Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét tăng trần dư nợ tín dụng năm 2022 thêm 1-2% so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% đã xác định trước đây, trong đó xem xét tăng trần dư nợ tín dụng cho 4 ngân hàng quốc doanh và các ngân hàng thương mại đạt chuẩn Basel 2.
Liên quan đến kiến nghị này, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến thời điểm 31/5/2022, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản là 2,33 triệu tỷ đồng, tăng 12,31% so với cuối năm ngoái. Đây là mức tăng cao so với cùng kỳ các năm trước và cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung, chiếm tỷ trọng 20,66% tổng dư nợ tín dụng chung đối với nền kinh tế. Được biết, tính đến thời điểm 11/7/2022, tín dụng tăng 9,06% so cuối năm 2021 và tăng 16,79% so với cùng kỳ 2021.
Thông tin tại Hội nghị Sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022, bà Hà Thu Giang, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) nhấn mạnh, tín dụng 6 tháng năm 2022 đã tăng trưởng ở mức cao so với cùng kỳ các năm từ 2019-2021 và dần tiệm cận chỉ tiêu định hướng của Ngân hàng Nhà nước.
Bà Giang cho biết thêm, trong định hướng điều hành, cơ quan quản lý không hạn chế tín dụng đối với các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, chứng khoán, BOT, BT giao thông, song cần kiểm soát rủi ro để đảm bảo an toàn hệ thống.
Được biết, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam có xu hướng tăng nhanh, tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống tài chính - ngân hàng. Các tổ chức quốc tế (IMF, WB), tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc gia liên tục cảnh báo về tỷ lệ này đối với Việt Nam.
Ông Phạm Chí Quang, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) chia sẻ, thời gian tới đặt ra thách thức đối với công tác điều hành tín dụng của hệ thống ngân hàng để phát triển hài hòa thị trường tiền tệ với thị trường vốn. Từng bước chuyển vai trò cân đối vốn trung dài hạn cho nền kinh tế từ hệ thống ngân hàng sang các phân đoạn của thị trường vốn, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
“Căn cứ định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế được đề ra tại Chỉ thị 01, Ngân hàng Nhà nước thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng và chỉ đạo tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, kiểm soát chặt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro”, ông Phạm Chí Quang nói.
Trong thời gian tới, để tăng cường quản lý, kiểm soát rủi ro đối với tín dụng bất động sản nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, đóng góp tích cực cho tăng trưởng bền vững của nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách sau:
Một là, điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, tín dụng; phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Khẩn trương thực hiện các giải pháp phát triển, phục hồi kinh tế - xã hội tại Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ.
Hai là, tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả gắn với chất lượng tín dụng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro trong đó có đầu tư, kinh doanh bất động sản; tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn vốn để mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ.
Ba là, hoàn thiện hành lang pháp lý thông qua việc ban hành các Văn bản quản lý pháp luật về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng. Bên cạnh đó, phối hợp với các Bộ ngành hoàn thiện quy định pháp luật hỗ trợ thị trường bất động sản phát triển bền vững đồng thời kiểm soát rủi ro, bảo đảm an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng.
Trình bày báo cáo tại Hội nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2022, Ngân hàng Nhà nước định hướng tín dụng tăng khoảng 14%, cao hơn mức tăng 13,61% trong năm 2021 và 12,17% năm 2020. Chính sách tín dụng đang thực hiện hỗ trợ cho sự phục hồi của nền kinh tế, đồng thời, gửi tín hiệu cho thấy tín dụng đã tăng rất mạnh.
“Ngân hàng Nhà nước xác định không chủ quan với lạm phát. Việc điều hành phải theo dõi sát sao diễn biến tốc độ giải ngân của chương trình phục hồi, sự tích cực của dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam. Đây là những vấn đề liên quan tới chính sách tiền tệ ngắn hạn cần theo dõi. Đối với tín dụng, Ngân hàng nhà nước tiếp tục điều hành theo chỉ tiêu định hướng 14% đã đề ra từ đầu năm. Đồng thời, theo dõi sát diễn biến để có chỉ đạo điều hành, kết hợp với chính sách tài khóa”, Thống đốc nhấn mạnh.