Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết quý I/2014, cả nước có 68,55 triệu thẻ ngân hàng, tăng 2,34 triệu thẻ (3,5%) so với cuối năm 2013. Trong đó, có 61,83 triệu thẻ nội địa và 6,72 triệu thẻ quốc tế, tăng lần lượt 3,27% và 6% so với cuối năm 2013.
Báo cáo của Hội Thẻ Ngân hàng Việt Nam đưa ra tại Hội nghị thường niên năm 2014 tổ chức mới đây cho thấy, doanh số thanh toán qua thẻ năm 2013 đạt hơn 1,2 triệu tỷ đồng, tăng hơn 23,37% so với năm 2012 và còn có thể tăng khá trong những năm tới.
Theo nhận định chung, mảng dịch vụ thẻ ở Việt Nam còn khá màu mỡ, có nhiều tiềm năng để các ngân hàng khai phá và khối ngân hàng ngoại đã nắm thời cơ, không ngừng tập trung phát triển dịch vụ thẻ, nhất là thẻ tín dụng.
Ông Sanjoy Sen, Giám đốc phụ trách khối ngân hàng bán lẻ (Ngân hàng ANZ khu vực châu Á - Thái Bình Dương) cho biết, ở các thị trường mới nổi như Việt Nam, nhu cầu về dịch vụ tài chính gia tăng nhanh; cụ thể, nhu cầu này của khối khách hàng cá nhân của ANZ Việt Nam tăng tới 32% trong năm 2013.
“Để đẩy mạnh thực hiện chiến lược bán lẻ tại thị trường Việt Nam, ANZ sẽ tiếp tục tập trung vào phân khúc khách hàng trung lưu, trong đó, sản phẩm thẻ tín dụng luôn được ANZ chú trọng. Hiện tại, việc thâm nhập thị trường thẻ tín dụng của Việt Nam với các ngân hàng còn hạn chế, song trong 10 năm tới, chắc chắn, thẻ tín dụng sẽ rất phát triển tại Việt Nam. Kinh nghiệm của ANZ tại các thị trường mới nổi đã cho thấy rõ điều này”, ông Sanjoy Sen nói.
Bên cạnh ANZ, HSBC Việt Nam cũng là ngân hàng nước ngoài có thế mạnh về thẻ, nhất là thẻ tín dụng. Phần lớn khách hàng sở hữu thẻ tín dụng của HSBC là người Việt Nam và tổng chi tiêu thực hiện qua thẻ tín dụng của HSBC Việt Nam có tốc độ tăng hơn 90% trong ba năm qua.
Ông Arn Vogels, Giám đốc Khu vực Đông Dương của Tổ chức MasterCard cũng cho rằng, hiện ở Việt Nam, việc sử dụng tiền mặt trong thanh toán ở Việt Nam còn khá phổ biến, chiếm đến 90% giao dịch, thanh toán. Do đó, để thực hiện được mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt mà Ngân hàng Nhà nước đề ra, thì đòi hỏi trước hết là phát triển được dịch vụ thẻ.
Nhu cầu sử dụng thẻ của người tiêu dùng Việt Nam ngày một gia tăng và khác nhau nên việc phát triển sản phẩm, dịch vụ thẻ của ngân hàng cũng khá đa dạng. Vì vậy, MasterCard không chỉ liên kết với các ngân hàng tại Việt Nam phát hành thẻ tín dụng, mà còn liên kết với ngân hàng để phát hành cả thẻ nội địa và thẻ thanh toán. “Hiện việc chấp nhận thanh toán thẻ tại các cửa hàng ở các thành phố lớn đang dần trở nên phổ biến, nhưng ở các tỉnh, thành phố nhỏ vẫn còn rất hạn chế. Việc thanh toán không dùng tiền mặt sẽ giảm thiểu được rủi ro cho khách hàng, người bán hàng…, nên cần thiết đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt”, ông Arn Vogels nhận xét.
Ngoài MasterCard, hai tổ chức phát hành thẻ tín dụng quốc tế lớn khác là Visa Card và JCB (Nhật Bản) bước đầu cũng gặt hái những thành công nhất định. Cụ thể, Visa Card đã có hơn 1 triệu thẻ tại Việt Nam, trong khi JCB (Nhật Bản) cũng bắt tay với một số ngân hàng TMCP trong nước, gồm: VietinBank, Vietcombank, Sacombank, Eximbank để phát hành rộng rãi thẻ quốc tế JCB.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia tài chính - ngân hàng, để phát triển được dịch vụ thẻ và đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt có 2 điểm quan trọng là làm thế nào thay đổi được hành vi của người tiêu dùng và phát triển được hệ thống chấp nhận thanh toán thẻ. Hiện ở thị trường Việt Nam chỉ mới có 120.000 điểm chấp nhận thanh toán bằng thẻ và số điểm này sẽ phải tăng gấp nhiều lần trong những năm tới để thực hiện chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là giảm thiểu thanh toán bằng tiền mặt.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia tài chính nước ngoài cũng cảnh báo, thách thức đối với thị trường mới nổi là dân số tăng nhanh, nên đối với thẻ, nhất là thẻ tín dụng, nếu ngân hàng không kiểm soát tốt, rủi ro sẽ rất lớn. Mặt khác, đối với khách hàng cá nhân, các sản phẩm, dịch vụ đưa ra phải có sự cam kết dài hạn, nếu không, sẽ khó đem lại thành công.