Ngân hàng Nhà nước nâng thêm kỳ hạn thị trường mở (OMO) lên 91 ngày

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngày hôm qua (7/12), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chào thầu 8.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 6,0% và chào thầu 3.000 tỷ đồng kỳ hạn 91 ngày, đấu thầu lãi suất.
Ngân hàng Nhà nước nâng thêm kỳ hạn thị trường mở (OMO) lên 91 ngày

Có 7.028,84 tỷ đồng trúng thầu ở cả 2 kỳ hạn, kỳ hạn 91 ngày trúng thầu với lãi suất 6,3%/năm; có 4.826,4 tỷ đồng đáo hạn. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN. Như vậy, NHNN bơm ròng 2.202,44 tỷ đồng ra thị trường qua nghiệp vụ thị trường mở. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 79.617,55 tỷ đồng, khối lượng tín phiếu lưu hành giữ ở mức 39.999,8 tỷ đồng.

Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất chào bình quân VND tăng 0,03 - 0,24 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên trước đó. Cụ thể, qua đêm là 5,50%; 1 tuần là 6,50%; 2 tuần là 6,92% và 1 tháng là 8,07%.

Được biết, tuần từ 29/11/2022 – 02/12/2022, trạng thái thanh khoản ngắn hạn của hệ thống ngân hàng tiếp tục được điều tiết linh thông qua hoạt động thị trường mở. Nghiệp vụ OMO được sử dụng xuyên suốt tuần với khối lượng trúng thầu là 45.700 tỷ đồng, trên tổng số 55.000 tỷ đồng gọi thầu. Kỳ hạn phát hành duy trì ở ở kỳ hạn 14 ngày và lãi suất trúng thầu là 6%. Trong khi đó, NHNN không phát hành thêm tín phiếu.

Kết tuần, NHNN bơm ròng 2.100 tỷ đồng ra thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố tăng nhẹ lên 75.000 tỷ đồng và khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giữ nguyên ở mức 40.000 tỷ đồng. Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm dao động quanh 5,4%, trong khi đó lãi suất các kỳ hạn dài trên 2 tuần được đẩy lên trên 7%, nhằm phản ánh việc Fed sẽ chuẩn bị tăng lãi suất trong kỳ họp tháng 12 sắp tới.

Với việc NHNN nới hạn mức tín dụng thêm 1,5 - 2%, tương đương với tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ vào khoảng 15,5 – 16% so với cuối 2021, và tổng hạn mức tín dụng cho tháng 12 sẽ vào khoảng hơn 400.000 tỷ đồng, thị trường nhận định áp lực cho việc cân đối vốn từ phía các ngân hàng thương mại là rất lớn, trong bối cảnh thanh khoản trên hệ thống về trung hạn vẫn chưa được cải thiện nhiều do chênh lệch huy động vốn - tín dụng ở mức âm.

Tin bài liên quan