Thay đổi tỷ giá hỗ trợ xuất khẩu: con dao hai lưỡi
Trước những ý kiến cho rằng, NHNN nên sử dụng công cụ tỷ giá trong thời điểm này để hỗ trợ xuất khẩu, trao đổi với báo chí chiều 25/3, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN cho biết, cần có cái nhìn toàn diện về sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam.
Bà Hồng phân tích, thứ nhất, việc điều chỉnh tăng mạnh tỷ giá có thể giúp tăng xuất khẩu, nhưng chi phí đầu vào xuất khẩu cũng tăng, theo đó đóng góp vào tăng trưởng kinh tế không cao. Trong khi đó, sức cạnh tranh hàng hóa không chỉ dựa vào yếu tố giá, mà còn dựa trên nhiều yếu tố như mẫu mã, chủng loại, tính năng vượt trội, sự thỏa mãn đối với người mua hàng...
Theo đánh giá của các bộ, ngành chức năng thì năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam trên thị trường thế giới hiện ở mức thấp do thuộc tính, giá trị sử dụng không vượt trội; chất lượng hàng hóa còn thấp; ít có cải tiến, nâng cao phẩm cấp, mẫu mã; khâu sau bán hàng và thỏa mãn tâm lý tiêu dùng còn yếu...
“Mặc dù giá bán luôn ở mức thấp hơn so với các nước, nhưng sức cạnh tranh vẫn hạn chế. Với thực trạng này, việc điều chỉnh tỷ giá để nâng cao năng lực cạnh tranh về giá có thể cải thiện xuất khẩu, nhưng không dễ cải thiện được nhiều. Nhất là trong điều kiện hiện nay, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là gia công dựa trên nhập khẩu nguyên vật liệu nên giá trị gia tăng không cao”, bà Hồng nói.
Thứ hai, với cơ cấu kinh tế của Việt Nam có đặc điểm phụ thuộc phần lớn vào nguồn máy móc thiết bị, nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu, việc điều chỉnh mạnh tỷ giá sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khoảng 90% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam là máy móc, thiết bị, nguyên nhiên vật liệu cho sản xuất và chỉ có 10% là hàng tiêu dùng, dẫn tới tăng giá thành sản phẩm đầu ra, giảm tính cạnh tranh của hàng hóa và làm tăng áp lực lạm phát (chỉ số giá tiêu dùng sau khi giảm liên tục trong 4 tháng thì tháng 3/2015 đã tăng trở lại, với mức tăng 0,15% so với tháng 2/2015).
Bà Hồng nhấn mạnh: “Trong điều kiện công nghiệp phụ trợ của Việt Nam chưa phát triển, nếu điều chỉnh tăng tỷ giá quá lớn sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu, tăng chi phí đầu vào của sản xuất, gây khó khăn cho doanh nghiệp và sự phục hồi kinh tế”.
Kiên định trong điều hành tỷ giá
Trước tín hiệu phục hồi kinh tế phần nào thể hiện qua tình trạng nhập siêu đã quay trở lại, khoảng 1,7 tỷ USD, tương đương 5,61% tổng kim ngạch xuất khẩu tính đến giữa tháng 3/2015 và đang có diễn biến tăng dần theo thời gian, tạo sức ép ngày càng lớn đối với tỷ giá USD/VND, nhiều ý kiến băn khoăn, NHNN vẫn sẽ kiên định với mục tiêu giữ ổn định thị trường ngoại hối và mức điều chỉnh không quá 2%, bất kể tình hình thị trường diễn biến ra sao?
Về vấn đề này, bà Hồng nói: “Cung cầu ngoại tệ của nền kinh tế cơ bản vẫn có thặng dư và với mức dự trữ ngoại hối Nhà nước hiện nay, hoàn toàn có cơ sở để ổn định tỷ giá trong biên độ đề ra từ đầu năm”.
Nhìn lại năm 2014, cán cân thanh toán quốc tế tổng thể thặng dư ở mức khá cao, tạo điều kiện thuận lợi cho các khu vực của nền kinh tế nắm giữ một lượng ngoại tệ khá lớn trong nền kinh tế và lượng ngoại tệ này được tập trung chủ yếu vào hệ thống ngân hàng. Đặc biệt, với chính sách điều hành của NHNN luôn nhất quán theo hướng nâng cao vị thế và tính hấp dẫn của VND, củng cố lòng tin của người dân vào hệ thống ngân hàng thì lượng ngoại tệ này có thể được người dân bán cho các tổ chức tín dụng, từ đó bán cho NHNN để tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước.
Theo bà Hồng, mặc dù nhập siêu trong 2 tháng rưỡi đầu năm nay khoảng 1,7 tỷ USD, nhưng nhờ tiếp tục thu hút được một lượng lớn ngoại tệ từ các nguồn khác như kiều hối, giải ngân đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài, cán cân thanh toán tổng thể thặng dư khoảng 2,8 tỷ USD trong quý I/2015 và dự báo cả năm sẽ tiếp tục thặng dư. Biến động tăng tỷ giá thời gian vừa qua chủ yếu là do tác động tâm lý trước thông tin nhập siêu khá lớn trong 2 tháng rưỡi đầu năm, chứ trên thực tế, xét về tổng thể cung cầu ngoại tệ, xét tới tất cả các hạng mục giao dịch trong cán cân thanh toán thì không phải là yếu tố từ cung cầu ngoại tệ.
“Dưới góc độ mua bán ngoại tệ của tổ chức tín dụng đối với khách hàng, những ngày qua, cung cầu mua/bán ngoại tệ từ tổ chức tín dụng khá cân bằng, nhu cầu của các doanh nghiệp không lớn và đột biến”, bà Hồng nói.
Ông Đinh Đức Quang, Phó tổng giám đốc OCB chia sẻ: “Tổng trạng thái âm của toàn hệ thống ngân hàng vẫn đang ở mức rất nhỏ so với quy mô của thị trường ngoại hối Việt Nam. Do vậy, tôi tin tưởng vào khả năng điều hành của NHNN cũng như sự ổn định thị trường ngoại hối trong năm 2015”.
Một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia nêu quan điểm: “Điều hành tỷ giá trong thời gian tới cần hướng đến mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, cân nhắc hài hòa trong tổng thể tác động của tỷ giá đến các yếu tố như xuất khẩu, nhập khẩu, lạm phát, nợ công… Đặc biệt, NHNN cần tiếp tục kiên định điều hành tỷ giá theo hướng ổn định, không nên dao động, không để làm ảnh hưởng đến niềm tin của thị trường”.
Ông Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế Diễn biến tăng tỷ giá trong những ngày giữa tháng 3/2015 vừa qua chủ yếu do yếu tố tâm lý, đầu cơ xuất hiện khi đồng USD tăng giá mạnh trên thị trường thế giới và nhập siêu quay trở lại. Mặc dù có biến động tăng, nhưng mặt bằng tỷ giá vẫn thấp hơn so với trần quy định của NHNN. Diễn biến của thị trường chưa có biểu hiện đáng quan ngại. |