Ngân hàng Nhà nước điều hành linh hoạt tỷ giá, trong điều kiện cần thiết sẽ can thiệp từ quỹ dự trữ quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định, NHNN tiếp tục điều hành linh hoạt, sử dụng các công cụ điều hành, trong điều kiện cần thiết sẽ can thiệp từ quỹ dự trữ quốc gia.
Ngân hàng Nhà nước điều hành linh hoạt tỷ giá, trong điều kiện cần thiết sẽ can thiệp từ quỹ dự trữ quốc gia

TS. Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, trước bối cảnh tỷ giá hiện nay, NHNN cần có tiếng nói để trấn an thị trường lúc này. Bởi theo ông Phước, trong một quý đầu năm mà để đồng bản tệ mất giá 2-3% thì NHNN cần phải có tiếng nói. Vì tỷ giá tăng ảnh hưởng đến rất nhiều vấn đề, trong đó có niềm tin của nhà đầu tư vào Việt Nam.

"Chúng ta ám ảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhưng Fed chỉ tác động nào đó đối với nền kinh tế Việt Nam thôi. Quý III/2024, USD sẽ quay đầu giảm khi Fed cắt giảm lãi suất", ông Phước nói và cho rằng, trong điều kiện Việt Nam, giữ cho tỷ giá ổn định trong khoảng 3-4% là trong tầm tay của NHNN, nhưng tuyệt nhiên không thể để cho mặt bằng lãi suất tăng cao để bù đắp cho việc biến động của tỷ giá hối đoái, vì đó là sự đánh đổi đắt giá nhất.

Theo ông Phước, mặt bằng lãi suất hiện đã giảm, song sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp yếu, do thể trạng doanh nghiệp yếu đi và khó khăn là điều có thật. Lãi suất giảm khi doanh nghiệp vô cùng khó khăn, nhà máy đóng cửa, công nhân thất nghiệp vì thiếu đơn hàng do cầu thế giới và nội địa giảm, tiêu dùng giảm. Đây là giai đoạn cực kỳ khó khăn của người cho vay và người đi vay.

Do vậy, về lâu về dài cần hạ thấp lãi suất xuống. Hiện lãi suất VND đang thấp nên nếu có nhu cầu ngoại tệ để thanh toán thì doanh nghiệp nên vay VND mua ngoại tệ sẽ hiệu quả hơn, đồng thời tránh được rủi ro biến động của tỷ giá. Còn nếu doanh nghiệp cần vay ngoại tệ thì ngân hàng thương mại nên hoán đổi ngoại tệ từ nguồn dự trữ ngoại hối quốc gia, tạo nguồn ứng trước ngoại tệ với lãi suất vừa phải để hỗ trợ xuất khẩu.

Đối với tỷ giá, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN khẳng định, NHNN tiếp tục điều hành linh hoạt, sử dụng các công cụ điều hành, trong điều kiện cần thiết sẽ can thiệp từ quỹ dự trữ quốc gia. Theo ông Tú, ngoài tỷ giá, giá vàng trong nước hiện cũng rất nóng khi giá vàng thế giới chưa bao giờ lên cao như vậy.

Điều này ảnh hưởng đến yếu tố tâm lý của thị trường, nhưng chỉ là nhất thời, nhất là trong điều kiện thế giới có xung đột địa chính trị của một số quốc gia. Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, Mỹ chưa khẳng định thời điểm nào hạ lãi suất, nhưng đồng USD vẫn tăng giá. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tỷ giá của Việt Nam.

Cũng theo ông Tú, chủ trương của NHNN đưa ra là giảm quan hệ vay mượn ngoại tệ, chỉ cho vay ngoại tệ ở một số lĩnh vực và dần chuyển sang quan hệ mua bán.

Về chính sách lãi suất, ông Tú cho hay, ngành ngân hàng đã và đang từng bước nỗ lực để giảm lãi suất, chia sẻ khó khăn cùng với khách hàng vay vốn, song chính sách lãi suất sẽ khó có thể giảm sâu so với mặt bằng hiện nay, vì sẽ tác động lên tỷ giá.

PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) cũng cho rằng, chính sách của NHNN trong năm qua đem lại thành quả ấn tượng, nhưng cũng không thể khẳng định là lãi suất thấp như hiện nay sẽ kéo dài trong bao lâu, vì lãi suất phụ thuộc vào nhiều biến số.

Bên cạnh đó, theo ông Khánh, khả năng hấp thụ vốn của thị trường là yếu tố quan trọng, vì không thể nói mãi ngân hàng đẩy vốn, tiếp tục hạ lãi suất cho vay. Mặt khác, liệu có nên tăng tín dụng bằng mọi giá hay không, bởi theo quan điểm của ông Khánh là vốn phải đến đúng đối tượng, đủ điều kiện sử dụng và hoàn vốn. Vì ngân hàng cũng là doanh nghiệp kinh doanh, họ huy động vốn để cho vay và ngân hàng cũng đau lòng vì vốn huy động đang nằm lại ngân hàng mà lại phải gánh chịu lãi suất đầu vào.

"Cái quan trọng là ngân hàng vẫn phải tìm đúng khách hàng để cho vay. Nếu áp lực đẩy vốn ra nhanh quá với lãi suất thấp thì liệu rằng chất lượng tín dụng mấy năm nữa sẽ như thế nào. Dư nợ xấu có kiểm soát được không", ông Khánh nêu quan điểm.

Thực tế, ngân hàng đã có những mức lãi suất khác nhau cho đối tượng khách hàng khác nhau. Phía doanh nghiệp than không tiếp cận được vốn vay như mức lãi suất mà ngân hàng công bố. Vì thế, để khơi thông tín dụng, một trong những giải pháp được ông Khánh đưa ra đó là NHNN yêu cầu hoặc các ngân hàng thương mại chủ động công bố mức lãi suất cho vay để tạo lòng tin của thị trường. Ngân hàng sẽ công bố lãi suất cho vay.

Nên chăng theo định kỳ với việc công bố lãi suất cho vay thì ngân hàng công bố luôn tỷ trọng giải ngân của từng mức lãi suất trong tháng, trong quý. Ngược lại, về phía doanh nghiệp khi chấp nhận luật chơi thị trường thì phải tái cấu trúc doanh nghiệp, không thể yêu cầu ngân hàng cho vay dưới chuẩn. Nên trong mọi trường hợp, đồng vốn được đẩy ra nhưng tín dụng vẫn phải đảm bảo được chất lượng an toàn hệ thống trong thời gian.

Tin bài liên quan