Trao đổi với ĐTCK, ông Tareq Muhmood, Tổng giám đốc ANZ Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh thị trường có nhiều khó khăn, doanh nghiệp cạn tài sản đảm bảo thì việc đẩy mạnh cho vay tín chấp có thể xem là một giải pháp để đẩy vốn ra thị trường. Bản thân ANZ, theo ông Tareq, cũng triển khai cho vay tín chấp từ lâu.
“Tại nhiều ngân hàng, đặc biệt trong giai đoạn thị trường khó khăn hiện nay, thường xem xét cấp tín dụng dựa trên tài sản thế chấp của doanh nghiệp, thay vì dựa vào khả năng trả nợ của họ. Nhưng với ANZ, điều đầu tiên và tối thiểu trong việc xem xét cấp tín dụng cho khách hàng là nhìn vào khả năng trả nợ của họ, chứ không đơn thuần chỉ nhìn vào tài sản thế chấp”, ông Tareq nói và cho biết thêm, tỷ lệ cho vay tín chấp tại ANZ hiện chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng dư nợ của Ngân hàng.
Tuy nhiên, ông Tareq cũng thừa nhận, tín dụng tín chấp có rủi ro cao hơn so với cho vay thế chấp. Vì thế, các ngân hàng phải có đội ngũ nhân viên tín dụng đủ giỏi, nhìn thấy những rủi ro trước mắt để đưa ra cảnh báo trước khi quyết định trao vốn cho khách hàng.
“Rủi ro trong hoạt động tín dụng luôn có, nhất là với tín dụng tín chấp. Điều quan trọng là việc đảm bảo từ phía khách hàng, các doanh nghiệp phải có trách nhiệm đối với khoản vay. Vì nếu nợ xấu tăng, doanh nghiệp phá sản sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều người”, ông Tareq chia sẻ thêm.
Nếu doanh nghiệp tốt, dự án khả thi, lãi suất cho vay sẽ được ngân hàng cân nhắc, kể cả với khoản tín dụng tín chấp. Còn nếu khoản vay có rủi ro, trước khi trao vốn cho khách hàng, ngân hàng cũng phải cân nhắc rất kỹ lưỡng và nếu đồng ý trao vốn, lãi suất sẽ cao hơn. Trên thực tế, để tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ, các doanh nghiệp phải có sức khỏe tốt và dự án khả thi và khả năng trả nợ đảm bảo. Đó cũng là điều kiện cần thiết để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tín chấp. Vì thế, các doanh nghiệp nhất thiết phải minh bạch về tài chính, chiến lược kinh doanh rõ ràng, sử dụng vốn vay đúng mục đích.
Phó tổng giám đốc HSBC Việt Nam ông Phạm Hồng Hải cho biết, ở các ngân hàng nước ngoài, tỷ lệ cho vay tín chấp đối với khách hàng chiếm trên 80% tổng dư nợ. Tuy nhiên, điều kiện để được cung ứng vốn tín chấp cũng rất khắt khe. Ngân hàng cũng chỉ chọn những khách hàng có chất lượng tốt, có kế hoạch kinh doanh khả thi và có kết quả hoạt động trong quá khứ rõ ràng, được kiểm toán bởi các đơn vị có uy tín…
Ông Hải nhìn nhận, việc khuyến khích các ngân hàng tăng cho vay tín chấp theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước là một chủ trương đúng để quay về thực chất của ngân hàng là cung cấp tín dụng dựa trên đánh giá dòng tiền trong tương lai, thay vì nhìn vào tài sản thế chấp của khách hàng. Đó cũng là nguyên tắc trong quá trình triển khai tín dụng của các ngân hàng ngoại: “Tài sản thế chấp chỉ là yếu tố xem xét cuối cùng”.
Theo lãnh đạo các ngân hàng ngoại, để có thể đẩy mạnh cho vay tín chấp, điều quan trọng là ngân hàng cần hiểu rõ thêm về hoạt động của doanh nghiệp, về dòng tiền, cách quản trị của doanh nghiệp mang tính chất ổn định hay không để tăng cho vay (kể cả tín chấp và thế chấp). Chẳng hạn, đối với tài sản thế chấp là hàng tồn kho, ngân hàng phải cử nhân viên giám sát thường xuyên và xem lưu chuyển hàng tồn kho thế nào. Vì vậy, yếu tố cần thiết chính là phải đào tạo được đội ngũ cán bộ tín dụng chuyên nghiệp, để có thể theo sát được hoạt động của khách hàng khi ngân hàng quyết định trao vốn, hạn chế nguy cơ nợ xấu. Đáng chú ý là trước tình hình khó khăn hiện nay, hoạt động của doanh nghiệp bị tác động, việc kiểm soát rủi ro nợ xấu đòi hỏi kỹ lưỡng hơn. Đó cũng là lý do để các lãnh đạo ngân hàng đưa ra nhận định, khả năng tăng trưởng tín dụng trong năm nay sẽ khó đạt mục tiêu kỳ vọng.
Tổng giám đốc ANZ ông Tareq cho rằng, tăng trưởng tín dụng sẽ tương đối ổn định trong những tháng cuối năm và không nên chạy đua mục tiêu tín dụng, nếu không chú trọng đến chất lượng khoản vay sẽ dẫn đến rủi ro nợ xấu.
“Với ANZ, chủ trương của Ngân hàng sẽ tăng trưởng tín dụng ở mức ổn định những tháng còn lại của năm 2014”, ông Tareq nói.
Khối Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng HSBC cũng đưa ra nhận định, 7 tháng đầu năm, tín dụng toàn ngành ngân hàng mới tăng 3,6% so với cuối năm 2013 và khoảng 11% so với cùng kỳ năm trước nên khả năng, tăng trưởng tín dụng năm nay của toàn hệ thống chỉ có thể đạt 10%, dù NHNN đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 12% - 14%.