Ngân hàng ngoại, ngân hàng liên doanh tại Việt Nam vượt khó

Ngân hàng ngoại, ngân hàng liên doanh tại Việt Nam vượt khó

(ĐTCK) Hiện có 5 ngân hàng liên doanh, 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài và 54 chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cấp giấy phép hoạt động tại Việt Nam.

Ngân hàng ngoại, ngân hàng liên doanh tại Việt Nam vượt khó ảnh 1Các ngân hàng nước ngoài nên mạnh dạn mở rộng phạm vi hoạt động ở các địa phương

 

Các chi nhánh, văn phòng đại diện ngân hàng nước ngoài và các tổ chức tín dụng (TCTD) có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, là cầu nối thu hút đầu tư nước ngoài, là kênh truyền dẫn vào Việt Nam những công nghệ ngân hàng hiện đại, những thông lệ quốc tế về quản trị và là nguồn tài chính không nhỏ bổ sung cho thị trường tài chính Việt Nam.

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, các ngân hàng ngoại vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh tại Việt Nam . Theo TS. Hiếu, ở Việt Nam , “con đường” thường ngoằn nghèo, chứ không đi thẳng. Ví dụ, các ngân hàng nước ngoài khó cạnh tranh trong huy động vốn, bởi các ngân hàng trong nước thường có quà tặng khách hàng, thậm chí cộng thêm lãi suất thưởng. Hay việc cho vay của các ngân hàng trong nước nhiều khi dựa trên cơ sở quan hệ cá nhân, chứ không dựa trên chỉ số tài chính hoặc những yếu tố căn bản, cơ sở căn bản của tín dụng. Bên cạnh đó, khách hàng trong nước cũng thích làm ăn với ngân hàng trong nước để dễ bề linh hoạt, xử lý vấn đề.

“Do đó, các ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh khó ‘luồn sâu’ vào thị trường Việt Nam ”, TS. Hiếu nhận xét.

Bên cạnh đó, theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng, hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn còn hạn chế về thông tin, gây không ít khó khăn cho các ngân hàng nước ngoài. Ví dụ, ở Mỹ, trong một địa phương, tổng huy động bao nhiêu đều được công bố trên trang điện tử và dựa vào thông tin đó, các ngân hàng lên những kế hoạch cho vay. Hay quy định luật pháp của Việt Nam có một số bất cập trong việc lấy tài sản thế chấp. Ở nước ngoài, không khi nào ngân hàng tài trợ bất động sản nếu không được chuyển nhượng, thế chấp quyền sở hữu tại thời điểm cho vay. Nhưng điều này, khung pháp lý ở Việt Nam chưa cho phép.

“Do vậy, các ngân hàng nước ngoài nỗ lực vượt qua khó khăn bằng cách thích ứng trong chừng mực, nhưng khó thể hòa đồng, vì chính sách của ngân hàng mẹ và sự chuyên nghiệp không cho phép”, TS. Lực nói.

Theo TS. Hiếu, để vượt qua khó khăn, mô hình đồng tài trợ đã được các ngân hàng nước ngoài triển khai. Cụ thể, đầu năm nay, ANZ là một trong 7 ngân hàng đầu mối thu xếp chính cho khoản vay hợp vốn trị giá 300 triệu USD cho Tổng công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP), trong đó, riêng ANZ thu xếp 30 triệu USD. Trước đó, HSBC, Citi và Deutsche Bank đã ký kết hợp đồng tài trợ vốn lên đến 457 triệu USD cho Vietnam Airlines để mua mới 8 máy bay Airbus A321-231S của Airbus. Trong đó, hạn mức tín dụng xuất khẩu trị giá 400 triệu USD được thu xếp và tài trợ bởi HSBC và Citi. Khoản tài trợ thương mại trị giá 57 triệu USD được thu xếp bởi HSBC và Deutsche Bank.

Năm 2011, Ngân hàng Standard Chartered thu xếp khoản vay 37 triệu USD, chiếm 70% vốn góp của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) trong Dự án đóng giàn khoan tiếp trợ nửa nổi, nửa chìm (TAD), thông qua hợp đồng tín dụng và cầm cố đầu tư. Năm 2010, Standard Chartered thu xếp khoản vay 430 triệu USD cho Tổng công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí và 133 triệu USD cho Tổng công ty Khí Việt Nam. Năm 2009, Standard Chartered đã tài trợ khoản vay 250 triệu USD cho PVN trong Dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

“Việc ký kết hợp đồng tín dụng, hợp đồng cầm cố giữa Ngân hàng với PVN thể hiện cam kết của Standard Chartered trong việc hỗ trợ khách hàng Việt Nam tiếp cận với thị trường vốn quốc tế, phục vụ cho các nhu cầu về tài chính dài hạn”, ông Louis Taylor, Tổng giám đốc Standard Chartered (Việt Nam) nói.

TS. Hiếu khuyến nghị: “Các ngân hàng nước ngoài nên triển khai mạnh hơn mô hình này, qua đó giảm thiểu rủi ro và học hỏi cách làm ăn với doanh nghiệp Việt Nam . Bên cạnh đó, cần mạnh dạn mở rộng phạm vi hoạt động ở các địa phương, chứ không nên tập trung chủ yếu vào các đô thị”.