền gan, mà chao đảo, hay chỉ vì những cái “êm ái” trước mắt thì sẽ mất đi cả lộ trình lâu dài, không những của ngành, mà còn của cả nền kinh tế.
“Điều hành hệ thống ngân hàng, chính sách tiền tệ nói riêng và kinh tế vĩ mô nói chung không thể duy ý chí, mà cần điều hành bài bản. Nếu làm tốt và kiên định sẽ giúp hệ thống ngân hàng được củng cố, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô”, Thống đốc nói.
Hướng tới hệ thống ngân hàng phát triển ổn định và minh bạch, đồng thời có vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế, TS. Nguyễn Phi Lân, Phó vụ trưởng Vụ Giám sát ngân hàng, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN đề xuất một số điểm cần chú ý với các nhà hoạch định chính sách.
Thứ nhất, việc thực thi chính sách tiền tệ nói chung cũng như việc sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ cần được hướng vào mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Bên cạnh đó, việc đảm bảo sự giám sát và điều tiết thị trường tiền tệ đúng lúc, công bằng và minh bạch có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển và ổn định của khu vực ngân hàng trong trung và dài hạn.
Thứ hai, chính sách lãi suất cần hướng tới sự ổn định và phát triển thị trường tiền tệ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động ngân hàng và sự phân bố có hiệu quả các nguồn vốn trong nền kinh tế.
Thứ ba, để huy động tối đa các nguồn lực tài chính và phân bổ các nguồn lực tài chính thông qua các NHTM và tổ chức tín dụng hiệu quả, việc tuyên truyền và cung cấp thông tin cho công chúng hiểu đúng về vai trò của hệ thống ngân hàng trong phát triển kinh tế cũng như tạo niềm tin trong công chúng về mức độ an toàn đối với tiền gửi tiết kiệm tại các NHTM là hết sức cần thiết.
Thứ tư, duy trì quy mô hệ thống ngân hàng ở một mức độ phù hợp để đảm bảo việc thực hiện tốt chính sách tiền tệ quốc gia một cách hiệu quả và ổn định. Duy trì thị trường tín dụng ổn định, cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng giữa các tổ chức tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và cá nhân tiếp cận các dịch vụ tài chính.
Thứ năm, đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống ngân hàng một cách toàn diện, đặc biệt cải cách cần được thực hiện đồng thời trong các lĩnh vực như: quản trị, kế toán và kiểm soát nội bộ, khuôn khổ pháp lý… Ngoài ra, công tác quản lý rủi ro cần được quan tâm và đầu tư phát triển đúng mức trong các tổ chức tín dụng để đảm bảo một hệ thống ngân hàng hoạt động lành mạnh và an toàn.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhận định: “Trước mắt còn nhiều khó khăn, nhưng cả nhiệm kỳ tới, chúng ta sẽ tự tin hơn và cũng có nhiều thuận lợi do được kế thừa các bài học, kinh nghiệm điều hành của giai đoạn trước”.