Ngân hàng Nhà nước phát tín hiệu kiểm soát dòng tín dụng đi sai hướng

Ngân hàng Nhà nước phát tín hiệu kiểm soát dòng tín dụng đi sai hướng

(ĐTCK) Việc Chính phủ đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có kế hoạch, lộ trình đảm bảo tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 21 - 22% từng làm dấy lên lo ngại về lạm phát, gây rủi ro cho kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, các số liệu hiện tại cho thấy, tăng trưởng tín dụng không có gì bất thường và đang hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế bền vững.

Kiểm soát chặt vốn vay trung dài hạn

Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, không khó để đạt mức tăng trưởng tín dụng đến 22%, tuy nhiên cần lưu ý tác động của tín dụng. Thực tế, các tính toán cho thấy, 1% tăng trưởng tín dụng tác động đến tăng trưởng kinh tế chỉ bằng 1/5 tác động lên lạm phát.

Chưa kể, tăng trưởng tín dụng cao làm dấy lên lo ngại về nguy cơ dòng vốn chệch hướng sang chứng khoán, bất động sản, khiến năng lực doanh nghiệp không được cải thiện, trong khi nền kinh tế đối diện nhiều rủi ro tiềm ẩn.

Trong bối cảnh này, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, thời gian qua, NHNN đã kiểm soát rất chặt dòng tín dụng vào những lĩnh vực nhiều rủi ro, có khả năng gây bất ổn cho hoạt động của hệ thống ngân hàng, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản và một số dự án BOT.

Cụ thể, đối với BOT, tốc độ tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực này đang thấp hơn so với năm trước. Tỷ trọng tín dụng cho BOT ở mức rất thấp, chỉ chiếm khoảng 1,5% tổng dư nợ. Đối với lĩnh vực bất động sản, tốc độ cho vay cũng giảm so với năm ngoái.

10 tháng năm 2017, tốc độ tăng trưởng dư nợ chỉ khoảng 7,1% và tỷ trọng tín dụng cho vay bất động sản trên tổng dư nợ chỉ khoảng 6,5%. Các con số này năm 2016 lần lượt là hơn 10% và hơn 7%.

“Như vậy, cả tốc độ tăng trưởng và tỷ trọng cho vay bất động sản đều giảm. Bên cạnh đó, chúng ta đã kiểm soát được nhiều rủi ro, điều hướng nguồn vốn tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và những lĩnh vực ưu tiên”, ông Hưng cho biết.

Dù vậy, Thống đốc NHNN thừa nhận, các dự án BOT có nhu cầu vốn rất lớn và NHNN vừa yêu cầu các tổ chức tín dụng phải kiểm soát chặt hơn nữa dòng vốn cho các dự án này, cũng như bất động sản.

Theo đó, hệ thống ngân hàng có thể tiếp tục cung ứng vốn cho các dự án nếu phương án tài chính là khả thi và nhà đầu tư có năng lực thực sự. Đây là yếu tố then chốt trong việc cho vay các dự án BOT giao thông.

Đồng thời, việc kiểm soát tín dụng cho bất động sản được NHNN thực hiện bằng các tỷ lệ an toàn. “NHNN đã tăng hệ số rủi ro khi cho vay tín dụng bất động sản và giảm tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn. Đây là những công cụ quan trọng để kiểm soát được tốc độ tăng trưởng tín dụng vào những lĩnh vực rủi ro”, ông Hưng nhấn mạnh.

Chia sẻ quan điểm này, bà Nguyễn Thúy Hạnh, Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân PVcomBank cho biết, mỗi dự án bất động sản có phân khúc khách hàng khác nhau. Do vậy, khi cho vay, ngân hàng cần xác định các dự án phù hợp với phân khúc khách hàng và sản phẩm của mình.

“Tại PVcomBank, chúng tôi quan tâm đến yếu tố phát triển bền vững, do vậy, Ngân hàng hướng đến các dự án bất động sản phục vụ nhu cầu đời sống, phù hợp với mong muốn mua nhà để ở của mọi tầng lớp dân cư”, bà Hạnh nói.

Tăng trưởng tín dụng phù hợp với tăng trưởng kinh tế

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, GDP 9 tháng năm 2017 ước tính tăng 6,41% so với cùng kỳ năm trước; riêng quý III/2017 đã tăng 7,46%. Nếu trong quý IV, GDP tăng khoảng 7,5% thì mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2017 sẽ đạt được từ mức 6,5% đến 6,7%. Để đạt mục tiêu này, tăng trưởng tín dụng chỉ là "một trong những giải pháp".

Về vấn đề này, ông Hưng cho biết: “Từ đầu năm, NHNN đã xây dựng kịch bản điều hành là tín dụng tăng trưởng ở mức khoảng 18% và có điều chỉnh một cách linh hoạt tùy theo diễn biến kinh tế vĩ mô và nền kinh tế.

Cho tới cuối tháng 10, tốc độ tăng trưởng tín dụng là 13,66%, có cao hơn xấp xỉ trên 1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2016, nhưng không có gì đột biến. Hiện nay, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ và NHNN đối với tín dụng là tăng trưởng phải đi kèm với đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Quan trọng hơn nữa là nguồn vốn phải đưa vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh”.

Theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cơ cấu tín dụng theo ngành nghề kinh tế đã có những chuyển biến tích cực. Tỷ trọng tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp chiếm khoảng 9,9% (10 tháng năm 2016 là 8,3%); hoạt động kinh doanh bất động sản và xây dựng giảm xuống còn 15,5% (năm 2016 là 17,1%).

Tín dụng tiêu dùng tiếp tục đà tăng mạnh kể từ đầu năm 2017 phù hợp với xu hướng gia tăng cầu tiêu dùng của nền kinh tế. Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng tăng khoảng 58,6% so với cuối năm 2016.

Nhận định về khả năng tăng trưởng tín dụng, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cho rằng, việc tăng trưởng tín dụng 2% vào tháng 11 và tháng 12/2017 là khả thi, bởi đây là cao điểm của vụ sản xuất - kinh doanh trong một năm. Các nhà băng thậm chí có thể nâng cao hơn nữa, nhằm chuẩn bị cho giai đoạn đầu năm mới, khi tín dụng thường tăng trưởng âm.

Về định hướng tăng trưởng tín dụng từ nay tới cuối năm, Thống đốc NHNN nhấn mạnh: “Sự điều hành của Chính phủ, cũng như NHNN sẽ đảm bảo tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm vẫn tiếp tục tăng phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và không gây áp lực đến kinh tế vĩ mô, đặc biệt là lạm phát.

NHNN vẫn giám sát chặt chẽ chất lượng và hiệu quả tín dụng, kiểm soát nguồn vốn vào đúng lĩnh vực để phục vụ cho tăng trưởng kinh tế. Chúng tôi cho rằng, từ nay đến cuối năm sẽ đạt được mức tăng trưởng tín dụng như định hướng, đồng thời kiểm soát được chất lượng tín dụng”.

Tin bài liên quan