Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam (Shinhan Bank) vừa công bố báo cáo tài chính nửa đầu năm 2023 với lợi nhuận sau thuế đạt 2.392 tỷ đồng, bằng 64% lợi nhuận năm 2022 của Shinhan Bank. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) của Shinhan Bank tăng từ 14,69% lên 17,47%.
Trước đó, trong năm 2022, Shinhan Bank là một trong số ít những nhà băng ngoại duy trì được mức lợi nhuận cao đạt 3.706 tỷ đồng, tăng 46% so với năm trước.
Shinhan Bank cũng cho biết, vốn chủ sở hữu tăng từ 25.222 tỷ đồng vào cuối năm 2022 lên 27.614 tỷ đồng vào cuối tháng 6/2023. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu từ 5,92 lần được hạ xuống còn 4,72 lần. Đồng thời, dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu cũng giảm từ 0,11 lần xuống còn 0,1 lần.
Đồng thời, Shinhan Bank công bố tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41 đạt 20,43% vào cuối tháng 6/2023, tăng 2,59% so với cuối năm 2022.
Tương tự, luỹ kế 6 tháng đầu năm, HSBC lãi trước thuế hơn 3.300 tỷ đồng, tăng 140% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt 2.649 tỷ đồng.
Động lực tăng trưởng lợi nhuận chủ yếu đến từ nguồn thu nhập lãi thuần, tăng 157% so với cùng kỳ năm trước đạt hơn 4.000 tỷ đồng. Lãi thuần từ dịch vụ tăng nhẹ 8,2% mang về 432 tỷ đồng trong khi lãi thuần mảng kinh doanh ngoại hối giảm 38,7% mang về gần 372 tỷ đồng.
Tính đến 30/6/2023, tổng tài sản của HSBC Việt Nam giảm 4,2% còn 190.291 tỷ đồng trong đó cho vay khách hàng tăng 1% so với cuối năm trước với số dư nợ là 63.781 tỷ đồng.
Số dư nợ xấu của ngân hàng cũng tăng gần 28% với 277 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ nhích nhẹ từ 0,13% (cuối năm 2022) lên 0,17% vào cuối tháng 6. Trong kỳ ngân hàng cũng tăng dự phòng rủi ro thêm 10% lên 676 tỷ đồng, chi phí trích lập dự phòng rủi ro của 6 tháng đầu năm tăng gấp ba lần cùng kỳ năm trước với 99 tỷ đồng.
Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của HSBC ở mức âm, cho thấy ngân hàng dồi dào vốn trung dài hạn. Tuy nhiên, số dư tiền gửi khách hàng của HSBC có giảm 6,3% còn 164.531 tỷ đồng, quy mô lớn hơn rất nhiều so với quy mô cho vay.