Ngân hàng mua trái phiếu chính phủ không làm méo mó đầu tư

Ngân hàng mua trái phiếu chính phủ không làm méo mó đầu tư

(ĐTCK) “Trong điều kiện tổng cầu của nền kinh tế còn thấp, nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp chưa cao, việc các tổ chức tín dụng phân bổ một phần nguồn vốn nhàn rỗi đầu tư vào trái phiếu chính phủ là hợp lý”. Đó là quan điểm của ông Ngô Đăng Khoa, Trưởng phòng Kinh doanh trái phiếu, Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam).

Các tổ chức tín dụng (TCTD) đã và đang tăng mua trái phiếu chính phủ (TPCP), ông nhận xét gì về xu hướng này?

Trong 3 tháng đầu năm 2014, Kho bạc Nhà nước đã phát hành thành công khoảng 80.000 tỷ đồng TPCP, với lãi suất các kỳ hạn 2 - 5 năm giảm 100 - 130 điểm, xuống mức 5,8 - 7,3%/năm do nhu cầu mua TPCP khá cao từ các TCTD.

Sở dĩ các TCTD đẩy mạnh mua TPCP trong những tháng đầu năm vì lãi suất trái phiếu thường có xu hướng tăng lên và cao hơn trong những tháng cuối năm cũ và đầu năm mới, do nhu cầu thanh toán tăng cao làm chi phí vốn và mặt bằng lãi suất có xu hướng cao hơn những thời điểm khác trong năm. Bên cạnh đó, một lượng lớn trái phiếu đáo hạn trong quý I (hơn 30.000 tỷ đồng) nên các TCTD cần phải mua TPCP để bù đắp những khoản đáo hạn này. Đặc biệt, tăng trưởng tín dụng trong quý I khá thấp, vốn tạm thời dư thừa nên một số TCTD đẩy mạnh đầu tư vào TPCP nhằm tiết kiệm chi phí vốn, thay vì cho vay trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất thấp. Ngoài ra, với tình hình vĩ mô được cải thiện, lạm phát được kiểm soát, tỷ giá ổn định, lãi suất được dự đoán giảm trong năm nay, nên đầu tư vào TPCP càng trở nên hấp dẫn.

Còn yếu tố nào khác giúp TPCP trở nên hấp dẫn, theo ông?

Một trong những yếu tố giúp cho TPCP trở thành kênh đầu tư ngày càng hấp dẫn là thị trường TPCP có những bước phát triển vượt bậc trong những năm vừa qua, với quy mô tăng trưởng hơn 300%, giá trị vốn hóa đạt hơn 500.000 tỷ đồng so với 160.000 tỷ đồng năm 2009, thể hiện sự quan tâm của các nhà đầu tư vào thị trường TPCP, đặc biệt là các TCTD. Thành quả này có được một phần từ những nỗ lực của cơ quan nhà nước như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) trong việc phát triển thị trường. Chẳng hạn, Bộ Tài chính ban hành các thông tư hướng dẫn bảo lãnh, đấu thầu và giao dịch TPCP; HNX nâng cấp hệ thống giao dịch TPCP chuyên biệt và phát triển đường cong lãi suất TPCP cho thị trường…

Ông có thể nói cụ thể hơn?

Với mục tiêu mở rộng phạm vi hoạt động thị trường giao dịch TPCP, tăng thanh khoản, tạo liên kết giữa thị trường sơ cấp và thứ cấp, HNX đã khai trương thị trường giao dịch TPCP chuyên biệt vào tháng 9/2009. Thị trường này đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển của thị trường TPCP nói chung và thị trường TPCP Việt Nam nói riêng.

Trước đây, khi chưa có thị trường giao dịch TPCP chuyên biệt, các thành viên khi tham gia giao dịch hoặc tham gia đấu thầu thường phải đặt lệnh qua các công ty chứng khoán. Từ khi có thị trường giao dịch TPCP chuyên biệt, các thành viên có thể tự đặt lệnh vào hệ thống giao dịch, đấu thầu, kết nối với trung tâm HNX, vừa tiết kiệm thời gian, chi phí giao dịch, đồng thời tính bảo mật được đảm bảo hơn việc fax lệnh qua các công ty chứng khoán trước đây.

Hệ thống giao dịch đã đem đến sự tiện lợi cho người sử dụng và cung cấp nhiều thông tin quan trọng, hữu ích về thị trường trái phiếu Việt Nam cho các thành viên như đường cong lãi suất chuẩn, thông tin giao dịch và đấu thầu TPCP. Sự ra đời của đường cong lãi suất cho TPCP là một bước phát triển rất quan trọng cho thị trường trái phiếu, vì nó tạo ra một đường cong lãi suất chung, tạo sự liên kết giữa thị trường sơ cấp và thứ cấp, giúp các thành viên có cơ sở để đánh giá danh mục đầu tư.

Hệ thống cũng cung cấp một kênh liên lạc trực tuyến để các thành viên có thể liên lạc, trao đổi thông tin, giao dịch với nhau, góp phần tăng thanh khoản cho thị trường.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính và Kho bạc Nhà nước ban hành những quy định và điều kiện thành viên đấu thầu TPCP. Trong đó, các thành viên có trách nhiệm đóng góp giá tham khảo cho đường cong lãi suất và chào giá mua giá bán hai chiều cho một số kỳ hạn nhằm tạo giá tham chiếu và tăng thanh khoản cho thị trường.

Các TCTD đẩy mạnh mua TPCP trong những tháng đầu năm

Lợi ích khi các TCTD mua TPCP là gì?

Các TCTD cần phải duy trì một tỷ lệ nhất định giấy tờ có giá có tính thanh khoản cao (trong đó, TPCP được xem là giấy tờ có giá có tính thanh khoản cao nhất) trong tổng tài sản của mình nhằm đảm bảo thanh khoản, khi cần thanh khoản thì TCTD có thể dùng TPCP để vay trên thị trường mở.

Các TCTD khi có nguồn vốn dồi dào, nhàn rỗi, thay vì cho vay các kỳ hạn ngắn trên thị trường liên ngân hàng ở lãi suất khá thấp như hiện nay, thì việc đầu tư vào TPCP sẽ có được lãi suất tốt hơn, tiết kiệm chi phí vốn. Bên cạnh đó, TPCP có thể tăng giá khi lãi suất có khả năng giảm, giúp các TCTD có thêm lợi nhuận trong giao dịch mua bán TPCP.

Có ý kiến cho rằng, TCTD mua nhiều TPCP làm méo mó phân bổ đầu tư. Quan điểm của ông như thế nào?

Thông thường, khi đầu tư vào TPCP, các TCTD sẽ căn cứ vào hạn mức đầu tư trái phiếu, quản trị rủi ro, chiến lược đầu tư và thanh khoản của TCTD để quyết định phân bổ đầu tư như thế nào. Thời gian qua, các TCTD đẩy mạnh đầu tư vào TPCP trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng chưa cao, nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi, kinh tế vĩ mô dần tích cực thông qua việc lạm phát được kiểm soát, sự ổn định của tỷ giá và mặt bằng lãi suất giảm dần, giúp cho kênh đầu tư TPCP ngày càng hấp dẫn, các TCTD có khả năng kiếm được lợi nhuận khi giá TPCP tăng.

Trong điều kiện tổng cầu của nền kinh tế còn thấp, nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp chưa cao, nên việc phân bổ một phần nguồn vốn nhàn rỗi đầu tư TPCP là hợp lý, vì sẽ giúp TCTD giảm được chi phí vốn, mặt khác có thể giúp TCTD kiếm được lợi nhuận khi mặt bằng lãi suất nói chung và lãi suất TPCP nói riêng giảm.

Ở một góc độ khác, thông qua phát hành TPCP, Chính phủ và Kho bạc Nhà nước có nguồn vốn để đẩy mạnh đầu tư công, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, từ đó tác động đến chi tiêu và tổng cầu của nền kinh tế.

Được biết, nguồn vốn TPCP có tiến độ giải ngân khá chậm. Làm thế nào để sử dụng hiệu quả nguồn vốn này?

Hiện nay, việc giải ngân nguồn vốn TPCP vào những dự án đầu tư công và vào nền kinh tế khá chậm. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước sau 2 tháng đầu năm mới đạt 11,6% kế hoạch năm. Huy động được một lượng lớn TPCP, nhưng giải ngân chậm sẽ làm tăng gánh nặng chi phí vốn khi Kho bạc Nhà nước thường tạm gửi tại các ngân hàng thương mại với lãi suất không kỳ hạn. Mặt khác, giải ngân chậm sẽ ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án đầu tư và giảm sức lan tỏa đến các ngành sản xuất và nền kinh tế.

Do đó, Kho bạc Nhà nước cần sử dụng nguồn vốn TPCP hiệu quả thông qua việc giải ngân nhanh vào những dự án trọng điểm có tính hiệu quả cao, có sức lan tỏa lớn đến các ngành nghề sản xuất và nền kinh tế, tránh việc đầu tư dàn trải và kém hiệu quả. Đồng thời, cần phải có cơ chế quản lý và giám sát hiệu quả của việc sử dụng nguồn vốn TPCP.

Có điểm gì cần thận trọng khi các TCTD mua nhiều TPCP?

Các TCTD khi đầu tư vào TPCP cần cân nhắc phân bổ nguồn vốn đầu tư của mình dựa vào hạn mức đầu tư, quản trị rủi ro, chiến lược đầu tư, đặc biệt là thanh khoản của TCTD và của thị trường trái phiếu để tránh trường hợp đầu tư quá nhiều vào TPCP, khi thị trường có những biến động sẽ ảnh hưởng đến khả năng quản trị rủi ro và thanh khoản. Các yếu tố như lạm phát, tăng trưởng tín dụng và khả năng Kho bạc Nhà nước giải ngân, rút bớt tiền tạm gửi ở các ngân hàng thương mại cũng cần được quan tâm và theo dõi chặt chẽ.

Bài viết này nằm trong Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2014, do Báo Đầu tư Chứng khoán - Báo Đầu tư xuất bản ngày 5/5/2014. Tinnhanhchungkhoan.vn sẽ lần lượt đăng tải bài viết của Đặc san này trong thời gian tới.

Quý vị độc giả có thể theo dõi tất cả các bài viết trong Đặc san tại:Toàn cảnh ngân hàng Việt Nam 2014: “Đón vận hội mới”

Tin bài liên quan