Ngân hàng Nhà nước đối mặt thế nào với thách thức 3 tháng cuối năm?

Thách thức đối với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong 3 tháng còn lại của năm 2014 là làm sao đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, đồng thời không “giật cục” trong điều hành chính sách tiền tệ, nắn dòng vốn thực sự chảy vào sản xuất.

Dòng tiền đang nghiêng về trái phiếu, đầu tư cho kết cấu hạ tầng, doanh nghiệp nhà nước

Dòng tiền đang nghiêng về trái phiếu, đầu tư cho kết cấu hạ tầng, doanh nghiệp nhà nước

Báo cáo mới nhất của Cục Thống kê Hà Nội và TP.HCM đã cho thấy điều này. Ước tính, đến cuối tháng 9/2014, tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng trên địa bàn Hà Nội tăng đột biến tới 4% so với cuối tháng 8/2014, dù 8 tháng trước đó, con số này ở mức âm 0,8%. Riêng tại TP.HCM, tín dụng tăng đều hơn khi đến đầu tháng 9, con số này là + 0,5% so với tháng 8 trước đó.

Trên phạm vi cả nước, dù NHNN chưa có báo cáo chính thức, song đến thời điểm này, tín dụng của toàn hệ thống ước tăng trên 7%. Trước đó, theo báo cáo của Thống đốc NHNN, tính đến ngày 29/8/2014, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 6,21% so với cuối năm 2013 - tức đạt nửa chỉ tiêu đề ra của cả năm.

Với tốc độ như vậy, không khó để tín dụng cuối năm nay đạt mức tăng trưởng ít nhất trên 10%, đúng như dự tính của NHNN. Thế nhưng, điều “bất thường” là trong cơ cấu tín dụng năm nay, tín dụng trung, dài hạn tăng mạnh, trong khi tín dụng ngắn hạn lại tăng rất chậm.

Đơn cử, tính tới đầu tháng 9/2014, tại TP.HCM, dư nợ tín dụng trung, dài hạn chiếm gần gần 50%, tăng 21,3% so với tháng cùng kỳ năm ngoái, trong khi dư nợ tín dụng ngắn hạn chiếm hơn 50%, chỉ tăng 3,4% so cùng kỳ năm trước.

Sự bất thường này phần nào được lý giải qua nguồn vốn “khủng” được đổ vào lĩnh vực giao thông. Chỉ tính riêng 53 dự án mà Bộ Giao thông – Vận tải đang quản lý, số tiền mà các ngân hàng cho vay trong thời gian qua đã lên tới 100.000 tỷ đồng. Ngoài lĩnh vực giao thông, hàng loạt ngân hàng khác cũng dồn dập ký hợp đồng rót vốn cho hàng không, dầu khí, xăng dầu, điện...

Rõ ràng, dòng tiền đang nghiêng về trái phiếu, đầu tư cho kết cấu hạ tầng, doanh nghiệp nhà nước... Trong bối cảnh lãi suất giảm như hiện nay, việc doanh nghiệp vay vốn trung và dài hạn để đầu tư không phải là khó hiểu, song điều này cũng cho thấy, nhu cầu vay vốn sản xuất, kinh doanh (thường là vay ngắn hạn) của doanh nghiệp chưa cao, có nghĩa sản xuất chưa có tín hiệu khởi sắc.

Nhằm kích thích khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, kích cầu tín dụng những tháng cuối năm, ngoài các giải pháp đã triển khai, thời gian tới, NHNN sẽ tung ra 3 giải pháp nữa, gồm sửa đổi Thông tư 11/2013/TT-NHNN về cho vay hỗ trợ mua nhà ở (gói 30.000 tỷ đồng); xem xét đưa ra gói hỗ trợ khác về mua nhà ở cho cán bộ công chức viên chức và lực lượng vũ trang, đồng thời tham gia sửa đổi Nghị định 41/2010/NĐ -CP về tín dụng nông nghiệp. Tuy nhiên, những gói tín dụng này chỉ có tác dụng nhất định.

Chính vì vậy, để dòng vốn chảy vào sản xuất mạnh hơn trong những tháng cuối năm, NHNN và Bộ Tài chính cần nghiên cứu hài hòa hoá chính sách tài khóa, tiền tệ, làm sao kích hoạt mạnh hơn hoạt động sản xuất tại khu vực tư nhân. Có thể thấy, rào cản lớn nhất với doanh nghiệp tư nhân khi tiếp cận tín dụng là nợ xấu, do đó, nếu tốc độ xử lý nợ xấu chủ yếu dừng ở mức “khoanh nợ, giữ nợ” như hiện nay, thì tín dụng rất khó xoay chuyển.

Vấn đề là cùng với nỗ lực xử lý nợ xấu của Chính phủ, các doanh nghiệp cũng phải tự nâng cao sức khỏe và tăng tính minh bạch thì mới có thể tiếp cận vốn ngân hàng. Về phía ngân hàng, tất nhiên, việc hạ chuẩn cho vay có thể làm tăng nguy cơ rủi ro,  song nếu không thực sự đồng hành cùng doanh nghiệp thì tình trạng tắc tín dụng và luẩn quẩn trong xử lý nợ xấu sẽ còn là gánh nặng lớn với nhiều ngân hàng trong năm tới.

Tin bài liên quan