Cạnh tranh cho vay phân tán
Trong khi mặt bằng lãi suất cho vay cá nhân tại một số ngân hàng trong nước có chiều hướng nhích lên khi phải cơ cấu lại nguồn theo quy định của Thông tư 19/2017/TT-NHNN, thì không ít ngân hàng nước ngoài lại cạnh tranh lãi suất cho vay tiêu dùng nhỏ, lẻ.
Thời điểm này, nhân viên tín dụng Shinhan Bank chào mời lãi suất cho vay tiêu dùng cá nhân chỉ dao động quanh 20-21%/năm tín chấp, với hạn mức cho vay gấp 7 lần lương, nhưng không quá 50 triệu đồng. Trường hợp khách hàng vay hạn mức cao hơn, lãi suất cho vay được nhà băng này áp dụng thấp hơn khoảng 1 - 2%/năm. Tuy nhiên, với tín dụng mua nhà, Shinhan Bank cho vay với lãi suất chưa tới 10%/năm.
Shinhan Bank hiện là một trong những ngân hàng nước ngoài đang đẩy mạnh cho vay nhỏ, lẻ tại Việt Nam. Trước đó, cuối năm 2017, Shinhan Bank chính thức nhận chuyển giao hoàn tất toàn bộ khối ngân hàng bán lẻ từ Ngân hàng ANZ Việt Nam. Sau ngày chuyển giao, Shinhan Bank tiếp nhận từ ANZ toàn bộ khối kinh doanh ngân hàng bán lẻ, bao gồm nhân sự, 2 chi nhánh và 6 phòng giao dịch tại TP.HCM và Hà Nội, cùng khoảng 125.000 khách hàng cá nhân.
Sau thương vụ trên, Shinhan Bank vận hành mạng lưới 26 chi nhánh/phòng giao dịch trên toàn quốc, hơn 1.400 nhân sự và tiếp tục giữ ngôi vị ngân hàng nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Không dừng lại ở đó, Shinhan Bank tiếp tục mua lại Công ty Tài chínhPrudential Finance để tiếp tục tấn công mạnh thị trường tài chính Việt Nam.
Không chỉ ngân hàng nội, ngay các ngân hàng ngoại cũng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng nhỏ, lẻ, cạnh tranh lãi suất. Trong đó, Indovina Bank, ngân hàng liên doanh đầu tiên ở Việt Nam vừa đưa ra chương trình cho vay ưu đãi với các đối tượng khách hàng mua bất động sản và mua ô tô.
Cụ thể, Indovina Bank có 2 lựa chọn cho người vay: lãi suất cố định 7,99%/năm, miễn phí trả nợ trước hạn từ năm thứ ba; lãi suất cố định 9,99%/năm kèm miễn phí trả nợ trước hạn, không quy định thời gian trả nợ trước hạn. Thời gian của gói vay là 25 năm và tỷ lệ cho vay là 80% giá trị tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, điều kiện để khách hàng được hưởng các ưu đãi trên là phải vay trước ngày 30/6/2019 và mức lãi suất cố định được áp dụng trong 12 tháng đầu tiên.
Standard Chartered, HSBC, Hong Leong Bank… cùng các công ty tài chính trong và ngoài nước cũng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng nhỏ, lẻ thấu chi qua thẻ tín dụng…
Vì lợi nhuận cao
Việc một số ngân hàng ngoại chuyển nhượng mảng bán lẻ, theo giới phân tích tài chính là do tập trung vào bán buôn. Nhưng thực tế cho thấy, mảng bán lẻ luôn được các ngân hàng ngoại quan tâm, bởi biên lợi nhuận cho vay nhỏ, lẻ cao hơn cho vay tổ chức.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, sau khi đã loại các tổ chức tín dụng có vốn chủ sở hữu âm, khả năng sinh lời cao nhất không thuộc về nhóm ngân hàng cổ phần hay ngân hàng có vốn nhà nước, mà thuộc về công ty tài chính, cho thuê với 3,02%, đứng thứ 2 là Ngân hàng Chính sách xã hội với tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) đạt 1,02%. Điều đó cho thấy, tín dụng tiêu dùng nhỏ, lẻ sinh lời cao.
Dù tỷ lệ đóng góp vào ngân hàng mẹ được cho là đã giảm so với trước đây và chỉ còn khoảng 36%, song kết thúc năm 2018, FE Credit vẫn là công ty con đóng góp tỷ lệ cao nhất vào tổng lợi nhuận 9.200 tỷ đồng trước thuế của VPBank. Tính đến cuối năm 2018, ROA và vốn chủ sở hữu (ROE) của VPBank đạt lần lượt 2,5% và 22,9%; tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) ở mức 9%.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC), FE Credit được cho là đã đem lại nguồn lợi nhuận gần phân nửa cho ngân hàng mẹ. Năm 2018, FE Credit đạt mức tăng trưởng khả quan, với gần 30% số lượng tài khoản vay mới và tăng thêm 23% lượng khách hàng so với năm 2017.
Kết thúc năm 2018, HD Saison đạt lợi nhuận trước thuế 898 tỷ đồng, tăng 72,7% so với năm 2017 và đóng góp 22% vào tổng lợi nhuận hơn 4.000 tỷ đồng của HDBank hợp nhất. HSC dự tính, lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2019 của HDBank sẽ tăng 27,3%, đạt 5.098 tỷ đồng, đưa hệ số ROA lên 23%. Trong đó, NIM của ngân hàng này sẽ tiếp tục tăng nhờ sự kết hợp hoàn hảo giữa chiến lược ngân hàng bán lẻ với tài chính tiêu dùng.
TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính cho rằng, tín dụng tiêu dùng nhỏ, lẻ tại thị trường Việt Nam còn nhiều tiềm năng tăng trưởng, nên sẽ thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài rót vốn. Hiện rất nhiều các công ty tài chính trong nước đã được bán cho nhà đầu tư nước ngoài tỷ lệ 49%.
Tổng tài sản của các tổ chức tín dụng vượt 10,8 triệu tỷ đồng
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối năm 2018, tổng tài sản của các tổ chức tín dụng đạt trên 10,8 triệu tỷ đồng, tăng 8,23% so với đầu năm. Vốn tự có đạt 785.660 tỷ đồng, tăng 10,02% so với đầu năm. Vốn điều lệ đạt 570.800 tỷ đồng, tương đương tăng 11,4%.