Ngân hàng Nhà nước hút ròng mạnh, lãi suất liên ngân hàng và tỷ giá liên tục nóng lên

0:00 / 0:00
0:00
Giá bán USD dự báo tiếp tục tăng tuần này theo xu hướng gia tăng của đồng bạc xanh trên thế giới. Trong khi đó, lãi suất diễn biến trái chiều giữa thị trường 1 và thị trường 2.
Ngân hàng Nhà nước hút ròng mạnh, lãi suất liên ngân hàng và tỷ giá liên tục nóng lên

Tỷ giá tiếp tục nhích lên, Ngân hàng Nhà nước hút ròng tiền về

Sáng nay (27/2), tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên. Tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng cũng không thay đổi đáng kể so với chốt phiên cuối tuần trước. Tuy vậy, nhiều chuyên gia nhận định, tỷ giá sẽ tiếp tục nhích lên tuần này theo đà tăng giá của đồng bạc xanh trên thế giới.

Chỉ số Dollar Index (DXY), đo lường USD với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đang ở mức 105,260 điểm, tăng hơn 3% từ đầu tháng tới nay. Dự báo, chỉ số này sẽ sớm chạm mốc 106 điểm do các thông tin vừa công bố về Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), dữ liệu Chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ đang ủng hộ cho đồng tiền này.

Tuần qua, tỷ giá trên thị trường tự do trong nước đã tăng 120 đồng ở chiều mua vào và 90 đồng ở chiều bán ra so với tuần trước đó. Lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng chỉ biến động nhẹ qua các phiên.

Riêng lãi suất tiền đồng trên thị trường tuần qua có biến động khá mạnh theo hướng đảo chiều tăng ở tất cả kỳ hạn. Chốt phiên giao dịch cuối tuần qua, lãi suất qua đêm VND trên thị trường liên ngân hàng giao dịch quanh mức 6,02%, tăng1,35 điểm phần trăm so với phiên cuối tuần trước đó. Lãi suất kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần cũng tăng 1,24 - 1,04 điểm phần trăm, riêng lãi suất kỳ hạn 1 tháng tăng 0,57 điểm phần trăm.

Trên thị trường mở tuần qua, theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng hơn 38.100 tỷ đồng từ thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở.

Động thái hút ròng và đẩy lãi suất liên ngân hàng ở mức cao, theo các chuyên gia phân tích, là dụng ý của Ngân hàng Nhà nước nhằm tạo sự hấp dẫn của VND với USD trước thềm Fed tăng lãi suất tháng 3 tới.

Lãi suất huy động hạ nhiệt, lãi suất cho vay chưa giảm trên diện rộng

Mặc dù lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh song lãi suất trên thị trường 1 (thị trường dân cư) lại có dấu hiệu hạ nhiệt.

Ở chiều huy động, tại hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần, mức lãi suất niêm yết cao nhất mà các ngân hàng dành cho khoản tiền gửi kỳ hạn 12 tháng là 9,5%/năm. Bốn ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước niêm yết lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng thấp nhất ở mức 7,4%/năm đối với hình thức gửi tiền tại quầy và trên 8% đối với hình thức gửi tiền online.

So với giai đoạn cao điểm cuối năm 2022, mức lãi suất kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng đã giảm đáng kể. Những ngân hàng từng niêm yết lãi suất từ 10,5%/năm hồi cuối năm 2022 như Saigonbank, SCB... cũng đã điều chỉnh giảm trên dưới 1%/năm, đưa lãi suất về ngang với mặt bằng chung của thị trường, quanh mốc 9,5%/năm. Một số ngân hàng như Techcombank, Sacombank, SHB… đã giảm lãi suất xuống dưới 9%/năm.

Lãi suất cho vay cũng đang giảm đáng kể từ nửa cuối tháng 2/2023. Nhiều ngân hàng áp dụng mức giảm 1-2% so với mức công bố trước đó. Trong các đợt giảm lãi suất cho vay thời gian qua, các ngân hàng thương mại nhà nước luôn đi đầu

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế - tài chính, dù vẫn còn nhiều áp lực, song mặt bằng lãi suất nhiều khả năng sẽ tạo đỉnh trong nửa đầu năm 2023 rồi dần “giảm nhiệt”, qua đó giảm áp lực lên lãi suất cho vay. Tuy vậy, trong bối cảnh lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới có khả năng tiếp tục tăng, mức hạ lãi suất trong nước thời gian tới có thể chưa đạt như kỳ vọng của doanh nghiệp. Các ngân hàng muốn hạ lãi suất phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: thanh khoản, lạm phát…

Thực tế, việc giảm lãi suất cho vay đến nay chưa thực sự diễn ra trên diện rộng, mới chỉ xuất hiện ở một số ngân hàng với từng sản phẩm được thiết kế riêng dành cho một số ngành, doanh nghiệp hay hoạt động kinh doanh cụ thể và phần lớn là kỳ hạn ngắn. Đối với các khoản vay kỳ hạn dài hơn, doanh nghiệp vẫn phải trả lãi suất cao như kỳ hạn 6 tháng sẽ ở mức 10-10,5%/ năm, trên 12 tháng sẽ ở mức 11-12%/ năm. Trong khi đó, doanh nghiệp kỳ vọng mức lãi suất khoảng 9%/năm với thời hạn 6-12 tháng để ổn định sản xuất.

Các chuyên gia tính toán, trong thời gian qua, lạm phát của Việt Nam luôn ở mức dưới 4%. Thông thường, các ngân hàng sẽ tính thêm 2% là biên độ lợi nhuận cho khách hàng gửi, nghĩa là lãi suất huy động ở mức 6%/năm, và biên độ lợi nhuận cho ngân hàng là 3%, lãi suất cho vay 9%/năm sẽ là phù hợp.

Tin bài liên quan