Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận về chủ trương việc Maritime Bank mua lại Công ty Tài chính cổ phần Dệt may
Thế nhưng, M&A chưa phải là điểm nóng nhất. Trong tuần này, Chính phủ sẽ thông qua giai đoạn II của quá trình tái cơ cấu ngân hàng. Có nghĩa, những “tử huyệt” giấu kín của các ngân hàng sẽ được sờ tới.
Sắp thêm nhiều thương vụ mới M&A ngân hàng
Theo nguồn tin của Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn, đến thời điểm này, phương án sáp nhập của hai thương vụ ồn ào nhất trong năm là Southern Bank - Sacombank và MDB - Maritime Bank đã được Ngân hàng Nhà nước thông qua về mặt chủ trương.
Tất nhiên, từ việc chấp thuận về mặt chủ trương đến phê duyệt đề án tái cơ cấu và triển khai thực tế còn cả chặng đường, song điều này cũng có nghĩa, sắp có thêm 2 thương hiệu MDB và SouthernBank biến mất. Sau hơn 2 năm tái cơ cấu, đến nay, hệ thống ngân hàng đã giảm bớt 5 ngân hàng qua sáp nhập, hợp nhất (Đệ Nhất, Tín Nghĩa, Nhà Hà Nội, Phương Tây, Đại Á).
Bên cạnh hai thương vụ trên, Ngân hàng Nhà nước cũng đang tích cực chỉ đạo triển khai một số trường hợp mua lại một số tổ chức tín dụng khác, tiêu biểu là thương vụ các ngân hàng mua lại công ty tài chính. Từ đầu năm đến nay, ngoài việc chấp thuận cho VPBank mua lại Công ty Tài chính than - khoáng sản, Ngân hàng Nhà nước đã thẩm định phương án cơ cấu lại đối với 3 công ty tài chính ty tài chính, bao gồm: Công ty Tài chính cổ phần Điện lực, Công ty Tài chính cổ phần Hóa chất, Công ty Tài chính cổ phần Dệt may.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận về chủ trương việc Maritime Bank mua lại Công ty Tài chính cổ phần Dệt may. Đã xử lý đề nghị Công ty tài chính cổ phần Vinaconex Viettel sáp nhập vào SHB và đề nghị của Techcombank mua lại Công ty Tài chính Hóa chất. Trong số những cái tên này, Techcombank là ngân hàng mới nhất tham gia làn sóng thâu tóm công ty tài chính đang rộ lên thời gian gần đây, cùng với SHB, Maritime Bank,VPBank, HDBank...
Có vẻ sau một thời gian trầm lắng, lộ trình tái cơ cấu ngân hàng đang được đẩy nhanh với làn sóng M&A mới. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, lộ trình tái cơ cấu và M&A ngân hàng còn diễn ra quá chậm. GS. Trần Thọ Đạt cho rằng, quá trình sáp nhập, hợp nhất các ngân hàng đã không đạt mục tiêu đề ra.
“Việc chậm trễ trong M&A các tổ chức tín dụng yếu kém đang thách thức các mục tiêu của Đề án 254. Nếu như trong năm 2015, Ngân hàng Nhà nước không có các đột phá trong M&A các tổ chức tín dụng, thì chắc chắn, các mục tiêu quan trọng của Đề án 254 không hoàn thành”, GS. Trần Thọ Đạt nhận định.
Theo nghiên cứu của GS. Trần Thọ Đạt và các cộng sự, sở dĩ quá trình tái cơ cấu ngân hàng diễn ra chậm là do Nhà nước thiếu các chính sách hỗ trợ với các tổ chức tín dụng sau sáp nhập.
Phải “đánh” vào tử huyệt ngân hàng
Trả lời chất vấn Ủy ban Thường vụ Quốc hội đầu tuần này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định, sau hơn 2 năm triển khai, đến nay, lộ trình tái cơ cấu đã cơ bản được đảm bảo. Trong tuần này, Chính phủ sẽ thông qua giai đoạn II quá trình tái cơ cấu ngân hàng.
“Các ngân hàng yếu kém được cơ cấu lại theo các phương án được duyệt đều có tình hình hoạt động ổn định và cải thiện hơn so với thời điểm bắt đầu thực hiện tái cơ cấu. Các tỷ lệ an toàn hoạt động, khả năng chi trả được cải thiện và cơ bản đảm bảo theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Đến cuối tháng 6/2014, tổng tài sản của 9 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém tăng 3,l7% so với cuối năm 2013; huy động vốn tăng 3,28% so với cuối năm 2013; tổng dư nợ thị trường 1 tăng 10,18% so với cuối năm 2013”, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết.
Thế nhưng, theo các chuyên gia kinh tế, hệ thống ngân hàng mới chỉ thoát khỏi nguy cơ đổ vỡ, chứ chưa cải tổ được các “tử huyệt” của ngân hàng, cụ thể là: xử lý nợ xấu, tái cơ cấu tài chính, xử lý sở hữu chéo.
Theo TS. Trần Thọ Đạt, mục tiêu tái cơ cấu tài chính của các ngân hàng đã không đạt được, đến nay, quản trị ngân hàng chưa có nhiều thay đổi. Trong khi đó, nhiệm vụ quan trọng của tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn 2011 - 2013 là giải quyết nợ xấu lại đang rơi vào bế tắc, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam dù mua nợ, nhưng lại không bán được nợ.
Tương tự, GS. Đạt cũng cho rằng, xử lý sở hữu chéo thời gian qua còn lúng túng và không đạt hiệu quả. Hơn 2 năm qua, chỉ có 2 trường hợp sáp nhập và hợp nhất liên quan đến sở hữu chéo. Chưa hết, việc dựa vào nguồn lực thị trường để tái cấu trúc ngân hàng yếu còn, khiến Ngân hàng Nhà nước đang đối mặt với thực tế phải dùng sở hữu chéo để tái cấu trúc ngân hàng. Cũng như vậy, nợ xấu, quản trị ngân hàng và sở hữu chéo cũng là mối lo mà nhiều đại biểu quốc hội gửi tới Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong buổi chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội đầu tuần này.
Trước sự lo lắng của các chuyên gia kinh tế và các đại biểu Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, Ngân hàng Nhà nước phải triển khai xử lý ngay tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo, tăng minh bạch toàn ngành. Đồng thời, phải triển khai và giám sát chặt chẽ tình trạng tái cơ cấu ngân hàng thương mại, không để xảy ra tình trạng các ngân hàng cạnh tranh trái pháp luật, thâu tóm lẫn nhau hoặc chỉ sáp nhập mang tính cơ học.