Các ngân hàng nước ngoài mong muốn có biện pháp xử lý thống nhất về tư cách chủ thể trong giao dịch dân sự

Các ngân hàng nước ngoài mong muốn có biện pháp xử lý thống nhất về tư cách chủ thể trong giao dịch dân sự

Ngân hàng ngoại vẫn còn những băn khoăn

(ĐTCK) Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2017 vừa tổ chức, bà Natasha Ansell, Trưởng Nhóm công tác Ngân hàng (BWG) cho biết, trong bối cảnh FDI tiếp tục là nhân tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam, nhu cầu quản lý hiệu quả vốn lưu động và thanh khoản cho các doanh nghiệp này ngày càng tăng. Tuy nhiên, hiện nay, chưa có quy định cụ thể cho các giải pháp tài khoản tiên tiến này.

“BWG đã nhận được sự hợp tác chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) trong việc tổ chức các hội thảo chia sẻ thông tin từ các chuyên gia quốc tế.

Chúng tôi kiến nghị Chính phủ cùng các bộ ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp nghiên cứu ban hành các quy định cần thiết cho việc áp dụng các giải pháp quản lý tiền mặt tối ưu cho các tập đoàn đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam”, bà Ansell nói.

Cũng theo bà Ansell, các quy định về quản lý ngoại hối cho phép các ngân hàng quyết định các chứng từ cần kiểm tra cho giao dịch. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn sự khác biệt trong cách hiểu đối với quy định kiểm tra chứng từ giữa ngân hàng và cơ quan hành pháp. BWG kiến nghị các bộ ngành liên quan ban hành, giải thích và hướng dẫn thống nhất với quy định về quản lý ngoại hối của NHNN nhằm hỗ trợ các ngân hàng trong việc đơn giản hóa chứng từ.

Đặc biệt, liên quan đến Bộ Luật Dân sự 2015, hiệu lực từ 1/1/2017, trong đó quy định chủ thể trong giao dịch dân sự chỉ bao gồm cá nhân và pháp nhân. Do đó, các tổ chức không phải là pháp nhân không phải là chủ thể độc lập ký hợp đồng giao dịch dân sự (bao gồm hợp đồng mở và sử dụng tài khoản tại ngân hàng). Các nhóm công tác của VBF rất mong sớm nhận được văn bản hướng dẫn chính thức về vấn đề này.

Trước khi trả lời các kiến nghị của BWG, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc NHNN cho biết, trong năm 2017, NHNN đã xử lý dứt điểm 7 vấn đề, 5 vấn đề tiếp tục được nghiên cứu xử lý trong quá trình hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và 3 vấn đề liên quan đến các cơ quan khác xử lý.

Đối với việc phát triển các sản phẩm quản lý dòng tiền, điều chuyển vốn của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam, bà Hồng chia sẻ, vừa qua, BWG và NHNN đã tổ chức các buổi họp, tọa đàm trao đổi về bản chất, nội dung, hình thức thực hiện, kinh nghiệm quốc tế về sản phẩm quản lý thanh khoản, hoạt động điều chuyển vốn trong nội bộ các tập đoàn đa quốc gia.

Theo kinh nghiệm của một số quốc gia, hoạt động điều chuyển vốn trong nội bộ các tập đoàn đa quốc gia thường được quy định tại Luật Doanh nghiệp, Luật Dân sự, Luật Kế toán… Theo đó, thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước được quy định rõ tại các luật này.

“Trong thời gian tới, BWG cần tiếp tục rà soát các quy định liên quan của pháp luật Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế để đề xuất giải pháp cụ thể với các bộ ngành liên quan nhằm thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động này”, bà Hồng nói.

Liên quan đến đơn giản hóa các chứng từ ngoại hối, theo bà Hồng, Pháp lệnh Ngoại hối và Nghị định 70/2014/NĐ-CP đã quy định nguyên tắc kiểm tra chứng từ giao dịch ngoại hối theo hướng: Thứ nhất, giao cho các tổ chức tín dụng (TCTD) có trách nhiệm xem xét, kiểm tra, lưu giữ các giấy tờ và các chứng từ phù hợp với giao dịch thực tế để đảm bảo việc cung ứng các dịch vụ ngoại hối được thực hiện đúng mục đích và phù hợp với các quy định của pháp luật; thứ hai, các tổ chức, cá nhân khi thực hiện giao dịch ngoại hối có trách nhiệm xuất trình các chứng từ theo quy định của các TCTD và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các loại giấy tờ, chứng từ đã xuất trình.

“Các quy định trên nhằm tạo quyền chủ động cho các TCTD khi cung ứng dịch vụ ngoại hối cho khách hàng, đảm bảo việc kiểm soát chứng từ phù hợp với các giao dịch phát sinh trên thực tế. Tuy nhiên, theo báo cáo của BWG, hiện tại, tổ chức này đang gặp một số khó khăn, vướng mắc do cách hiểu chưa thống nhất giữa BWG và các cơ quan thi hành pháp luật về quy định kiểm soát chứng từ.

NHNN ghi nhận ý kiến này và đề nghị BWG trong thời gian tới tích cực phối hợp với NHNN và các cơ quan liên quan để thống nhất cách hiểu, đảm bảo phù hợp với các quy định về quản lý ngoại hối và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các TCTD”, bà Hồng nói.

Về chủ thể của các đối tượng mở tài khoản thanh toán theo Bộ luật Dân sự, cũng theo bà Hồng, NHNN nắm bắt được các vấn đề phát sinh và đã có hướng dẫn các ngân hàng thực hiện theo lộ trình. Bên cạnh đó, thời gian qua, NHNN cũng đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan để có biện pháp xử lý thống nhất liên quan đến tư cách chủ thể trong giao dịch dân sự.

Tin bài liên quan