Theo NHNN, trong 6 tháng đầu năm, thanh khoản VND của toàn hệ thống tiếp tục được đảm bảo, có dư thừa, hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) ổn định, thị trường tiền tệ vận hành ổn định và thông suốt.
Cụ thể, các TCTD đảm bảo dự trữ bắt buộc theo quy định của NHNN, dự phòng khả năng chi trả tốt, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thanh toán cho doanh nghiệp và người dân; tỷ lệ tín dụng/huy động vốn bằng VND tiếp tục giảm từ mức 92,5% cuối 2013 xuống 87,4%; thị trường liên ngân hàng thông suốt, lãi suất trên thị trường nội tệ liên ngân hàng ổn định ở mức thấp.
Tỷ giá và thị trường ngoại tệ và tỷ giá về cơ bản ổn định nhờ các giải pháp điều hành nhất quán, kết hợp đồng bộ giữa chính sách tỷ giá, lãi suất và các công cụ chính sách tiền tệ, quản lý ngoại hối và công tác truyền thông. Sau điều chỉnh tỷ giá của NHNN, tỷ giá giao dịch trên thị trường liên ngân hàng đã dần ổn định trên mặt bằng giá mới nhưng mặt bằng này vẫn thấp hơn so với mức trần quy định, thanh khoản thị trường vẫn được duy trì như trong những tháng đầu năm.
“Nhờ tỷ giá ổn định, NHNN tiếp tục mua được ngoại tệ để nâng dự trữ ngoại hối Nhà nước lên mức kỷ lục. Tình trạng đôla hóa tiếp tục giảm (đến cuối tháng 6/2014, tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán khoảng 11,4%, giảm so với mức khoảng 12,4% vào cuối năm 2012-2013)”, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN chia sẻ.
Đến cuối tháng 6/2014, tín dụng tăng 3,52% so với cuối năm 2013, trong đó có sự đóng góp từ việc tăng trưởng tín dụng ngoại tệ cao (tín dụng ngoại tệ tăng 12,03%, tín dụng bằng VND tăng 2,17%). Tín dụng tăng thấp nguyên nhân chủ yếu là do tính quy luật tín dụng thường tăng thấp trong những tháng đầu năm, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn còn yếu, tình trạng nợ đọng ngân sách, vướng mắc trong xử lý tài sản đảm bảo chưa được xử lý dứt điểm, cơ chế bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn chưa được đẩy mạnh.
NHNN cũng nhận định, tín dụng cho nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2014 vẫn tăng thấp so với cùng kỳ năm ngoái và thấp so với chỉ tiêu định hướng cả năm 2014. Để lưu thông dòng vốn tín dụng, thời gian tới đòi hỏi cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp chính sách vĩ mô để tháo gỡ những nút thắt quan trọng như xử lý nợ xấu, tăng tổng cầu, hỗ trợ thị trường, tiêu thụ sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp, giải quyết dứt điểm nợ đọng của ngân sách, xử lý các vướng mắc liên quan đến tài sản bảo đảm...
”Tập trung triển khai các giải pháp tín dụng để phấn đấu đạt được mục tiêu tín dụng cả năm 2014 là 12-14%, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, đáp ứng vốn cho nền kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong những tháng cuối năm”, bà Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.