Ngân hàng Nhà nước đề cập đến rủi ro phát triển nóng của bất động sản và chứng khoán

Ngân hàng Nhà nước đề cập đến rủi ro phát triển nóng của bất động sản và chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Quan điểm của NHNN trong điều hành tăng trưởng tín dụng cung ứng vốn cho nền kinh tế nhưng không gây lạm phát mạnh. Việc mở rộng tín dụng phải đi đôi với an toàn, hiệu quả.

Tại Hội nghị Trực tuyến toàn ngành về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 03/2021/TT-NHNN, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho biết, nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát, căn cứ mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát do Quốc hội và Chính phủ đặt ra, NHNN xây dựng chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng toàn ngành khoảng 12%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Do vậy, ông Hà cho biết: “NHNN đã thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng TCTD ở mức hợp lý, đảm bảo tăng trưởng tín dụng đi đôi với chất lượng tín dụng, hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh để hỗ trợ đà phục hồi kinh tế, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro”.

Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN phát biểu tại Hội nghị

Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN phát biểu tại Hội nghị

Đối với tỷ giá và thị trường ngoại tệ, ông Hà cho biết được điều hành phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ; thị trường ngoại tệ ổn định, thanh khoản thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Ngày 13/4/2021, tỷ giá trung tâm ở mức 23.214 VND/USD, tăng 0,36% so với cuối năm 2020; tỷ giá liên ngân hàng nhìn chung ổn định.

Căn cứ diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, thị trường và dự báo thời gian tới, ông Hà cho biết, việc tiếp tục hỗ trợ đà phục hồi kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh là cần thiết; tuy nhiên, không thể chủ quan với rủi ro lạm phát và rủi ro phát triển nóng từ các thị trường tài sản như bất động sản, chứng khoán.

“Nhất là tăng trưởng tín dụng năm 2020 đã tăng đáng kể so với tăng trưởng kinh tế, cụ thể tín dụng tăng trưởng 12,17% trong khi GDP đạt 2,91%”, ông Hà nói.

Cũng theo ông Hà, NHNN hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế nhưng không thể chủ quan với lạm phát bởi nhiều yếu tố cần phải cân nhắc trong thời điểm hiện nay.

Thứ nhất, giá thế giới đang tăng trong xu hướng kinh tế phục hồi, gần đây nhất, IMF đã điều chỉnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2021 từ 5,5% lên 6,4%.

Thứ hai, kỳ vọng lạm phát đang tăng ở một số nước đang phát triển.

Thứ ba, xu hướng tăng lãi suất trở lại của một số ngân hàng trung ương tại những nước đang phát triển do phải đối phó với lạm phát. Trong nước, NHNN tiếp tục mua ngoại tệ trong những năm vừa qua với khối lượng lớn nên có khối lượng tiền lớn trong nền kinh tế.

Tại hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng nhấn mạnh, quan điểm của NHNN trong điều hành tăng trưởng tín dụng cung ứng vốn cho nền kinh tế nhưng không gây lạm phát mạnh. Việc mở rộng tín dụng phải đi đôi với an toàn, hiệu quả. Bản thân các TCTD cũng phải tự điều hành dư nợ tín dụng của mình theo hướng lành mạnh, tăng trưởng đi đôi với chất lượng, phù hợp với cơ cấu nguồn vốn, phòng ngừa rủi ro để đảm bảo trong hoạt động luôn đáp ứng khả năng chi trả cho người dân trong bất kỳ thời điểm nào.

Không đánh đổi lợi nhuận với rủi ro, rủi ro của tổ chức tín dụng cũng là rủi ro với cả hệ thống ngân hàng

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng

Do đó, liên quan đến điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới, ông Hà cho biết, sẽ tiếp tục triển khai theo định hướng tại Chỉ thị 01/CT-NHNN; chủ động, linh hoạt trên cơ sở theo dõi sát diễn biến, dự báo kinh tế vĩ mô và thị trường nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu năm 2021 bình quân khoảng 4%, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế, đảm bảo thanh khoản và duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối; tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước khi điều kiện thị trường thuận lợi.

“Điều hành tín dụng theo chỉ tiêu định hướng, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với TCTD trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực quản trị và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh; trong đó ưu tiên TCTD giảm mặt bằng lãi suất cho vay; khuyến khích các công ty tài chính giảm lãi suất cho vay”, ông Hà nói.

Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN nhấn mạnh: “Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý về hoạt động tín dụng, trong đó ban hành Thông tư quy định về hoạt động mua bán trái phiếu doanh nghiệp của TCTD (thay thế Thông tư 22/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 và Thông tư 15/2018/TT-NHNN ngày 18/6/2018) nhằm góp phần kiểm soát hoạt động mua, bán trái phiếu doanh nghiệp của các TCTD an toàn, lành mạnh”.

Tin bài liên quan