Bitcoin mất giá ít ảnh hưởng đến Việt Nam
Mới đây, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) thông báo đã hoàn tất quá trình điều tra về các hoạt động ICO (Initial Coin Offering) - chào bán các đồng tiền ảo lần đầu, gần giống với hoạt động IPO (chào bán cổ phần lần đầu) và khẳng định hoạt động này không được pháp luật công nhận. PBOC cũng yêu cầu các cá nhân, tổ chức dừng ngay hoạt động gọi vốn bằng tiền ảo, hay còn gọi là “đào bitcoin”.
Không chỉ vậy, ngân hàng trung ương nước này còn cho biết sẽ truy phạt những tổ chức, cá nhân đã gọi vốn thành công trước đó.
Ngay sau thông điệp của PBOC phát đi, giá các đồng tiền ảo phổ biến như bitcoin lao dốc. Đặc biệt, tại các thị trường lớn, giá càng hạ mạnh, người mua bitcoin trước đây có nguy cơ lỗ lớn. Thị trường bitcoin của Trung Quốc có quy mô lớn, việc “đào mỏ” chiếm tỷ trọng lớn nhất thế giới, do vậy, bất kỳ động thái hạn chế nào đều có tác động đến giá bitcoin trên toàn cầu và Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Tuy nhiên, theo lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), do quy mô của thị trường tiền ảo Việt Nam rất nhỏ, nên mức độ ảnh hưởng là không đáng kể.
Thực tế, bitcoin được nhắc đến nhiều trong vài năm trở lại đây tại Việt Nam và thu hút sự quan tâm của giới trẻ, những người yêu thích công nghệ thông tin. Theo định nghĩa của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và cũng là thuật ngữ được hiểu và sử dụng thông dụng trên thế giới: “Tiền ảo là một loại tiền số (digital money) không có quản lý, được phát hành bởi những nhà phát triển (developers) cũng thường là người kiểm soát và được sử dụng và chấp nhận thanh toán giữa các thành viên của một cộng đồng ảo nhất định”.
NHNN khuyến cáo rủi ro tiền ảo
Vị lãnh đạo NHNN giải thích, về phương diện dự trữ, do bitcoin là đồng tiền ảo, thông thường được người sử dụng lưu giữ dưới dạng dữ liệu máy tính trong chương trình ví điện tử (wallet) trên điện thoại hoặc máy tính. Ví điện tử được bảo mật bằng khóa công khai và khóa bí mật (khóa riêng).
Xét theo phương diện thanh toán, trao đổi, lãnh đạo NHNN khẳng định, đồng bitcoin được thanh toán trực tiếp giữa người bán và người mua ẩn danh thông qua điện thoại thông minh (có cài ứng dụng ví bitcoin của nhà cung ứng dịch vụ hạ tầng – platform) hoặc qua máy tính kết nối internet.
Ví bitcoin cho phép người dùng hoàn tất thanh toán giữa các địa chỉ khác nhau bằng cách cập nhật các giao dịch vào hệ thống lưu trữ máy tính ngang hàng của bitcoin, qua đó ghi nhận được số dư của mỗi tài khoản cũng như lịch sử của tất cả tài khoản tham gia giao dịch trước đó vào hệ thống này.
Do vậy, ưu thế nổi trội trong sử dụng đồng tiền ảo là phí thanh toán rẻ hơn rất nhiều so với các dịch vụ thanh toán khác của các ngân hàng. Cụ thể, người bán hàng chấp nhận thanh toán bằng bitcoin qua hệ thống bitpay chỉ phải trả phí 0,99%/giao dịch, trong khi đó nếu chấp nhận bằng thẻ tín dụng thì mức phí là 2 - 4%/giao dịch.
Tuy nhiên, theo vị lãnh đạo, NHNN đã từng đưa ra quan điểm sự xuất hiện của bitcoin gây ra nhiều tác hại, rủi ro cho người sử dụng và đến thời điểm này vẫn giữ quan điểm đó.
Những tác hại, rủi ro của đồng tiền ảo, theo NHNN là: Thứ nhất, các giao dịch bằng bitcoin có tính ẩn danh cao nên bitcoin có thể trở thành công cụ cho tội phạm như rửa tiền, buôn bán ma túy, trốn thuế, giao dịch, thanh toán tài sản phi pháp.
Thứ hai, bitcoin là tiền ảo, được lưu giữ dưới dạng kỹ thuật số, nên nguy cơ bị tấn công, đánh cắp, thay đổi dữ liệu hoặc bị ngừng giao dịch là rất lớn.
Sự cố sàn giao dịch Mt.Gox, chiếm tới 70% số lượng giao dịch bitcoin toàn cầu bị sụp đổ vào đầu năm 2014, các thành viên tham gia giao dịch qua sàn này mất toàn bộ số bitcoin mà họ đang sở hữu do bị tấn công hệ thống đã gây cú sốc mạnh với cộng đồng sử dụng bitcoin trên toàn cầu thời điểm đó là một minh chứng.
Thứ ba, do giá trị đồng bitcoin biến động mạnh và phức tạp trong thời gian ngắn nên hoạt động đầu tư vào đồng tiền ảo này tiềm ẩn nguy cơ bong bóng, gây thiệt hại cho người đầu tư. Thứ tư, bitcoin không bị chi phối và kiểm soát giao dịch bởi cơ quan quản lý nhà nước nào, do đó, người sở hữu bitcoin sẽ chịu toàn bộ rủi ro vì không có cơ chế bảo vệ quyền lợi.
Vị lãnh đạo NHNN Việt Nam nhấn mạnh, theo các quy định của pháp luật hiện hành về tiền tệ và ngân hàng, bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.
Việc sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo khác làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Do vậy, NHNN khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác.
Ngày 21/8/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1255/QĐ-TTg về việc “Phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền ảo, tiền điện tử”.
Theo đó, NHNN được giao làm đầu mối rà soát, nghiên cứu và đề nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành một văn bản quy phạm pháp luật về tiền điện tử trình Thủ tướng Chính phủ (thời hạn hoàn thành là tháng 8/2018); đồng thời phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành khác nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thuế đối với tài sản ảo, tiền ảo cũng như biện pháp phòng, chống, xử lý các vi phạm liên quan tới tài sản ảo, tiền ảo.
Đề án nêu rõ báo cáo đánh giá thực trạng để sửa đổi khung pháp lý cần hoàn thành trước tháng 8/2018 và đến cuối năm 2018 phải xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo. Đồng thời, đến tháng 6/2019, cần xong hồ sơ đề nghị xây dựng khung pháp luật về thuế đối với tài sản ảo, tiền ảo. Ngoài ra, những đề xuất để phòng, chống xử lý các vi phạm liên quan đến loại hình tiền tệ này cũng được Chính phủ giao hoàn thành trước tháng 9/2019.