Ngân hàng Nhà nước bơm mạnh tiền, tiền gửi tại hệ thống ngân hàng tăng trở lại sau 2 tháng giảm liên tiếp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngân hàng Nhà nước bơm tiền qua thị trường mở trong phiên ngày 22/11, với khối lượng gần gấp đôi so với một ngày trước đó.
Ngân hàng Nhà nước bơm mạnh tiền, tiền gửi tại hệ thống ngân hàng tăng trở lại sau 2 tháng giảm liên tiếp

Kết quả, 10 thành viên trúng thầu hơn 11.315 tỷ đồng, kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 6%/năm.

Lãi suất liên ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước công bố đầu tuần này các kỳ hạn đều tăng 0,10 - 0,37 điểm phần trăm so với phiên đóng cửa tuần trước. Theo đó, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm là 5,60%; 1 tuần là 6,46%; 2 tuần là 6,90% và 1 tháng là 7,70%/năm.

Đáng chú ý hơn, lãi suất tiết kiệm ở thị trường một (huy động từ dân cư và các tổ chức kinh tế), các ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất tiết kiệm tiền đồng lên cao.

Hiện nay, những ngân hàng lớn như Sacombank, Techcombank, VPBank, SHB… đã niêm yết lãi suất huy động trên 9%/năm cho kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.

Ngày 22/11, Techcombank áp dụng biểu lãi suất huy động mới từ ngày 22/11, với lãi suất các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên được tăng thêm 0,3%/năm so với biểu lãi suất trước đó.

Trong đó, mức lãi suất cao nhất đang được Techcombank áp dụng hiện lên tới 9,3%/năm dành cho khách hàng VIP1 gửi mới, với số tiền tối thiểu 3 tỷ đồng tại kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Đối với khách hàng thông thường, lãi suất cao nhất dao động trong khoảng 8,7 – 9,1%/năm tùy theo số tiền gửi.

Các kỳ hạn từ 6 tháng đến 11 tháng được Techcombank áp dụng mức lãi suất cao nhất lên tới 9%/năm, dành cho khách hàng VIP1 gửi mới với số tiền tối thiểu 3 tỷ đồng. Với khách hàng thường, mức lãi suất áp dụng dao động 8,4 - 8,8%/năm tùy theo số tiền gửi.

Ngoài ra, với các khoản tiền gửi mở mới, tất cả các kỳ hạn gửi từ 1 tháng đến dưới 6 tháng đều được hưởng mức lãi suất tối đa cho phép là 6% không phân biệt đối tượng khách hàng và số tiền gửi.

Trong khi các khoản tiền gửi dưới 1 tháng và không kỳ hạn cũng được áp dụng mức lãi suất tối đa là 1%/năm. Với các khoản tiền gửi quay vòng, biểu lãi suất áp dụng thấp hơn khoảng 0,7 - 1%/năm so với các khoản tiền gửi mới.

VPBank cũng tăng lãi suất thêm 0,3%, lãi suất lên mức cao nhất ở 9,3%/năm từ kỳ hạn 18 tháng trở lên. Ở các kỳ hạn còn lại, nhà băng này cũng tăng lãi suất ở mức cao như 6 tháng lên 8,7 - 8,9%/năm; 12 tháng từ 9,1 - 9,3%/năm…

Đối với tiết kiệm Ptime Savings, lãi suất lên cao nhất là 11,1%/năm đối với tháng đầu tiên của kỳ hạn 36 tháng, tháng tiếp theo còn 9,25%/năm; đối với kỳ hạn gửi 6 tháng, lãi suất tháng đầu tiên lên 10,22%/năm, tháng tiếp theo xuống 8,52%/năm…

Ngân hàng số Cake by VPBank cũng đã áp dụng lãi suất kỳ hạn 6 tháng lên 9,3%/năm, 12 tháng trở lên 9,5%/năm.

Mức lãi suất 9%/năm hiện được xem đã phổ biến ở nhiều ngân hàng. GPBank lên mức cao nhất 9,6%/năm đối với kỳ hạn 13 tháng trở lên, riêng kỳ hạn 6 tháng có mức lãi lên đến 9,3%/năm, 12 tháng lên 9,5%/năm.

Sacombank cũng đã tăng lãi suất lên mức 9%/năm ở kỳ hạn 15 tháng. Ở kỳ hạn 6 tháng, nhà băng này cũng đã huy động mức lãi lên 8,3%/năm, 9 tháng lên 8,6%/năm, 12 tháng lên 8,9%/năm… Đối với tiết kiệm gửi trực tuyến, Sacombank cộng thêm lãi suất cho khách hàng gửi 0,2%/năm.

Nhờ lãi suất tiền gửi tiết kiệm tăng cao nên sau khi giảm 2 tháng liên tiếp, tiền gửi tại hệ thống ngân hàng đã tăng trở lại và vượt mốc 1,4 triệu tỷ đồng.

Ngân hàng Nhà nước vừa cập nhật số liệu về tiền gửi của khách hàng tại hệ thống Tổ chức tín dụng. Sau khi giảm 2 tháng liên tiếp, tiền gửi đã tăng trở lại, thêm hơn 106.000 tỷ đồng trong tháng 9.

Cụ thể, tiền gửi của nhóm khách hàng tổ chức kinh tế tăng tăng mạnh thêm gần 105.000 tỷ đồng chỉ trong 1 tháng và đạt 5,78 triệu tỷ đồng. Dù vậy, mức tăng này vẫn chưa bù lại được mức sụt giảm hơn 170.000 tỷ của 2 tháng trước đó.

Tiền gửi của dân cư vẫn tăng trưởng dương, nhưng tốc độ tăng chậm lại đáng kể. Cụ thể, tiền gửi của nhóm khách hàng này cuối tháng 9 đạt 5,63 triệu tỷ đồng, chỉ tăng thêm 1.436 tỷ đồng so với cuối tháng 8. Trước đó, trong tháng 7, tháng 8, tiền gửi dân cư tăng thêm hơn 17.500 tỷ đồng.

Như vậy, dù có diễn biến tích cực hơn nhưng tiền gửi của toàn hệ thống cuối tháng 9 vẫn còn thấp hơn so với mức đỉnh đạt được hồi cuối tháng 6 (hơn 11,46 triệu tỷ đồng).

Tính từ đầu năm đến nay, tiền gửi của toàn hệ thống tăng hơn 475.000 tỷ đồng, tương đương tăng 4,33%. Trong đó, tiền gửi dân cư tăng 6,38% trong khi các doanh nghiệp tăng 2,43%.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tiền gửi vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với tăng trưởng tín dụng. Trong 10 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng trưởng tới 11,05%, đạt hơn 11,57 triệu tỷ đồng.

Tin bài liên quan