Các nguồn tin liên quan trực tiếp đến đợt phát hành cho biết, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã chốt danh sách đăng ký mua trái phiếu cuối tuần qua. Khối lượng phát hành được chốt ở mức 5.000 tỷ đồng, lãi suất cho hai kỳ thanh toán đầu tiên là 11%/năm và biên lãi suất cho các kỳ thanh toán sau đó là 3,3%/năm (bằng trung bình lãi suất tiết kiệm 12 tháng của 4 ngân hàng quốc doanh lớn cộng với 3,3%). Mỗi kỳ thanh toán bằng 6 tháng.
Đây là đợt phát hành thành công nhất của Vinacomin trong vòng 5 năm trở lại đây và là một trong số ít đợt phát hành quy mô trên 1.000 tỷ đồng trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp từ đầu năm tới nay.
Lãi suất trái phiếu của Vinacomin hai kỳ đầu tiên là 11%/năm
Năm 2007, Vinacomin phát hành được 1.500 tỷ đồng trái phiếu, năm 2009 phát hành được 1.500 tỷ đồng trái phiếu và năm 2012 phát hành được 500 tỷ đồng trái phiếu. Đợt gần đây nhất là tháng 1/2013, Vinacomin phát hành được 2.500 tỷ đồng trái phiếu, với lãi suất 14,5%/năm cho kỳ thanh toán đầu tiên, biên lãi suất 3,6%/năm cho các kỳ thanh toán sau đó.
Lãi suất của đợt phát hành lần này của Vinacomin cũng thấp hơn hẳn các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp công khai trên thị trường trước đó. Hồi tháng 7, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai phát hành trái phiếu với lãi suất kỳ đầu là 14%/năm và biên lãi suất cho các kỳ sau là 5%/năm, dù có tài sản đảm bảo.
Theo các nguồn tin trong cuộc, sự thành công bất ngờ của đợt phát hành trong nửa cuối năm 2013 của Vinacomin nêu trên phản ánh cơn “khát” địa chỉ giải ngân của khối ngân hàng. Dự kiến ban đầu của Vinacomin là phát hành 3.000 tỷ đồng, sau đó quy mô đã được nâng lên 5.000 tỷ đồng trước nhu cầu lớn của các NĐT.
Trong khi đó, tính đến 30/6/2013, Vinacomin có các khoản nợ lên tới 88.000 tỷ đồng, bằng 2,5 vốn chủ sở hữu, trong đó có 35.000 tỷ đồng sẽ phải trả trong vòng 1 năm tới. Bên cạnh đó, hiệu quả kinh doanh của Vinacomin suy giảm mạnh so với giai đoạn 2010 - 2011 và trở nên khó dự đoán trong vòng 3 năm tới. Lợi nhuận sau thuế của Vinacomin năm 2012 giảm hơn 60% so với năm 2011, xuống còn 2.588 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2013 mới chỉ hồi phục một phần. Các khoản chi lớn cho tài sản cố định và các dự án đầu tư dài hạn trong lĩnh vực khai thác than, xây dựng nhà máy đã khiến dòng tiền thuần của Vinacomin âm trong 2 năm gần nhất. Năm 2011, dòng tiền của Tập đoàn này âm 378 tỷ đồng, năm 2012 âm 2.283 tỷ đồng.
Những biến động về thuế xuất khẩu tài nguyên, về hoạt động xuất khẩu than ra thị trường Trung Quốc và nguy cơ kéo dài một số dự án khai thác khoáng sản càng khiến hoạt động kinh doanh của Vinacomin trở nên bất ổn và khó dự đoán đối với các NĐT.
Tuy nhiên, lượng đăng ký mua trái phiếu của Vinacomin vẫn cao vượt mong đợi của bên chào bán, do các ngân hàng chưa có nhiều lựa chọn để giải ngân. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng tính đến hết tháng 8 chỉ đạt 10,4%, trong khi huy động tăng 11,4%.
“Các ngân hàng không còn nhiều lựa chọn để đầu tư. Nhìn các DN đã phát hành hoặc sắp phát hành trái phiếu hiện nay, chỉ có một số ít DN vẫn đạt doanh thu cao từ hoạt động sản xuất, chủ yếu là các tổng công ty nhà nước thuộc ngành than, điện, dầu khí. Vinacomin với vị thế tập đoàn nhà nước đầu ngành vẫn có dòng doanh thu liên tục từ hoạt động khai thác than, khoáng sản và các dự án điện”, một NĐT mua trái phiếu của Vinacomin lý giải về quyết định đầu tư của mình.
Lãi suất trái phiếu Vinacomin dù sao vẫn cao hơn so với lãi suất cho vay của các ngân hàng. Từ giữa năm nay, lãi suất cho vay đối với một số tổng công ty, tập đoàn nhà nước đã giảm còn gần 10%/năm, thậm chí 9%/năm với những DN có hoạt động kinh doanh tốt.
“Vietcombank cũng nằm trong danh sách các ngân hàng mua trái phiếu của Vinacomin”, nguồn tin liên quan đến đợt phát hành cho biết.