Hơn 66% kim ngạch xuất khẩu của nước ta hiện nay nằm trong tay doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Điều này cho thấy, DN FDI cũng là những khách hàng “béo bở” của hệ thống ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, bấy lâu nay, “miếng bánh” này nằm trọn trong tay khối ngân hàng nước ngoài.
Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, thị phần thanh toán của Ngân hàng gần đây tiếp tục giảm sút, mặc dù xuất khẩu cả nước 2 năm qua liên tục tăng.
“Hai năm qua, tuy xuất khẩu tăng khá, nhưng chủ yếu là nhờ khu vực DN FDI. Các DN này lại chủ yếu dùng dịch vụ thanh toán của ngân hàng nước họ, nên thị phần của ngân hàng trong nước bị ảnh hưởng tiêu cực”, ông Bình thừa nhận.
Hiện khối ngân hàng TMCP quốc doanh tập trung chủ yếu vào cho vay các tập đoàn, DNNN, trong khi khối ngân hàng cổ phần tập trung cho vay DN nhỏ và vừa, khách hàng cá nhân.
Tuy nhiên, thị phần dường như đang được vẽ lại, khi các ngân hàng quyết liệt giành thị phần của nhau. Trong khi khối ngân hàng ngoại tích cực chào vay các DN trong nước, thì khối ngân hàng nội cũng tích cực tiếp cận DN FDI.
Ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc, kiêm Giám đốc Khối nguồn vốn và ngoại hối, Ngân hàng VIB cho hay, VIB đang tập trung mở rộng khách hàng DN FDI.
“Ngân hàng nước ngoài tuy có nhiều lợi thế về vốn, nhưng lại không có mạng lưới phân phối rộng bằng các ngân hàng Việt Nam. Vì vậy, nhiều DN FDI lớn tại Việt Nam, khi cần ngân hàng có khả năng đáp ứng được chuỗi cung ứng của họ, thì ngân hàng ngoại khó thực hiện, trong khi VIB hoàn toàn có thể tham gia tài trợ chuỗi cung ứng đó”, ông Trung nói.
Ngoài VIB, nhiều ngân hàng trong nước khác cũng đang nhắm tới DN FDI, đặc biệt là các DN nhỏ đến từ Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Không chỉ ở khối khách hàng DN, trên thị trường bán lẻ, các ngân hàng nội - ngoại cũng cạnh tranh khốc liệt
giành thị phần.
Ông Trần Thanh Quang, Phó tổng giám đốc Ngân hàng OceanBank cho rằng, đến năm 2015, khối ngân hàng ngoại tấn công mạnh thị trường bán lẻ sau khi đã đặt chân vững chắc vào thị trường Việt Nam.
Ngân hàng Nhà nước cũng nhận định, sau năm 2015, bán lẻ sẽ là thị trường chủ đạo mà các ngân hàng nước ngoài tập trung khai thác, dù khối này hiện mới chiếm khoảng 10% thị phần bán lẻ. Hầu hết ngân hàng nước ngoài như ANZ, HSBC, Standard Chartered... đều đánh giá rất cao triển vọng thị trường bán lẻ của Việt Nam và không giấu tham vọng tăng thị phần trong lĩnh vực này.
Ông Keith Pogson, phụ trách Dịch vụ tài chính ngân hàng, Công ty Ernst & Young nhận định: “Ngân hàng ngoại có những lợi thế riêng như công nghệ, quy trình, sản phẩm. Trong khi đó, ngân hàng nội rất nhanh nhạy với sự thay đổi của thị trường, với lợi thế là có mạng lưới rất tốt, một số ngân hàng có thể vươn đến cả vùng nông thôn xa xôi, điều mà ngân hàng nước ngoài không thể làm được”.
Dù cuộc so găng ngân hàng nội - ngoại dự báo tiếp tục quyết liệt, song dường như các ngân hàng nước ngoài vẫn quyết tâm bám trụ lâu dài tại thị trường Việt Nam. Theo nhận định của các ngân hàng nước ngoài, Việt Nam vẫn là một trong những mảnh đất hấp dẫn đầu tư nhất châu Á.
Chính vì vậy, mặc dù gần đây, do căng thẳng trên biển Đông, một số nơi trên cả nước xảy ra hành vi quá khích, song với sự quyết liệt ổn định tình hình của Chính phủ và triển vọng kinh tế Việt Nam, các ngân hàng nước ngoài vẫn quyết tâm bám trụ, đầu tư lâu dài tại Việt Nam.
Tại buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước gần đây, các ngân hàng ICBC (Trung Quốc), HuaNan (Đài Loan), BTMU (Nhật Bản), ANZ, HSBC… đều khẳng định niềm tin và cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam.