Kết thúc 6 tháng đầu năm 2024, tổng tài sản toàn Tập đoàn MB (MBGroup) cho thấy tăng trưởng tổng tài sản gần 5% so với năm 2023, đạt 988,605 tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng tăng trưởng 10,3% so với năm 2023, tốc độ tăng trưởng cao so với bình quân ngành.
MB tiếp tục duy trì tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) dẫn đầu thị trường ở mức 38,83% nhờ nền tảng khách hàng lớn và giao dịch qua kênh số. Lợi thế này giúp MB tiết kiệm chi phí vốn đầu vào và tăng hiệu quả kinh doanh đáng kể. CIR riêng ngân hàng ở mức xấp xỉ 27,40%, quản trị chi phí hiệu quả; tiết kiệm chi phí huy động vốn COF xấp xỉ 3,22%.
Tiền gửi của khách hàng của Techcombank đến cuối tháng 6/2024 đạt 481.900 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm. Tỷ lệ CASA đạt 37,4%, trong lúc số dư CASA vẫn giữ ở mức cao nhất trong lịch sử, ở mức hơn 180.000 tỷ đồng. Techcombank kết thúc nửa đầu năm 2024 với khoảng 14,4 triệu khách hàng, bổ sung thêm khoảng gần 1 triệu khách hàng mới trong kỳ.
Tại MSB, cùng với tăng trưởng quy mô tín dụng, huy động từ khách hàng và giấy tờ có giá của ngân hàng hợp nhất tăng lần lượt 15% và 64% so với cuối năm 2023, góp phần củng cố hiệu quả bảng cân đối. Bên cạnh đó, số dư tiền gửi không kỳ hạn của nhà băng này đạt hơn 40.500 tỷ đồng, tăng 15,4% so với cuối năm trước và giữ xu hướng đi ngang so với mốc 40.300 tỷ đồng hồi quý I/2024.
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ CASA của MSB đạt 26,71%, tuy giảm nhẹ so với quý trước nhưng vẫn thuộc nhóm đầu thị trường, chủ yếu do tiền gửi có kỳ hạn tăng trở lại. CASA vẫn được MSB chú trọng như một lợi thế của ngân hàng để giảm thiểu chi phí vốn.
Huy động của ACB đạt 512.000 tỷ đồng tính đến cuối quý II/2024, tăng trưởng 6% so với đầu năm nay, vượt so với tăng trưởng bình quân ngành. Tỷ lệ CASA đạt 22%, nằm trong nhóm dẫn đầu thị trường. Trong khi đó, tín dụng của ACB đạt 550.000 tỷ đồng, tăng trưởng 12,8% so với đầu năm, tăng gấp đôi so với bình quân ngành và đây là mức tăng trưởng cao nhất trong gần một thập niên qua.
Tính đến hết 30/6, tổng huy động của TPBank tăng gần 5% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 317,700 tỷ đồng. Tỷ lệ nguồn vốn CASA chất lượng của TPBank tiếp tục được củng cố khi đạt trên 22%.
PSG-TS. Nguyễn Hữu Huân, Trường đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, mặc dù hiện nay người dân có thể đã bắt đầu tích lũy trở lại, tiền tiết kiệm vẫn tăng.
Lãi suất tiền gửi tiết kiệm tăng trở lại, dù chưa quá cao, song trước bối cảnh các kênh đầu tư (chứng khoán, bất động sản…) chưa hồi phục rõ nét, tiền nhàn rỗi vẫn chọn ngân hàng, nên tiết kiệm tăng kỷ lục. Số liệu Ngân hàng Nhà nước đưa ra, tiền gửi của người dân và tổ chức kinh tế đến tháng 6/2024 ước đạt 13,575 triệu tỷ đồng, tăng 1,5% so với cuối năm 2023.
Theo ông Huân, tuy có dấu hiệu chuyển hướng sang kênh đầu tư phù hợp, nhưng chưa rõ ràng hình thành nên xu hướng tiết kiệm hay đầu tư. Dòng tiền vẫn nằm trong ngân hàng chờ cơ hội đầu tư sang những kênh khác và điều này sẽ tiếp tục tạo ra việc tăng tiết kiệm và tăng CASA, giúp ngân hàng tiết kiệm được chi phí, duy trì biên lãi ròng (NIM) tăng.