Ngân hàng Nhà nước giảm giá mua vào USD của Sở giao dịch ở mức kỷ lục

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngày 11/8, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giá niêm yết mua vào USD của Sở Giao dịch về mức 22.750 VND, tức giảm tới 225 VND, xô đổ mức giảm vốn được cho là mạnh nhất trước đó. Thị trường đánh giá đây là bước giảm chưa từng có trong nhiều năm gần đây.
Ảnh Internet

Ảnh Internet

Điểm đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước đổi phương thức mua giao kỳ hạn 6 tháng về phương thức mua giao ngay.

Theo đó, nếu như trước kia với phương thức mua giao kỳ hạn, lượng cung ứng ngoại tệ sẽ rải dần ra thị trường. Còn nay, mức giá mua USD giảm sâu xuống 22.750 VND từ 22.975 được áp dụng với phương thức mua giao ngay, tức lượng tiền VND cung ứng sẽ trực tiếp chảy ra thị trường.

Động thái này được thị trường cho rằng, là kết quả của việc gỡ mác “thao túng tiền tệ” khi ngày 16/4, Bộ Tài chính Mỹ cho biết, dựa trên luật thương mại năm 1988, không có bằng chứng cho thấy ba nước Việt Nam, Thụy Sĩ và Đài Loan (Trung Quốc) đang thao túng tỷ giá hối đoái để tạo lợi thế cạnh tranh hoặc ngăn cản sự cân bằng trong điều chỉnh thanh toán.

“Đối với năm 2020, chúng tôi chưa kết luận về việc thao túng”, Bộ Tài chính Mỹ cho biết, dù rằng cũng cho biết, cần phân tích thêm về vấn đề này trong các cuộc hội đàm song phương tiếp theo.

Ngoài ra, các nhà phân tích nhận định, động thái này cho thấy, Ngân hàng Nhà nước có chủ ý tạo nguồn tiền cung ứng mới, ngay và luôn cho thị trường, bổ sung nguồn vốn tạo điều kiện và thậm chí có thể là “ép” các ngân hàng thương mại hạ tiếp lãi suất.

Được biết, các hợp đồng mua kỳ hạn ngoại tệ từ đầu năm tiếp tục được thực hiện giúp nguồn cung tiền VND cải thiện. Tới thời điểm hiện tại, đã có khoảng 75% lượng hợp đồng ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước đáo hạn và khối lượng còn lại sẽ được thực hiện hoàn toàn trong tháng 8. Ước tính Ngân hàng Nhà nước đã bơm khoảng 118.000 tỷ đồng ra thị trường qua kênh này. Đồng thời, khoảng gần 40.000 tỷ đồng sẽ tiếp tục chảy ra trong khoảng thời gian còn lại của tháng 8.

Trước đó, một dự báo của Nhóm Nghiên cứu phân tích Ban Kinh doanh Vốn và Tiền tệ BIDV cho biết, tỷ giá USD/VND dự kiến tiếp tục duy trì ổn định trong quý III, với biên độ dao động chủ đạo quanh khoảng 22.900 - 23.050 đồng/USD.

Các yếu tố chính tác động lên tỷ giá trong quý III là áp lực từ thị trường quốc tế dự báo chưa đáng lo ngại: tâm điểm của thị trường quốc tế trong quý 3 tiếp tục đổ dồn vào các số liệu kinh tế của Mỹ và động thái điều hành của Fed.

Sau động thái có phần “diều hâu” (hawkish) của các thành viên Fed trong phiên họp tháng 6, Báo cáo cho rằng Fed có thể sẽ sớm đưa ra các tín hiệu về việc giảm bớt quy mô nới lỏng tài sản (tapering) trong phiên họp tháng 9 tới khi các chỉ số kinh tế như bán lẻ, việc làm hay lạm phát của Mỹ hồi phục tích cực sau đại dịch. Mặc dù vậy, áp lực từ sự kiện này có thể chưa quá lớn do thời điểm Fed nâng lãi suất dự báo vẫn còn cách khá xa (đầu năm 2023).

Bên cạnh đó, cung-cầu ngoại tệ dự kiến duy trì thặng dư: cán cân thương mại hàng hóa được dự báo có thể quay trở lại trạng thái thặng dư khoảng 4-5 tỷ USD trong quý III khi các nhà máy tại Bắc Giang, Bắc Ninh hoạt động trở lại. Trong khi đó, các cấu phần khác của cán cân thanh toán tổng thế như giải ngân FDI, hoạt động M&A, phát hành trái phiếu quốc tế vẫn khá khả quan và có thể mang lại khoảng 6-7 tỷ USD cho thị trường. Mặc dù vậy, cân đối cung cầu có thể kém thuận lợi hơn ở một số cấu phần như lượng tiền chuyển lợi nhuận về nước gia tăng hay cán cân thương mại dịch vụ duy trì thâm hụt.

“Báo cáo ước tính hai cấu phần này có thể làm giảm cân đối cung cầu thêm khoảng 7-8 tỷ USD; qua đó, đưa cân đối cung cầu ngoại tệ trong quý 3 thặng dư khoảng 2 tỷ USD. Tỷ giá USD/VND nhìn chung vẫn sẽ được hỗ trợ và dao động ổn định trong khoảng 22.900-23.050 trong quý III”, Báo cáo nhận định.

Tin bài liên quan