Techcombank (TCB) công bố kết quả kinh doanh năm 2020 với lợi nhuận trước thuế đạt 15,8 nghìn tỷ và doanh thu đạt 27,0 nghìn tỷ; tăng lần lượt 23,1% và 28,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Techcombank tiếp tục dẫn đầu thị trường về tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA), tăng 46,1% trong cả năm qua và tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) là 3,1%.
Trước đó, khi tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn tại nhiều ngân hàng sụt giảm trong 9 tháng đầu năm 2020 thì Techcombank lại tạo dấu ấn với mức tăng trưởng hơn 23% về số dư, đưa tỉ lệ CASA của ngân hàng lên trên 37%.
Báo cáo tài chính quý IV/2020 của MB cho biết, lợi nhuận trước thuế hợp nhất trong quý này đạt 2.554 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2019 đạt 2.419 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2020, lợi nhuận trước thuế MB đạt 10.688 tỷ đồng, tăng 6,5% so với năm 2019 (10.036 tỷ đồng); lợi nhuận sau thuế đạt 8.262 tỷ đồng, cao hơn con số 7.822 tỷ đồng của năm 2019. EPS đạt 2.993 đồng/cổ phiếu, tăng 8,5%.
Đóng góp lớn nhất vào việc tăng trưởng hiệu quả kinh doanh của MB năm 2020 là khoản thu từ hoạt động tín dụng. Trong năm 2020, thu nhập từ lãi cho vay tại MB đạt 24.383 tỷ đồng, tăng trên 1.000 tỷ đồng so với năm 2019.
Trong mảng dịch vụ, lãi thuần từ hoạt động này tăng gần 400 tỷ đồng năm 2020.
Ngân hàng cũng tăng mạnh trích lập chi phí dự phòng rủi ro trong năm 2020 với mức trích 6.118 tỷ đồng để phù hợp với tình hình chung của nền kinh tế cũng như ngành ngân hàng, trong khi con số này của năm 2019 là 4.890 tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ xấu của MB ở mức 1,09%. Tỷ lệ bao phủ dự phòng/nợ xấu ở mức 160%.
Nhưng điểm đáng chú ý trong kết quả kinh doanh của MB năm 2020 là dòng tiền tiết kiệm tiếp tục chảy mạnh, trong đó tiền gửi không kỳ hạn/tổng tiền gửi của khách hàng (casa) vượt qua tỷ lệ 37% (115.194 tỷ đồng/310.960 tỷ đồng).
Tại Vietcombank, tổng huy động vốn đến hết năm 2020 đạt 1,08 triệu tỷ đồng, tăng 4,9% so với 2019, trong đó riêng huy động vốn thị trường một đạt 1,05 triệu tỷ đồng, tăng 10,9% so với năm trước và đạt 104,6% kế hoạch năm.
Tỷ trọng huy động vốn không kỳ hạn (CASA) của Vietcombank đạt bình quân 28,9%. Đây cũng là một trong những yếu tố tác động tích cực lên lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt 22.529 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất đạt xấp xỉ 23.068 tỷ đồng trong năm 2020, tương đương quy mô như năm 2019.
Công ty chứng khoán Vietcombank (VCSC) dự báo tỷ lệ CASA của Vietcombank sẽ duy trì ở mức hiện tại là 31% huy động khách hàng trong 2020-2021.
Có được nguồn tiền gửi không kỳ hạn dồi dào sẽ giúp cho biên lợi nhuận các ngân hàng được nới rộng. Tuy nhiên, không phải tổ chức nào cũng chiếm được ưu thế này.
Vietcombank, Techcombank và MB trong những năm gần đây là những ngân hàng có được ưu thế tốt nhất về tiền gửi không kỳ hạn nhờ những đặc thù và chiến lược đặc biệt của mình.
Tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn trên tổng tiền gửi khách hàng tại ba ngân hàng trên thường có cách biệt khá lớn so với nhóm những ngân hàng còn lại.
Các ngân hàng kỳ vọng có thể thu hút thêm khách hàng doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), từ đó gia tăng CASA cũng như doanh thu phí trong tương lai.
VNDirect cũng cho rằng, ngân hàng với những lợi thế sau sẽ có nhiều cơ hội cải thiện NIM (biên lãi ròng) như: Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao hoặc tỷ lệ cho vay trên tiền gửi (LDR) thấp hơn có thể dẫn đến giảm chi phí vốn...